Năm học 2023-2024, không yêu cầu giáo viên soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024, trong đó không yêu cầu giáo viên soạn giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.
Xây dựng giáo án tránh hình thức, khuôn mẫu
Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung đáng chú ý như sau:
"Xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; việc xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy.
Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh".
Theo Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu giáo viên phải soạn giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.
Thời gian qua, giáo án theo mẫu Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH được hầu hết giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông đánh giá là quá dài dòng khiến thầy cô giáo phải soạn bài rất mất thời gian, mệt mỏi.
Theo đó, Phụ lục 4 quy định kế hoạch bài dạy (giáo án) gồm: "I. Mục tiêu (kiến thức; năng lực; phẩm chất); II. Thiết bị dạy học và học liệu; III. Tiến trình dạy học.
Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động). Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1 (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động). Hoạt động 3: Luyện tập. Hoạt động 4: Vận dụng. Mỗi hoạt động đều yêu cầu: a) Mục tiêu; b) Nội dung; c) Sản phẩm:; d) Tổ chức thực hiện".
Thế nào là một giáo án đạt yêu cầu?
Thứ nhất, giáo viên cần xác định mục tiêu bài học một cách rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn giáo dục của từng địa phương, lớp học và đối tượng học sinh. Đặt mục tiêu bài học đúng sẽ giúp thầy cô giáo tổ chức hoạt động, sử dụng phương pháp và phương tiện dạy học… một cách phù hợp để đạt được các mục tiêu đặt ra. Việc xác định không đúng hoặc không rõ ràng mục tiêu bài giảng thì giáo viên sẽ rất khó triển khai bài giảng hiệu quả.
Thứ hai, phần khởi động có vai trò tạo hứng thú, tạo năng lượng tích cực học tập cho học sinh. Không phải bất cứ học sinh nào đều có sẵn niềm say mê, yêu thích đối với môn học. Vì vậy, nhiệm vụ của hoạt động khởi động là khơi gợi hứng thú để vào bài học và hơn thế nữa, còn khơi dậy niềm đam mê, bồi đắp tình yêu đối với môn học.
Thứ ba, thuyết giảng là phần mà giáo viên phác họa một cách rõ nét bản thân sẽ trình bày nội dung nào cho học sinh. Các cách thức dạy học mà giáo viên đưa ra có thể là đọc sách, vẽ sơ đồ, lấy ví dụ thực tế hoặc sử dụng một dụng cụ. Điều quan trọng là giáo viên phải cân nhắc để áp dụng đa dạng các phương pháp dạy học, trong đó cần xác định phương pháp dạy học nào là chủ đạo. Sự sáng tạo về phương pháp sẽ mang lại thành công cho bài giảng, thu hút học sinh tham gia và giúp các em hiểu được nội dung của bài học sâu sắc.
Thứ tư, thực hành có hướng dẫn là phần giáo viên hướng dẫn và giám sát học sinh luyện tập những gì các em đã học được. Dưới sự giám sát của giáo viên, học sinh sẽ được luyện tập và vận dụng các kỹ năng mà thầy cô giáo đã dạy ở phần lí thuyết. Hoạt động luyện tập có hướng dẫn có thể được tiến hành theo cá nhân hoặc theo nhóm.
Thứ năm, kết thúc bài học, giáo viên không nên chỉ nhắc lại lý thuyết suông, mà hãy thiết lập và củng cố mối liên hệ giữa bài học với thực tiễn. Giáo viên cho học sinh thấy rõ những gì vừa học có ích ra sao và sẽ ảnh hưởng thế nào đến công việc, cuộc sống, các em vận dụng kiến thức tiếp thu vào trong đời sống, hoạt động nghề nghiệp sau này.
Thứ sáu, học sinh làm bài tập về nhà, giúp các em tiếp thu được mục tiêu học tập của bài học này đến đâu. Qua hoạt động này, học sinh được củng cố các kỹ năng và tổng hợp kiến thức mới bằng cách tự hoàn thành một số nhiệm vụ được giao mà không cần thầy cô giáo bên cạnh.