Năm học mới kỳ vọng mới, đột phá mạnh mẽ

Hôm nay (5-9), hơn 23 triệu học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới 2024-2025. Đây là năm học được ngành GD&ĐT xác định chủ đề 'Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương'.

Trước thềm năm học mới, các học sinh (HS), phụ huynh, giáo viên (GV), cán bộ quản lý trên cả nước đặt ra nhiều kỳ vọng với mong muốn ngành giáo dục tiếp tục phát triển, đổi mới, đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0.

Giảm áp lực điểm số, sớm thông tin các kỳ thi

Theo em Khánh Chi (HS lớp 12 một trường THPT ở TP.HCM), chương trình mới tuy giảm một số môn nhưng áp lực điểm số còn cao, sách giáo khoa có giảm bớt lượng kiến thức nhưng nhiều thầy cô vẫn dạy theo kiểu cũ…

“Em hy vọng Bộ GD&ĐT sớm có định hướng về đề thi, cách xét tuyển ĐH. Chúng em mong sẽ được thông báo sớm nếu có thay đổi quy chế về thi HS giỏi, thi tốt nghiệp để thêm phần chủ động” - em Chi chia sẻ.

 Giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) hướng dẫn các em học sinh ca múa, tạo sự gắn kết trong lớp học. Ảnh: NGUYỆT NHI

Giáo viên Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) hướng dẫn các em học sinh ca múa, tạo sự gắn kết trong lớp học. Ảnh: NGUYỆT NHI

Em Lê Hùng Đức (HS Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội) cho hay để đáp ứng hình thức thi mới, em phải thay đổi lộ trình, kế hoạch ôn thi. “Em nghĩ khi HS thay đổi cách học để thích nghi với sự đổi mới của đề thi thì thầy cô cũng cần thay đổi cách dạy” - em Đức nêu quan điểm.

Không chỉ HS, phụ huynh cũng rất quan tâm đến thông tin kỳ thi theo chương trình mới. Chị Kiều Chinh (ngụ TP Cần Thơ, có con học lớp 9) chia sẻ khá lo lắng vì không biết kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 sẽ thi tuyển hay xét tuyển.

“Để tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh áp lực, tôi nghĩ nên xét tuyển dựa vào kết quả học lớp 9 hoặc cả bốn năm học và nguyện vọng của HS” - chị Chinh nói.

Cùng có con học lớp 9, chị Ánh Tuyết (ngụ TP Cần Thơ) đánh giá chương trình mới có mặt tích cực là giúp HS tư duy độc lập, sáng tạo, không quá phụ thuộc vào các dạng bài mẫu.

“Điều làm tôi lo lắng là các môn tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý thì cấu trúc đề thi vào lớp 10 sẽ như thế nào? Về lâu dài, ngành Giáo dục nên nghiên cứu bỏ kỳ thi vào lớp 10 vì quá nhiều áp lực” - chị Tuyết trần tình.

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục Hà Nội luôn xác định nâng cao năng lực tiếng Anh là nhiệm vụ quan trọng nhưng chất lượng môn tiếng Anh chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng. Xét về thứ hạng, môn tiếng Anh của Hà Nội đang đứng thứ 3/63 địa phương. Để cải thiện chỉ số xếp hạng này là điều ngành GD&ĐT và lãnh đạo TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, chúng tôi đã và đang thực hiện điều đó bằng một lộ trình cụ thể.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội TRẦN THẾ CƯƠNG

Nhiều thay đổi từ chương trình mới

GV một trường THCS tại TP.HCM mong năm học này Sở GD&ĐT TP.HCM giảm bớt các kỳ thi, trong đó có kỳ thi GV dạy giỏi. “Nếu kỳ thi GV dạy giỏi tổ chức đúng nghĩa sẽ là cơ hội phát huy cho GV tâm huyết với nghề, không phải là cuộc đua thành tích giữa các trường” - GV này thẳng thắn.

Còn tại TP Đà Nẵng, một GV đề nghị Bộ GD&ĐT cần sớm đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018 vì có nhiều vấn đề cần phải nhìn nhận lại.

