Nắm 'mỏ vàng' VETC trong tay, doanh thu 294 tỷ nhưng lãi của Tasco (HUT) chỉ gần 1 tỷ đồng
Doanh thu quý 1 của Tasco (HUT) lên tới 294 tỷ đồng nhưng lãi của Tasco (HUT) chỉ hơn 1 tỷ. Công ty vẫn định rót 550 tỷ đồng cho Tasco Land.
Nắm 'mỏ vàng' VETC, doanh thu hàng trăm tỷ đồng nhưng lãi của Tasco (HUT) chỉ gần 1 tỷ đồng
CTCP Tasco (HUT) có tiền thân là Đội cầu Nam Hà, được thành lập từ năm 1971. Cổ phiếu của công ty đã được bắt đầu niêm yết trên sàn HNX từ ngày 4/4/2008 và tới nay cũng vẫn là đơn vị được giới đầu tư chứng khoán chú ý do nắm trong tay 'mỏ vàng' VETC.
Từ ngày 1/8/2022, cao tốc cả nước đã áp dụng chỉ thu phí không dừng (ETC) thì tình hình kinh doanh của Tasco (HUT) phải có sự khởi sắc. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận trên Báo cáo tài chính quý 1 của đơn vị này lại cho thấy điều ngược lại.
Cụ thể, doanh thu của Tasco trong quý 1 đạt 295 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng đồng thời tăng từ 141 tỷ đồng lên 197 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 28,4% khiến lợi nhuận gộp không những không tăng mà còn giảm nhẹ về 98 tỷ đồng.
Trong quý 1 năm nay, công ty không còn ghi nhận doanh thu tài chính đột biến nên chỉ tiêu này giảm 5 lần từ 126 tỷ đồng xuống chỉ còn 25 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay vô cùng lớn, chiếm tới 74 tỷ đồng cũng đang là gánh nặng đè lên doanh thu của Tasco.
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 29 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng tới 55%.
Do không còn lãi đột biến từ hoạt động tài chính, chi phí lãi vay không giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp rưỡi nên cũng không quá lạ khi lợi nhuận sau thuế của Tasco chỉ còn lại hơn 910 triệu đồng. Mức lợi nhuận này chưa hề tương xứng so với doanh thu lên tới 295 tỷ đồng mà Tasco đạt được.
Giải trình từ phía công ty cho biết tổng doanh thu quý 1 tăng chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động thu phí đường bộ BOT và dịch vụ thu phí không dừng (ETC) tăng. Tuy nhiên việc doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm do không còn các khoản doanh thu từ việc thoái vốn công ty con đã khiến lợi nhuận sụt giảm.
Vay nợ hàng nghìn tỷ vượt vốn chủ sở hữu, chi phí lãi vay cao gây áp lực mạnh lên doanh thu
Tính tới hết quý 1 năm 2023, tổng tài sản của Tasco ở mức 11.600 tỷ đồng, không có quá nhiều biến động so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý đó là cơ cấu nguồn vốn của đơn vị này với khoản vay nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, cao vượt cả vốn chủ sở hữu.
Cụ thể thì nợ phải trả của Tasco tại cuối quý 1 là 7.726 tỷ đồng với 2.221 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 5.505 tỷ đồng nợ dài hạn. Đáng chú ý đó là vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 4.485 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản nợ vay để thực hiện các dự án BOT, xây dựng hệ thống thu phí không dừng.
Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của Tasco lại chỉ ở mức 3.874 tỷ đồng với vốn góp chủ sở hữu đạt 3.486 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 193 tỷ đồng. Có thể thấy rằng hiện tại, các khoản nợ của Tasco đã cao vượt vốn chủ sở hữu. Đồng thời trong cơ cấu doanh thu của công ty, lãi vay đang chiếm một phần lớn tới 74 tỷ đồng, đè nặng lên doanh thu của đơn vị này.
Lãi 'bèo bọt' nhưng Tasco vẫn rót 550 tỷ đồng vào Tasco Land
Mặc dù kết quả kinh doanh của Tasco chỉ vừa đủ ghi nhận lãi gần 1 tỷ đồng, chưa hề tương xứng với doanh thu 295 tỷ đồng trong quý 1 nhưng HĐQT của Tasco vẫn thông qua việc tăng vốn điều lệ cho CT TNHH Tasco Land từ 200 tỷ lên 750 tỷ đồng. Tương ứng với việc tăng vốn điều lệ thêm 550 tỷ đồng.
Tasco Land là công ty con của 'ông trùm' BOT - Tasco, được thành lập từ tháng 3 năm 2022 với định hướng quản lý và phát triển chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao. Phía Tasco cũng từng rót thêm 100 tỷ đồng cho Tasco Land từ tháng 10 năm 2022, nâng vốn điều lệ của đơn vị này lên 200 tỷ đồng.
Nhắc đến Tasco Land, nhiều nhà đầu tư sẽ ngay lập tức nhận ra bởi đơn vị này cũng là chủ đầu tư của Công ty TNHH NVT Holdings. Đây cũng chính là đơn vị đang sở hữu 94,2% vốn điều lệ, tương ứng với 85 triệu cổ phiếu của CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT).