Năm nay chuyển giao xong 3 ngân hàng mua bắt buộc
Chính phủ đã định giá xong 3 ngân hàng được mua bắt buộc và dự kiến trình phê duyệt phương án trong tháng 5 để hoàn tất việc này trong năm nay.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin về tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài trước mắt đạt kết quả tích cực. Việc chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã hoàn thành.
“Hiện đã hoàn thành việc định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5/2024, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm nay”, Phó Thủ tướng cho hay.
Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.
Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng này và Ngân hàng Đông Á - nhà băng bị kiểm soát đặc biệt.
Hồi tháng 4, CEO Ngân hàng Quân đội (MB) Phạm Như Ánh thông tin, đề án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém đã được MB hoàn thành, gửi Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ. MB mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để "mở ra không gian phát triển mới, nhất là tăng trưởng tín dụng".
Ngoài các ngân hàng yếu kém đang chờ phương án tái cơ cấu được duyệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã triển khai cơ cấu lại. Tính đến cuối tháng 4, lỗ lũy kế của ngân hàng này giảm 20%; nợ xấu hạ 37,7% (tương đương 15.000 tỷ).
Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn rất đáng lo ngại. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm và có sự phục hồi nhẹ trong tháng 3. Đến 5/4/2024, tín dụng tăng thấp (0,95%).
Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài còn chậm.
Cùng đó, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Có ý kiến cho rằng ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát…
Đặc biệt là hành vi ưa thích vàng ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng…
Về một số giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế cho rằng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay.