Năm mới khác lạ của người trẻ
Bước sang năm Nhâm Dần, nhiều người có những cách khác nhau để chào đón giao thừa và một năm mới đến với mình.
Chia sẻ với Zing, 4 bạn trẻ kể về cách họ chào đón năm Nhâm Dần 2022 của riêng mình.
Có những người quây quần bên gia đình, một số khác vẫn tiếp tục thực hiện công việc vào thời khắc chuyển giao năm mới.
Bùi Thu Trang (27 tuổi, Hà Nội), Thạc sĩ ngành Truyền thông: Đón Tết ở nhà sau 3 năm xa xứ.
Như thường lệ, tôi và gia đình đón giao thừa tại nhà bà nội ở huyện Đông Anh, chỉ cách nhà tôi 40 phút di chuyển bằng xe máy. Cả nhà cùng nhau cắm hoa, sửa soạn và chuẩn bị mâm cơm cúng.
Ngày 30 âm lịch luôn giữ vị trí đặc biệt trong lòng tôi, nhất là thời điểm mẹ cúng giao thừa ngoài sân, đánh dấu một năm cũ đã kết thúc. Sau đó, gia đình quây quần bên nhau và cùng xem chương trình đón năm mới trực tiếp trên tivi.
Sau khi đi du học trở về, tôi nhận ra mình thích ở nhà đón Tết cùng gia đình hơn tham gia những cuộc vui với bạn bè. Ngoài ra, đây là năm đầu tiên tôi không phải lo lắng chuyện quay lại Hàn Quốc nên cảm thấy Tết trọn vẹn hơn.
Năm 2017, vì thời gian nghỉ ngắn ngủi, tôi chỉ kịp về nhà vào ngày 29 âm lịch, đành bỏ lỡ hết hoạt động dọn dẹp trước Tết và mua cây đào, quất.
Còn suốt 3 năm tiếp theo, tôi đón Tết Nguyên đán ở Hàn Quốc. Do chỉ kéo dài 3 ngày, kỳ nghỉ Tết ở xứ kim chi không mang không khí rộn ràng như Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi vẫn cùng bạn bè đặt mua bánh chưng, nấu một số món ăn truyền thống, xem chương trình Táo quân và gọi điện chúc Tết gia đình vào thời khắc chuyển giao năm mới.
Sáng mùng 1, tôi đi chùa Jogyesa ở Seoul, ăn bánh gạo truyền thống của Hàn Quốc và đi cà phê với bạn. Tới mùng 2, tôi đã vội vàng trở về cuộc sống thường nhật.
Hồi ấy, tôi không khỏi chạnh lòng khi xem ảnh, video cả nhà vui vầy bên nhau. Thế nhưng, năm nay, tôi được hòa mình vào không khí Tết vào từ những ngày đầu tháng Chạp.
Nhân dịp năm mới, tôi mong sức khỏe cho gia đình và bản thân, dịch bệnh sớm kết thúc để cuộc sống trở về trạng thái bình thường.
Trần Đình Ân (30 tuổi, Nghệ An), bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Nghệ An: Làm việc qua giao thừa.
Năm nay, đúng thời khắc giao thừa, tôi bước vào ca trực của mình tại bệnh viện theo phân công. 8h sáng mùng một, tôi mới kết thúc ca làm để trở về nhà ăn Tết cùng gia đình.
Đây là năm thứ 3 tôi đón giao thừa xa nhà như vậy. Đặc thù công việc, nhiệm vụ phải túc trực tại bệnh viện, tôi rất buồn khi không được trải qua thời khắc năm mới cùng người thân
Khi đồng hồ điểm sang năm mới, tôi gọi điện về chúc Tết gia đình cùng một số người bạn bè thân thiết. Thấu hiểu công việc của tôi, người thân động viên tôi làm tốt nhiệm vụ, đồng thời nhắn nhủ những lời chúc tốt đẹp mong một năm nữa bình an, khỏe mạnh.
Tại bệnh viện, ca trực của chúng tôi rất áp lực. Có một số bệnh nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, buộc chúng tôi phải phẫu thuật cấp cứu.