“Thứ nhất là lãng phí sách giáo khoa làm tăng gánh nặng kinh tế cho những gia đình khó khăn, đông con. Thứ hai, việc các trường chọn cách giảng dạy và GV được quyền ra đề thi sẽ tạo ra sự mất công bằng, bởi khi HS học thêm sẽ biết kiến thức GV đó ra đề và ngược lại…” - vị này nêu.

Còn vấn đề mà cô Nguyễn Thị Hà (GV Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An) quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.

“Tôi kỳ vọng một kỳ thi có sự phân hóa, kết quả phản ánh đúng năng lực của HS để điểm số không chỉ để xét tốt nghiệp mà còn là phương thức xét tuyển ĐH. Năm học vừa qua, nhiều em 29,3 điểm vẫn không đậu ĐH, mong tình trạng này sẽ không còn” - cô Hà chia sẻ.

Cô Nghiêm Thị Hồng Phượng (GV Trường THPT Nguyễn Trung Ngạn, Hưng Yên) tán thành với Bộ GD&ĐT khi đề nghị từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ngữ liệu đề thi môn ngữ văn có thể ra hoàn toàn ngoài sách giáo khoa.

“Ra đề như vậy giúp môn ngữ văn trở nên “đời hơn”, GV sẽ chấm thi dựa vào cảm hứng, quan điểm, suy nghĩ riêng của mỗi HS” - cô Phượng nhận xét.

Thay đổi để đón nhận sự đổi mới từ các kỳ thi

Theo ông Võ Nu (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, TP.HCM), trường đã rà soát và cho HS đăng ký hai môn thi lựa chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ cuối năm lớp 11. Từ đó có căn cứ xếp lớp phù hợp. Đồng thời, HS cũng được tập dượt đề thi một số môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ GD&ĐT công bố.

Về chương trình mới, ông Nu cho rằng trường triển khai khá thuận lợi khi tổ chức được các môn học để HS chọn, kể cả mỹ thuật và âm nhạc. “Tôi mong Bộ GD&ĐT sớm công bố cấu trúc đề thi minh họa để các trường chủ động kế hoạch ôn tập cho HS. Bên cạnh đó, điều các trường THPT cần nhất hiện nay là thông tin xét tuyển từ các trường ĐH để có định hướng cho HS, HS cũng có căn cứ chọn tổ hợp thi, ngành nghề cho mình” - ông Nu nói thêm.

Năm học 2024-2025, từ lớp 1 đến lớp 12 đều triển khai chương trình mới. Ông Đinh Phú Cường (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, TP.HCM) đánh giá chương trình mới hay, nhẹ nhàng, tăng cường thực hành, phát huy tính tự học của HS.

Ông Cường cũng mong Sở GD&ĐT TP.HCM sớm công bố đề thi minh họa để GV có cơ sở ôn tập cho HS. “Trước đây, các trường chọn GV giỏi để chủ nhiệm lớp 9 nhưng năm nay, ngoài GV có kinh nghiệm còn có thêm người trẻ. Đây là cơ hội để mọi GV đều được cọ xát với chương trình mới” - ông Cường nhấn mạnh.•

Vui vì lương nhà giáo được cải thiện

“Sau 20 năm theo nghề giáo, nếu tôi không được gia đình hỗ trợ sẽ không thể mua chung cư để ổn định cuộc sống như bây giờ. Vừa qua Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ ngành giáo dục, đặc biệt là tăng lương, cũng là động lực lớn để GV gắn bó với nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Chính sách đãi ngộ tốt sẽ giúp tăng số lượng nhân tài theo học tại các trường sư phạm nhằm nâng cao trình độ cũng như chất lượng giảng dạy trong thời gian tới” - bà Võ Thị Mỹ Thu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, TP Đà Nẵng) phấn khởi chia sẻ.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:

Thuận lợi khi đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai

Năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ xây dựng dự thảo tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Sau khi hoàn thành sẽ triển khai thí điểm ở một số trường từ năm học 2025-2026.

