Tập trung cho năm học mới

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho năm học 2024 - 2025, các trường học trên địa bàn tỉnh, cùng ngành GD&ĐT và các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; đồng thời giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên cũng không ngừng nâng cao năng lực để việc giảng dạy đạt hiệu quả.

Rà soát, đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) có 19 phòng học/19 lớp cho cả điểm trường chính và phân hiệu Diên Niên. Trường có 6 phòng bộ môn, gồm: Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật... Trường trang bị mỗi phòng học 1 ti vi thông minh phục vụ công tác giảng dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, hồ bơi của trường đã được đưa vào sử dụng. Trước mắt, nhà trường xây dựng kế hoạch dạy bơi cho học sinh (HS) lớp 4 và 5. Đồng thời cải tạo sân bóng đá mini để HS có nơi vui chơi, rèn luyện.

Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn huyện.

Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn huyện.

Đến thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn huyện Nghĩa Hành đã và đang rà soát, sắp xếp, đánh giá lại các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành Tăng Ngọc Thiên, năm 2023, huyện được đầu tư gần 20 tỷ đồng sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp học. Ngoài ra, từ nguồn vốn đầu tư công năm 2023, UBND huyện đã phân bổ 2,5 tỷ đồng đầu tư xây nhà hiệu bộ Trường Tiểu học Hành Đức; phân bổ 4,5 tỷ đồng xây dựng phòng học và nhà hiệu bộ Trường Mầm non Hành Minh. Hiện nay, UBND huyện tiếp tục đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng nhà hiệu bộ Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa...

"Bên cạnh việc phân bổ ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, UBND huyện Nghĩa Hành còn đầu tư gần 10 tỷ đồng mua sắm thiết bị cấp cho các trường trong năm 2024. Ngoài ra, phòng GD&ĐT đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất xuống cấp cần sửa chữa trong năm 2024 và đã có tờ trình xin đầu tư kinh phí khoảng 7 tỷ đồng sửa chữa cơ sở vật chất trường học năm 2024", ông Thiên thông tin.

Giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Thiếu giáo viên (GV) đầu năm học là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay. Vì vậy, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ; thực hiện linh hoạt bố trí, sắp xếp GV bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu theo quy định. Song, trên thực tế, công tác điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là về khoảng cách địa lý, hoàn cảnh gia đình, nhiều GV đã lớn tuổi...

“Năm 2024, ngành GD&ĐT huyện Nghĩa Hành được giao 968 biên chế. Tuy nhiên, số lượng cán bộ, GV, nhân viên làm việc tính đến thời điểm hiện tại chỉ có 911 người, với 72 cán bộ quản lý, 777 GV và 62 nhân viên. Năm học 2024 - 2025, huyện đăng ký tuyển dụng 57 biên chế sự nghiệp GD&ĐT; trong đó, bậc tiểu học 16 biên chế, THCS 8 biên chế và 33 nhân viên. Địa phương tạm thời thực hiện các giải pháp tình thế để bù đắp số lượng biên chế chưa đủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới”, ông Thiên cho biết.

Trường Tiểu học Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đưa môn bơi lội vào giảng dạy cho học sinh lớp 4, 5 trong năm học 2024 - 2025.

Trường Tiểu học Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đưa môn bơi lội vào giảng dạy cho học sinh lớp 4, 5 trong năm học 2024 - 2025.

Ước tính mỗi năm, TP.Quảng Ngãi có trên 70 GV về hưu. Điều này là trở ngại lớn cho ngành GD&ĐT TP.Quảng Ngãi. Để tạm thời khắc phục tình trạng thiếu GV, UBND TP.Quảng Ngãi chỉ đạo các trường ký hợp đồng GV giảng dạy trong thời gian chờ tổ chức thi tuyển. Tuy nhiên, những trường học ở xa trung tâm gặp khó trong việc hợp đồng với GV. Bởi vì, GV không mặn mà với việc dạy hợp đồng khi nguồn thu nhập ít ỏi nhưng phải di chuyển quãng đường xa. “Ngành giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhưng lại không được quyền tuyển dụng GV. Để giải quyết bài toán thừa - thiếu GV, thì việc giao cho ngành giáo dục chủ động xây dựng đội ngũ bằng cách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý để tránh sự chồng chéo, thủ tục rườm rà. Ngành giáo dục chủ động thiếu đâu tuyển dụng đó thì chắc chắn tình trạng thừa - thiếu GV diễn ra từ nhiều năm nay sẽ được giải quyết”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, đề xuất.

Nâng cao năng lực chuyên môn

Mùa hè được xem là mùa nghỉ ngơi của GV sau một năm vất vả với công việc giảng dạy. Song, trong những năm gần đây, GV hầu như phải làm việc xuyên hè. Sau khi kết thúc năm học cũ, các thầy, cô giáo tất bật hoàn thành các phần việc cho việc xét tốt nghiệp, hay tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT... Cùng với đó, GV tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các đợt tập huấn để sẵn sàng cho năm học mới.

Khai giảng năm học đảm bảo trang trọng, ngắn gọn

Sở GD&ĐT đã có thông báo đến thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục về việc tổ chức cho HS tựu trường, khai giảng năm học 2024 - 2025. Theo đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục chủ động thực hiện sửa chữa trường, lớp học, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, đảm bảo an toàn trong khuôn viên nhà trường; vệ sinh trường, lớp học, sân trường xanh, sạch, đẹp; treo cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Các đơn vị, cơ sở giáo dục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, cấp ủy, chính quyền địa phương đến toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, GV, HS để theo dõi và triển khai thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2024 - 2025.
Tất cả các trường học trong toàn tỉnh tổ chức khai giảng vào ngày 5/9; bắt đầu dạy học từ ngày 6/9. Các đơn vị, cơ sở giáo dục căn cứ vào điều kiện thực tế và cơ sở vật chất để tổ chức chương trình lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 phù hợp, ngắn gọn, trang trọng, bảo đảm các điều kiện an toàn cho GV và HS. Đồng thời, thông báo đến phụ huynh HS về chương trình, thời gian tổ chức lễ, có kế hoạch đưa, đón HS bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Cô giáo Đào Thị Thanh Nga, Trường Tiểu học Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) chia sẻ, trong dịp hè, tôi được phân công tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức... Sau khi tiếp thu những nội dung tập huấn, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh tổ chức và phân công tôi triển khai lại cho cán bộ, GV của các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Thông qua các đợt tập huấn, GV được tham gia thảo luận, trao đổi và tùy vào điều kiện của từng trường để vận dụng vào thực tế giảng dạy tại đơn vị.

Những ngày giữa tháng 8, cô giáo Bùi Thị Ánh Minh, Trường Tiểu học Tịnh Sơn, cùng các đồng nghiệp tham gia buổi tập huấn về tăng cường chất lượng dạy học môn Toán và tiếng Việt lớp 2, 3. Buổi tập huấn diễn ra sôi nổi với sự thảo luận của các GV. “Tất cả GV cùng chia sẻ, học tập lẫn nhau để tìm ra những phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng HS, giúp việc giảng dạy đạt hiệu quả một cách tốt nhất”, cô Minh bày tỏ.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/giao-duc/202408/tap-trung-cho-nam-hoc-moi-5924302/