Nằm nghe Tết đến giữa đồng

Chưa bao giờ Tết thôi làm người ta bớt nôn nao. Hơn ai hết, những mảnh đời tha hương cầu thực nơi xứ người, họ thèm được trở về nhà vào ngày sum họp đầu năm. Ngồi với nhau bên mấy hộp trà mứt, nhâm nhi đợi đến thời khắc giao mùa, ba tôi nói đến bây giờ vẫn còn nhớ mãi tiếng vịt gọi nhau quàng quạc trong những đêm giao thừa nơi đồng lớn. Sự cô đơn thấm thía có lẽ không bao giờ ba tôi quên được…

Ba mẹ tôi làm nghề nuôi vịt chạy đồng, suốt năm chẳng mấy khi được về đồng nhà, lênh đênh mưa gió trên khắp các cánh đồng miền châu thổ. Từ Cần Đăng, Kinh Cũ, Tháp Mười… những dấu chân của ba mẹ tôi vẫn còn lưu lại, xốn xang gió nước. Cứ nơi nào đồng vừa cắt xong, dân nuôi vịt lại dắt díu nhau đến đó. Ăn chưa hết đồng này đã lại ngó tìm đồng khác, lênh đênh suốt năm. Chỉ đến khi đồng nhà vào mùa thu hoạch, ba mẹ tôi mới được trở về với chúng tôi dưới cùng một mái ấm. Tôi không nhớ mình đã trải qua bao nhiêu mùa tết nhà tôi không sum họp trọn đầy!

Vịt chạy đồng

Vịt chạy đồng

Những chuyến chạy đồng…

Nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng ở quê tôi là một nghề khá phổ biến. Cứ vào độ đồng vừa cắt xong là lại thấy từng đàn vịt chọc mỏ trên những thửa đất tìm mồi. Nghề này, chủ vịt không thể cặm lâu ở một chỗ được, những cuộc đi liên miên suốt năm không ngưng nghỉ. Nhưng không phải cứ thấy đồng nào cắt xong thì thả vịt lên là ăn được, câu chuyện “mua đồng” không hề đơn giản. Chủ vịt phải trả một số tiền theo thỏa thuận với chủ đất rồi mới được tùy ý cho vịt lên đồng ăn. Một chủ vịt tàu lâu năm sẽ xác định được những đồng nào đang vào mùa trổ bông, để thu xếp chạy vịt đến đồng đó kịp lúc. Họ thường sẽ dự định được trước, và tính toán chính xác thời điểm cũng như những cánh đồng mình sẽ chạy vịt tới.

Bầy vịt của ba mẹ tôi vào khoảng Chạp thường đang ăn ở cánh Long An. Cuối Chạp là đồng hết mồi, phải rục rịch chuyển trại đi xứ khác. Quãng đó, người ta thường bắt đầu dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị ăn Tết, thì ba mẹ tôi lại lo thu xếp dần đồ đạc và chuồng trại, tìm hỏi mua đồng để nhanh chóng rời đi. Nên gió bấc cũng làm cho ba mẹ tôi bận rộn theo một kiểu khác, buồn hơn!

Vịt chạy đồng

Vịt chạy đồng

Do phải di chuyển thường xuyên, nên những vật dụng sinh hoạt của người làm nghề nuôi vịt chạy đồng thường được gọn gàng nhất có thể. Chỗ trú được dựng lên từ mấy thanh đòn vông cắm thành sườn trên đất, chắc chắn rồi thì phủ một tấm cao su lên làm chỗ che nắng, che mưa… nhỏ (mưa lớn không tránh được ướt). Một tấm vạt đóng bằng cây thao lao đặt xuôi theo trại, phủ chiếu lên làm chỗ ngủ. Đến đồ dùng để nấu cơm cũng chỉ có một cái lò xô, vài cái nồi, chén đĩa cũng hạn chế. Ngày chạy vịt, ba tôi gọi một chiếc tàu chuyên chở vịt chạy đồng đến, tất cả vịt được lùa lên tàu ở hầm dưới, trên nóc tàu là chỗ để đồ đạc. Ngồi trên nóc tàu, xuôi theo những kênh rạch ra sông cái, tìm đến một cánh đồng khác, gió sông thổi thấm thía tận trong lòng. Hàng trăm lần chạy vịt, không chuyến nào buồn bằng chuyến cuối năm. Chắc bởi gió bấc! Gió lạnh nên lòng người xốn xang…

Tết của những người đàn ông và bầy vịt

Dù là ở đâu đi nữa, dân mình không bao giờ từ chối Tết. Như một cái Tết trên đồng chẳng hạn, giữa mênh mông những thửa đất nước xâm xấp loáng màu trời, gốc rạ, giữa bầy gió thổi triền miên không nghỉ, và giữa những tiếng quàng quạc gọi vang vọng vào không…

Người nuôi vịt đón Tết!

