'Năm mới cũ' và tục tắm băng Hiển linh ở nước Nga
Nước Nga không chỉ đón năm mới theo dương lịch mà còn có một ngày Tết nữa không chính thức được gọi là 'Năm mới cũ'.
Truyền thống đón “Năm mới cũ” ở Nga - Giao thừa vào đêm 13/1 và rạng sáng 14/1 liên quan đến hai loại lịch: Lịch Julian cũ và lịch Gregory mới. Hầu như tất cả quốc gia châu Âu đã chuyển sang lịch Gregory từ thế kỷ XVIII. Nga chỉ chuyển sang lịch mới này năm 1918 theo sắc lệnh của Hội đồng chính ủy nhân dân. Tuy nhiên, Nhà thờ chính thống giáo Nga tiếp tục tổ chức tất cả các ngày lễ theo lịch Julian. Chính vì vậy, tại Nga, lễ Giáng sinh của đạo Chính thống giáo diễn ra sau năm mới dương lịch. Năm mới dương lịch rơi vào giai đoạn lễ ăn chay 40 ngày của Chính thống giáo dịp Giáng sinh.
Trong ngày “Năm mới cũ” theo lịch Julian, Nhà thờ Chính thống giáo tưởng nhớ đến Thánh Basil Đại đế, Tổng Giám mục thành Caesarea của Cappodacia. Trước đây, ngày này được gọi là Ngày Basil và có ý nghĩa quyết định trong cả năm. Thánh Basil được tôn kính như đấng ban tặng sự sinh sôi nảy nở trên trần thế, họ hướng về ông với lời cầu nguyện cho sự thịnh vượng và mùa màng bội thu trong năm mới.
Buổi tối hôm trước (13/1) được gọi là tối Basil. Tối Basil sẽ có đại tiệc với tất cả những gì ngon nhất trong nhà. Món bắt buộc phải có trên bàn ăn năm mới là món kutya - một con lợn hoặc món ăn làm từ thịt lợn. Nguyên nhân là do Thánh Basil được coi là vị thánh bảo trợ của lợn. Người ta cho rằng nếu vào đêm Basil, nhà ai có nhiều thịt lợn trên bàn ăn thì con vật này sẽ sinh sôi nảy nở, mang lại lợi nhuận cho gia chủ. Ngoài ra, tối tất niên còn có các món ăn làm từ thỏ và gà trống trên bàn tiệc. Theo truyền thuyết, ăn thịt thỏ để nhanh như thỏ và ăn thịt gà trống để nhẹ như chim.
Tối Basil cũng được xem là thời điểm bói toán chính xác nhất, được thực hiện trong suốt giai đoạn lễ Giáng sinh. Nếu ngày Tết trong nhà có tiền thì cả năm không thiếu thốn với điều kiện không cho ai vay. Nếu đêm 13 và rạng sáng 14/1, trời trong xanh và đầy sao, thì đây là dấu hiệu hứa hẹn năm mới sẽ đón một mùa bội thu. Vào sáng 14/1, người Nga có tục lệ phải rung cây ăn quả trong vườn vì cho rằng điều này sẽ giúp chúng tránh bị sâu bệnh.
Truyền thống mừng “Năm mới cũ” được duy trì không chỉ ở Nga, ngày Tết này cũng được ăn mừng ở Gruzia, Ukraine, Belarus, Bắc Macedonia, Romania, Hy Lạp, Serbia, Montenegro, một số bang của Đức, Đông Bắc Thụy Sĩ, nơi nó được gọi là Ngày Thánh Sylvester. Cứ sau 100 năm, chênh lệch giữa lịch Gregory và lịch Julian sẽ tăng thêm một ngày, nghĩa là từ năm 2100, “Năm mới cũ” của Nga rơi vào ngày 15/1.
Một nghi lễ cũng không kém phần thiêng liêng của người Nga đó là tục tắm băng rửa tội Hiển linh. Vào ngày 19/1 hàng năm (6/1 theo lịch Julian), các tín đồ theo đạo chính thống Nga tiến hành lễ rửa tội của Chúa, hay còn gọi là Lễ Hiển linh. Lễ rửa tội, giống như Lễ Phục sinh, được coi là ngày lễ lâu đời nhất trong văn hóa đạo chính thống Nga. Cũng giống như Thiên chúa giáo, ngày này gắn liền với sự kiện John the Baptist rửa tội cho Chúa Giesu tại sông Jordan. Ngày này cũng thường được gọi là “Ngày khai sáng”, “Lễ của ánh sáng” hoặc “Đèn thánh” - như một dấu hiệu cho thấy việc thanh tẩy khỏi tội lỗi và được soi sáng bằng ánh sáng của Chúa Giesu. Vào ngày Hiển linh, toàn nước Nga diễn ra các hoạt động tắm trong hố băng. Người ta khoan các hố băng đặc biệt trên các hồ nước, lắp các thùng tắm trên các quảng trường thành phố và thị trấn. Người Nga cho rằng tắm trong hố băng mang giúp lại sức mạnh thanh lọc cho tâm hồn và cơ thể.
Theo truyền thống của Nga, vào đêm rạng sáng của Lễ Hiển linh, sau bữa ăn nhẹ, người ta cho thìa vào bát ăn chung và phủ bánh mì lên với hy vọng mùa màng bội thu. Người Nga có tục lệ vẽ thánh giá trên cửa ra vào, cửa sổ… để bảo vệ ngôi nhà khỏi những linh hồn xấu xa. Biểu tượng chính của ngày lễ này là nước. Người ta tin rằng tất cả nước trong đêm Hiển linh sẽ có tác dụng kỳ diệu, dù
là nước sông trong hố băng hay tuyết trên cánh đồng. Lễ Hiển linh sẽ kết thúc 12 ngày lễ Giáng sinh.