Năm học đặc biệt

Năm học 2021-2022 được xem là năm học đặc biệt bởi cùng lúc ngành Giáo dục phải thực hiện nhiều mục tiêu: Nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo cùng với tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Hơn nữa, đây cũng là năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và 6 trong bối cảnh nhiều trường trên địa bàn tỉnh thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Ngay sau lễ khai giảng, các nhà trường đã dần ổn định hoạt động, khắc phục một số khó khăn ban đầu, nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Tiên Kiên, huyện Lâm Thao nhanh chóng bắt nhịp với năm học mới.

Linh hoạt ứng phó với dịch bệnh

Mùa tựu trường năm nay là kỷ niệm đặc biệt đối với em Đặng Xuân Sơn trước đây là học sinh lớp 7 Trường THCS Minh Lập, huyện Trương Thành, tỉnh Bình Phước. Sau khi kết thúc năm học 2020-2021, Sơn cùng mẹ về thăm ông bà ngoại ở xã Bình Phú, huyện Phù Ninh. Nhưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh thành phía Nam, trong đó Bình Phước có nhiều ca mắc COVID-19 phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên Sơn chưa thể quay về trường để tiếp tục năm học mới. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Ninh đã chỉ đạo, hướng dẫn Trường THCS Bình Bộ (xã Bình Phú) tiếp nhận, tạo điều kiện học tập đối với học sinh tỉnh ngoài.

Em Đặng Xuân Sơn (tỉnh Bình Phước) được tạo điều kiện học tập tại Trường THCS Bình Bộ, xã Bình Phú, huyện Phù Ninh.
Thầy giáo Ngô Ngọc Thụy - Hiệu trưởng Trường THCS Bình Bộ cho biết: “Ngày đầu tựu trường, chúng tôi đã kết nối, trao đổi thông tin với ban giám hiệu Trường THCS Minh Lập được biết em Sơn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp 7 với hai môn Toán, Tiếng Anh. Vì thế, trường đã tạo điều kiện cho em thi lại và đạt yêu cầu lên lớp 8. Khi dịch bệnh được kiềm chế, trường sẽ xác nhận và chuyển giao kết quả rèn luyện, học tập để học sinh quay trở lại trường cũ học tập”. Em Đặng Xuân Sơn tâm sự: “Mặc dù rất nhớ nhà nhưng thầy cô và các bạn ở đây rất quan tâm, tạo điều kiện nên em nhanh chóng hòa đồng với ngôi trường mới. Giờ đây, em không còn bỡ ngỡ nữa và tự nhủ phải cố gắng học tốt để sớm được trở về nhà với thầy cô và bạn bè”. Được biết, trong tổng số hơn 1.000 học sinh ngoại tỉnh đang tạm cư trú tại Phú Thọ thì huyện Phù Ninh có 34 em được tạo điều kiện theo học ở các trường tiểu học và THCS.

Cùng với việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tỉnh ngoài đang tạm lưu trú trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các trường học còn xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Năm học 2021-2022, Trường THCS Dữu Lâu, thành phố Việt Trì có 508 học sinh. Bước vào tuần thứ 2 của năm học mới, trường đã tranh thủ thời gian “vàng” khi dịch bệnh đang ổn định để tăng cường dạy học trực tiếp chương trình chính khóa. Theo đó, hàng tuần, ngoài thời khóa biểu buổi sáng, trường cho học sinh học tăng cường thêm buổi chiều, mỗi buổi ba tiết tại trường, đảm bảo lượng kiến thức phù hợp với từng khối lớp. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp còn rà soát danh sách học sinh có đủ điều kiện, phương tiện tham gia học trực tuyến nhằm sẵn sàng tình huống học online khi dịch bệnh phức tạp.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm linh hoạt thực hiện mục tiêu kép. Đó là vừa đảm bảo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học; đồng thời bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thầy, cô và học sinh theo phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học” theo bốn cấp độ của dịch bệnh. Theo khảo sát, hiện nay, khoảng 70% giáo viên, học sinh có thể triển khai dạy học trực tuyến. Để khắc phục hạn chế này, thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; triển khai áp dụng các phần mềm phù hợp, hiệu quả phấn đấu 100% giáo viên, học sinh có thể tiếp cận được dạy và học trực tuyến. Sở sẽ chỉ đạo các trường có kế hoạch kiểm tra, dạy bù, phụ đạo, củng cố kiến thức cho học sinh sau khi đi học trở lại bảo đảm chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - TUV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn tỉnh bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của ngành, địa phương về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022; tổ chức kiểm tra công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học tại các cơ sở giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Tùy vào tình hình cụ thể, diễn biến dịch bệnh, báo cáo, đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh về việc điều chỉnh thời gian kết thúc năm học, phương án tổ chức dạy học và tổ chức các kỳ thi, hội thi trong kế hoạch năm học phù hợp với tình hình thực tiễn.