Hiện các phòng chuyên môn đang rà soát các nội dung xây dựng dự thảo tiêu chí. TP.HCM có nhiều thuận lợi khi thí điểm triển khai việc này nhờ hiệu quả từ chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp… Nhờ đó, HS sử dụng tiếng Anh như một phương tiện giao tiếp hằng ngày, có đủ năng lực theo học các trường ĐH quốc tế tại TP.HCM hoặc du học.

Việc thí điểm tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai sẽ sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước kết hợp với các mô hình xã hội hóa. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực của GV, trang bị cơ sở vật chất dạy học hiện đại.

Ông TRẦN THANH BÌNH, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ:

Dồn sức triển khai chương trình mới

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12 ngoài những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn.

Cụ thể, việc in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương chưa thực hiện được; tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô HS/lớp, quy mô lớp/trường một số địa phương chưa đạt quy định… Đặc biệt, cán bộ quản lý, GV các cấp học ở vài đơn vị vẫn có tình trạng thiếu, thừa cục bộ.

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tiếp tục kiến nghị với Bộ GD&ĐT sớm ban hành công văn hướng dẫn tổ chức đấu thầu in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương. Để khắc phục tình trạng thiếu GV, Sở GD&ĐT tiếp tục tuyển dụng, thực hiện tốt chính sách tiền lương và các khoản hỗ trợ, khuyến khích GV khác.

Đây là năm đầu tiên các kỳ thi thực hiện theo chương trình mới, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo trường học tổ chức dạy học bám sát yêu cầu; chú trọng kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của HS; ban hành đề thi bám sát chương trình giáo dục phổ thông.

Thầy NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG, GV Trường THPT Thượng Cát, Hà Nội:

Thầy và trò cùng chủ động thay đổi

Từ năm học mới này, kỳ thi tốt nghiệp THPT ngoài hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn còn có thêm hai môn tự chọn. Điều này giúp HS phát huy năng lực, định hướng nghề nghiệp và cũng là bài toán khi HS phải chọn môn nào vừa thi tốt nghiệp vừa có lợi thế xét tuyển ĐH.

Cấu trúc đề thi mới giúp giảm tỉ lệ “ăn may”, đánh giá sát năng lực của HS theo hướng phát triển năng lực giải quyết vấn đề, tình huống, là cơ hội cho các em rèn luyện.

Để thích ứng với chương trình mới, GV cần không ngừng học hỏi, tìm tòi phương pháp giảng dạy hiệu quả nhằm có các tiết học sinh động, giúp HS yêu thích việc học hơn. Còn HS, thay vì nghe giảng thụ động, các em hãy chủ động học tập và tự tìm tòi, khám phá.

ThS THIỀU QUANG THỊNH, GV Trường THPT Long Thới, TP.HCM:

Luồng gió mới từ chương trình mới

Năm học 2024-2025 là năm hoàn thành triển khai chương trình mới và thay đổi sách giáo khoa mới. Đây là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới, tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt, những chuyển biến tích cực, như một luồng gió mới từ tất cả điều này…

Những thay đổi liên tục trong hai năm qua (lớp 10 và lớp 11) và năm nay ở lớp 12 cuối cấp THPT đã buộc GV phải chủ động tiếp cận vấn đề, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp sư phạm cũng như thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Triển khai chương trình mới đã tạo được sự đồng thuận xã hội, ngày càng củng cố niềm tin giữa nhà trường - GV với phụ huynh - HS. Đặc biệt, sự thay đổi này đã tạo ra một không gian giáo dục toàn diện, đa dạng và chuyên sâu, hướng đến trọng tâm lợi ích của người học là trên hết.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành triển khai chương trình tại các cấp, Bộ GD&ĐT cần có đánh giá về những thuận lợi, tích cực và cả những khó khăn, vướng mắc.

Năm học mới bắt đầu, tôi mong muốn môi trường giáo dục thật sự an toàn, nhiều nụ cười trong các giờ học và sự hạnh phúc khi ra khỏi cổng trường.

N.QUYÊN - T.THANH - M.TRƯỜNG - N.NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-hoc-moi-ky-vong-moi-dot-pha-manh-me-post808429.html