Một số bệnh nhân khác trong các khoa của bệnh viện lại có diễn biến đáng ngại. Họ hầu hết là bệnh nhân nặng, bị chấn thương sọ não, cột sống, ngực, chi... Chúng tôi phải hội chẩn để tìm ra phương án cứu sống người bệnh.
Bước sang năm mới, tôi cầu mong sức khỏe, sự bình an đến với những bệnh nhân của mình và mọi gia đình. Trải qua năm 2021 đầy mất mát, tôi hy vọng 2022 sẽ là khởi đầu mới an lành, hạnh phúc.
Nguyễn Thị Huệ (27 tuổi, Hà Nội), nhân viên văn phòng: Cái Tết đầu tiên làm dâu.
Đây là cái Tết đầu tiên của tôi sau khi lấy chồng. Trước Tết, tôi đã chuẩn bị nhiều quà bánh, hoa tươi để mang về nhà bố mẹ. Thú thật, lần đầu đón giao thừa cùng gia đình chồng, tôi có phần áp lực.
Nhưng mọi dự tính của tôi đã không thành khi chỉ một hôm trước ngày về quê, chồng tôi có kết quả dương tính nCoV. Vợ chồng bối rối lắm, đành ở lại thành phố điều trị bệnh, khi nào khỏe mạnh hoàn toàn mới về.
Tối 29 Tết, tôi vào bếp chuẩn bị mâm cơm cúng giao thừa. Mâm cơm cầu kỳ hơn ngày thường một chút với những món ăn truyền thống quen thuộc như thịt kho, canh sườn, nem rán và miến xào.
Đúng thời khắc giao thừa, vợ chồng tôi thắp hương cúng gia tiên. Sau đó, cả hai gọi điện video về cho gia đình 2 bên để chúc Tết, nghe lời động viên, dặn dò từ bố mẹ. Suốt một năm dài dịch bệnh, ít được về thăm quê, tôi rất tủi thân khi ngày Tết tiếp tục phải xa nhà như vậy.
Bước sang năm mới, nhiệm vụ đầu tiên của vợ chồng tôi là phải mau chóng khỏi bệnh, giữ gìn sức khỏe thật tốt. Sau đó, chúng tôi sẽ “ăn Tết muộn” cùng bố mẹ, người thân.
Nguyễn Khánh Linh (27 tuổi, Thái Bình), nhân viên văn phòng: Đi du lịch, đón giao thừa xa nhà.
Đêm 29 Tết, tôi và cô bạn thân của mình đi dạo gần hồ Xuân Hương (Đà Lạt). Đây là năm đầu tiên chúng tôi cùng đi du lịch và đón năm mới xa nhà, trải nghiệm một lần giao thừa khác lạ so với 26 năm trước đó.
Năm nay Đà Lạt không bắn pháo hoa, đường phố cũng im lìm, vắng vẻ. Chúng tôi đi tìm hồi lâu mới thấy một nhà hàng còn mở cửa đến tối muộn, cảm thấy may mắn khi có thể ăn một bữa ngon trước khi bước sang năm mới.
Đúng giao thừa, tôi gọi điện về cho gia đình. Bố mẹ vừa dặn dò tôi giữ ấm, nhưng cũng không quên “quát” rằng phải sớm về nhà. Tôi chúc Tết bố mẹ và hứa sẽ về nhà vào sáng mùng 2 âm lịch.
Đối với tôi, giao thừa mang ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự khởi đầu mới và bước chuyển trong cuộc sống. Tôi và cô bạn mình chở nhau vòng quanh đường phố, động viên nhau năm mới phải chăm chỉ làm việc hơn, kiếm tiền nhiều hơn và giữ cho mình đẹp đẽ.
Cuối cùng, gần 1h sáng, chúng tôi trở về homestay nghỉ ngơi, như một vị khách xông đất cho nhà gia chủ. Tôi hy vọng sang năm mới bản thân sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị hơn trong cuộc sống.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nam-moi-khac-la-cua-nguoi-tre-post1293603.html