Chủ động đổi mới dạy và học

Năm học này, lớp 2 và lớp 6 áp dụng sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nên 100% giáo viên tham gia tập huấn theo hình thức trực tuyến. Với thâm niên 23 năm đứng lớp môn Tiếng Anh, đây là lần đầu cô giáo Ma Thị Lương Hoa - Trường THCS Phụ Khánh, huyện Hạ Hòa tiếp cận và giảng dạy môn Tiếng Anh bằng bộ sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo cô Hoa, bộ sách tiếng Anh i-learn Smart Word phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, dễ khai thác, dễ dạy và dễ học. Sau gần một tháng giảng dạy sách giáo khoa mới, học sinh phát triển đồng đều cả bốn kỹ năng ngôn ngữ và kỹ năng mềm. Cô Hoa cho biết: “Với chương trình sách giáo khoa mới cùng sự thay đổi phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, thi cử, khoảng cách giữa học và thực hành ngoại ngữ dần được thu hẹp. Tuy nhiên, là năm đầu tiên tiếp cận với bộ sách mới và lại là trường vùng nông thôn, nên cả giáo viên và học sinh của trường sẽ không tránh khỏi vướng mắc, khó khăn. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, tôi đã linh động điều chỉnh, thiết kế các nội dung cho phù hợp nhằm tạo hứng thú cho học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu”.

Tìm hiểu thực tế tại một số trường học trên địa bàn huyện Hạ Hòa, Phù Ninh, Tam Nông, thành phố Việt Trì về việc triển khai giảng dạy sách giáo khoa mới, chúng tôi nhận thấy về cơ bản các trường đã sắp xếp, bổ sung trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Các lớp học được lắp đặt máy chiếu, tivi phục vụ hoạt động giảng dạy thuận lợi cho giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên một số trường THCS trên địa bàn tỉnh còn băn khoăn đối với bộ môn Giáo dục địa phương lần đầu được đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 6.

Thầy và trò Trường THCS Dữu Lâu, thành phố Việt Trì trong giờ Toán.
Thầy giáo Hoàng Công Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Dữu Lâu chia sẻ: Trong vài tuần đầu của năm học mới, giáo viên vẫn dạy tạm bằng tài liệu biên soạn qua máy chiếu vì chưa có sách. Hơn nữa, đây là môn học tích hợp nhiều môn khoa học: Địa lý, Lịch sử, Công nghệ, Âm nhạc... nên nhà trường phải bố trí bảy giáo viên dạy theo từng chủ đề. Việc sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên bộ môn sao cho hiệu quả cũng là vấn đề nhà trường lưu tâm.

Cùng với thay sách giáo khoa, năm học 2021-2022, nhiều trường học trên địa bàn thực hiện sáp nhập theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập do UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt vào tháng 6/2021. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp 67 cơ sở giáo dục để thành lập 36 cơ sở giáo dục, giảm 31 đơn vị sau sắp xếp. Nhờ đó, đã tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ lẻ. Nhiều điểm trường được dồn ghép, sáp nhập vào các trường chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, bước đầu sử dụng hiệu quả, tinh gọn số lượng cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên phục vụ gián tiếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202109/nam-hoc-dac-biet-179747