Nằm tại phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Hổ Quyền là một đấu trường được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn dùng để tổ chức những trận quyết chiến giữa voi và hổ cho nhà vua, quan lại và dân chúng xem; đồng thời luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận. Ảnh: Trần Thiện
Hồ Quyền có kết cấu bởi hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm. Vòng trong cao 5,90m, vòng ngoài cao 4,75m (kể cả lan can), cả hai vòng tường cộng với dải đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở chân thành.
Hổ Quyền được cấu trúc khá đơn giản nhưng rất chắc chắn. Vật liệu xây bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt, cho nên ngày nay đấu trường vẫn còn khá nguyên vẹn.
Thời các vua Nguyễn, khi chưa có một đấu trường riêng để đảm bảo an toàn, những cuộc đấu giữa voi và hổ vẫn được tổ chức và được xem là những ngày hội lớn của triều đình và dân chúng. Sau này để đảm bảo an toàn, năm 1830, vua Minh Mạng cho xây đấu trường ở đồi Long Thọ, gọi là Hổ Quyền.
Quanh vòng tường thành có trổ 5 chuồng hổ và một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu.
Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường. Ở chỗ khán đài vua ngồi, thân của đấu trường được nới rộng ra về bề dày.
Đối diện với khán đài vua ngồi là 5 chuồng hổ, gồm 3 chuồng nhỏ và 2 chuồng to.
Cận cảnh một cửa dẫn hổ vào đấu trường. Hổ được nhốt tại khu vực này trước khi thi đấu.
Cửa phía ngoài của chuồng nhốt hổ.
Voi vào đấu trường bằng cửa riêng to hơn và không bị nhốt. Cửa voi đi rộng 1,90m, cao gần 4m, con đường trên cửa vòm được thu hẹp bằng một cây cầu, cửa vòm có hai cánh bằng gỗ lớn, bản lề bằng đá.
Hổ Quyền ở Huế là một di tích đặc biệt và độc đáo của Việt Nam; đã được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1998. Trận đấu cuối cùng giữa voi và hổ tại Hổ Quyền được ghi nhận vào năm 1904, dưới triều vua Thành Thái. Trong cuốn “Quần thể di tích Huế”, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã mô tả đây là trận đấu rất hấp dẫn và kịch tính./.
CTV Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN