Nam Dược nỗ lực bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu Việt

Phát triển vùng trồng đạt chuẩn quốc tế không chỉ giúp Nam Dược chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen dược liệu, giúp xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương.

Bảo tồn nguồn gen giống dược liệu

Theo thống kê của Viện Dược liệu, hiện Việt Nam ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật được sử dụng làm thuốc. Trên thực tế, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen; trong đó có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc và chữa bệnh, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sự đa dạng về nguồn gen đang bị suy giảm, đe dọa trong những năm gần đây, do mai một của các tri thức truyền thống về sử dụng hiệu quả nguồn gen giống dược liệu trong chăm sóc sức khỏe.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Đông dược, từ ngày đầu thành lập, Nam Dược đã trăn trở với việc bảo tồn và phát huy các phương thức cổ truyền của dân tộc, trên cơ sở sự đa dạng của nền dược liệu phong phú trong nước. Tiếp thu triết lý “Nam dược trị Nam nhân” của Thiền sư Tuệ Tĩnh, một mặt, doanh nghiệp kế thừa các bài thuốc cổ, mặt khác doanh nghiệp xác định hướng đi phát triển các vùng trồng dược liệu sạch trong nước.

Vùng trồng quất của Công ty Nam Dược đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại Nam Định

Vùng trồng quất của Công ty Nam Dược đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại Nam Định

Đến nay, Nam Dược đầu tư xây dựng các vùng trồng cát cánh ở Bắc Hà - Lào Cai, mạch môn ở Đoan Hùng - Phú Thọ, húng chanh ở Tuy Hòa - Phú Yên, quất ở Nam Trực - Nam Định,… đáp ứng các tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới”, đạt chuẩn GACP-WHO.

"Đầu tư cho vùng trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn GACP-WHO không những giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo hoạt chất dược liệu, mà còn góp phần duy trì, bảo tồn các nguồn gen giống dược liệu nước nhà trước nguy cơ của dược liệu bẩn", Tổng Giám đốc Nam Dược Hoàng Minh Châu nhấn mạnh.

Nông dân đổi đời nhờ cây dược liệu

Chia sẻ về những ngày đầu phát triển vùng trồng cát cánh đạt chuẩn tại Bắc Hà (Lào Cai), ông Hoàng Minh Châu chia sẻ: “Nam Dược đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà để thuyết phục người nông dân chuyển sang trồng cát cánh”. Sau nhiều lần thử nghiệm ở những địa hình khác nhau, mất 4 năm để cát cánh trở thành cây trồng chủ lực tại thung lũng Bắc Hà, cũng như thay đổi chất lượng đời sống lẫn tập tục canh tác của người Mông.

Sau hơn 10 năm triển khai, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà, hiện địa phương trồng hơn 214ha cát cánh. "Tới nay, trung bình một héc ta cát cánh cho thu nhập 120 -170 triệu đồng một năm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn 3-4 lần so với cây trồng chính (lúa, ngô)", bà Nguyễn Thị Huê - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bắc Hà chia sẻ tại hội thảo "Thúc đẩy liên kết phát triển cây dược liệu tỉnh Lào Cai" tháng 7 vừa qua tại Bắc Hà, Lào Cai.

 Cát cánh dược liệu trở thành cây trồng chủ lực ở Bắc Hà với cách thức canh tác kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế

Cát cánh dược liệu trở thành cây trồng chủ lực ở Bắc Hà với cách thức canh tác kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế

Ông Hoàng Quốc Khánh - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh xác định dược liệu là một trong 5 cây trồng chủ lực để phát triển nông nghiệp... Thực tế cũng cho thấy, dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho một bộ phận người dân, đặc biệt là những hộ ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ đã chuyển đổi từ các cây trồng truyền thống có giá trị thấp sang cây dược liệu có hiệu quả cao, tăng thu nhập lên 3-5 lần, tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Việc trồng, phát triển dược liệu được đánh giá là hướng đi đúng, trúng, giúp người dân tiếp cận được cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực “vì dược liệu Việt”

Ngày 21/12/2023, Lễ vinh danh “Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Sự kiện do Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế tổ chức, nhằm vinh danh các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có thành tích nuôi trồng, bảo tồn, hình thành được chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu; từ đó phát triển các sản phẩm góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Đại diện Nam Dược nhận giải thưởng

Đại diện Nam Dược nhận giải thưởng

Tại sự kiện, Nam Dược cùng 14 doanh nghiệp tiêu biểu khác trong nước đón nhận danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì sự phát triển dược liệu Việt”. Cùng với định hướng của Nhà nước, với vai trò thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng, tạo đà cho sự phát triển bền vững, Nam Dược và các đơn vị doanh nghiệp trong nước đã góp phần mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất, tập trung cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia. Việc phát triển các vùng trồng dược liệu còn là hướng đi mang lại cuộc sống ấm no cho bà con tại các vùng nôn thông, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

“Giải thưởng là sự ghi nhận, tạo “cú hích” và động lực để Nam Dược tiếp tục kiên định với định hướng phát triển các cây dược liệu quý của Việt Nam, tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ sức khỏe, nâng tầm dược liệu Việt”, ông Hoàng Minh Châu chia sẻ tại sự kiện.

Bích Đào

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nam-duoc-no-luc-bao-ton-phat-trien-nguon-gen-duoc-lieu-viet-2232733.html