Năm học mới ở Thanh Hóa, thầy trò thiếu thốn đủ bề
Chỉ còn ít ngày nữa năm học 2022 – 2023 sẽ bắt đầu, các trường học ở tỉnh Thanh Hóa (đặc biệt là khu vực miền núi) đang đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn. Thiếu thiết bị, đồ dùng dạy học; thiếu giáo viên và thiếu phòng máy thực hành môn tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông
Trái ngược với cảnh rộn ràng, tưng bừng chuẩn bị chào đón năm học mới, tại Thanh Hóa, thầy cô, phụ huynh, cả những người làm công tác giáo dục đang đối mặt với bộn bề lo lắng.
"Riêng máy móc đang hạn chế, thầy cô có thôi, học sinh chưa có, cũng có ý kiến mua sắm nhưng điều kiện địa phương đang khó khăn".
"Phương án là hiện tại sắp xếp các em ở khu xa học theo buổi. Đối với tin học, mỗi tuần 1 tiết, tháng 4 tiết sẽ học 1 buổi. Bây giờ khó khăn chung".
"Trường đây 12 lớp, tổng có 16 giáo viên, thiếu 8 giáo viên. Đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu giáo viên là rất nặng nề. Năm nay lớp 7 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa biết bố trí kiểu gì đây".
Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2022-2023 sẽ bắt buộc học tin học đối với học sinh từ lớp 3. Huyện miền núi Lang Chánh có 30 trường, cố gắng lắm cũng chỉ lên kế hoạch mua sắm được 100 máy tính, chưa đủ phân bổ cho khối cấp 2, cấp 1 đành phải học ké vào thời gian trống. Thầy Phạm Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thắng cho biết: "Cũng phải cố gắng thôi, bây giờ 6 điểm trường, cũng phải phân bố lần lượt, đấu mối với cấp 2 để các cháu được học 1 buổi, vận động phụ huynh đưa các cháu lên học. Nói thật tính khả thi thì rất vất vả, nhưng bây giờ cũng phải chia lửa với khó khăn của địa phương thì phải khắc phục kiểu đó".
Đứng trước những khó khăn bộn bề, cố gắng lắm các địa phương cũng chỉ có thể đưa ra giải pháp chắp vá sao cho tốt nhất. Ông Cao Bá Châu, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh cho biết: "Bắt buộc phải dồn lớp, để giảm đầu giáo viên đi, như thế thì khó khăn cho giáo viên, học sinh vì lớp chật. Phòng đã tham mưu cho huyện đang bố trí giáo viên toán-tin đi dạy liên trường, bắt buộc phải đi trường khác".
Thiếu thiết bị dạy học cũng là vấn đề đáng lo ngại. Đến thời điểm này, Sở Giáo dục-Đào tạo Thanh Hóa đã thành lập hội đồng mua sắm, các phòng Giáo dục và Đào tạo thành lập Tổ giúp việc để thực hiện trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý thiết bị, đồ dùng dạy học. Tuy nhiên, đến nay mới giải quyết được đối với lớp 2 và lớp 6; còn lớp 3 và lớp 7 vẫn “trống” thiết bị dạy học.
Trao đổi với PV Đài TNVN, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết: "Bây giờ đang trong quá trình đấu thầu lớp 2 lớp 6, sẽ cấp trong tháng 9 này, còn lớp 3 lớp 7, lớp 10 chậm hơn. Do sự cố nên các ngành cũng cẩn thận trong việc thẩm định kế hoạch, thẩm định giá, lựa chọn nhà thầu cũng nhiều thủ tục
Thanh Hóa chỉ là một trong hàng loạt địa phương gặp khó khăn, thách thức trước khi bước vào năm học mới 2022-2023. Đáng nói hơn là Chương trình giáo dục phổ thông mới được chuẩn bị, nghiên cứu bài bản từ nhiều năm trước và triển khai theo lộ trình từ năm 2018, thì không thể nói không có sự chuẩn bị, mà đúng hơn là đang đi ngược lại với tinh thần nghị quyết: “Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”./.