Ở sâu trong đồng lớn, nơi thưa thớt người, những chợ họp ở xa mấy chục cây số. Mọi thứ cần mua đều phải chờ đợi những chiếc ghe hàng. Tôi nhận ra những chậu vạn thọ không đơn thuần là chỉ trang trí trong nhà mỗi năm mới, nó là một nét đặc trưng mà thiếu đi thì Tết cũng không còn trọn vẹn. Ba mẹ tôi muốn lấp đầy càng nhiều càng tốt lòng mình, khi thiếu sự sum họp là một trống trải rất lớn. Nên khi đón được chiếc ghe hàng đầu tiên ngang qua chỗ trại vịt, mẹ tôi nhất định phải hỏi mua cho bằng được một đôi chậu vạn thọ rực rỡ nhất, đặt trước trại ngủ. Ngắm chúng, thấy lòng được sáng hơn một chút!

Mâm cơm cũng được chăm chút để Tết không chỉ được ngắm mà còn được thấm qua đầu lưỡi. Năm nào mẹ tôi cũng nấu một nồi thịt kho tàu, ngâm dưa chua rau muống. Hai món đó có thể ăn qua mấy ngày, nếu nồi thịt hết hột vịt thì cứ lấy sẵn trong trại đó đem đi luộc rồi thả tiếp vô nồi thịt kho. Món đó được nấu trước hôm mẹ tôi về nhà một ngày, khoảng hai mươi tám Tết. Ba tôi và chú Chiến, lính của ba tôi được mướn theo phụ việc, có thể ăn cho đến khi hết mùng hai, mẹ tôi lại trở về trại vịt.

Giống như ba mẹ tôi, những chủ vịt tàu thường là một đôi vợ chồng, họ rong ruổi cùng nhau, chồng thả vịt trên đồng, vợ lo chuyện cơm nước, lượm trứng và bán cho thương lái. Nhưng chuyện thu xếp dọn dẹp trong gia đình dịp Tết không thể thiếu đôi bàn tay người phụ nữ, họ trở về nhà lo chuyện cúng kiếng ông bà. Chỉ còn lại đàn ông và những bầy vịt.

Ba tôi vẫn thường nhớ về những lần đón Tết cùng những bạn vịt tàu khác, khoảng hai hoặc ba bầy cặm cùng một chỗ. Những người đàn ông đón Tết buồn, giờ không phải nghe những tiếng càm ràm của vợ, nên nhậu nhẹt suốt ngày đêm. Từ trước Tết, ba tôi thả bầy cho ăn đồng xa trại vịt, để dành mồi ở mấy thửa đất gần. Tết ba tôi chỉ việc thả vịt ngay sát trại, không phải đi trông, tiện cho những cuộc say sưa.

Cùng chung với nhau một nỗi niềm, nên họ thấu hiểu nhau hơn lúc nào hết. Chén rượu đưa lên môi trong tiếng cười khề khà, nhưng đắng sâu cuống lưỡi.

Buồn nhất là đêm giao thừa, ba tôi nói. Giữa đồng không một tiếng người, tiếng vịt kêu nhói ruột. Đêm đó muốn ngủ sớm cũng chẳng được, không có lý do nào để thức, nhưng trằn trọc đến tận lúc vịt rớt trứng, lại lụi cụi đi lượm từng trứng một. Chỉ mong Tết mau dứt cho đỡ cực lòng!

Chuyến tàu vịt đi ngang qua nhà

Lần đó, đồng ở Long An đã cạn mồi, cầm cự mãi cuối cùng khó khăn quá nên ba tôi quyết định chạy vịt về Kiên Giang. Đó là lần chạy vịt duy nhất trong đời ba tôi khóc, đêm hai mươi chín Chạp giữa sông gió thổi chao chát lòng…

Tàu vịt tới, trời đã dần dịu nắng. Như mọi cuộc dời trại khác, ba mẹ tôi nhanh chóng thu gom mọi đồ đạc lên tàu, tàu nổ máy rời bến. Quãng đường sông đi qua hết con kênh này lại đến dòng sông khác, trổ ra sông lớn, hai bên bờ những ngôi nhà mọc san sát nhau, tiếng cười nói trong buổi cơm chiều vọng xuống tàu vịt. Ba mẹ tôi tính toán với người lái tàu, từ Long An đến Kiên Giang, quãng đường đó có đi ngang qua chợ Bà Vệ, đến đó tàu tấp lại bến một chút. Trời tối, sông lấp lánh những ánh đèn. Đến khoảng tám giờ đêm thì tàu vịt đi vào địa phận tỉnh An Giang, ba tôi nói mẹ chuẩn bị lấy đồ đạc, về tới tỉnh mình rồi! Đoạn tàu vịt tấp lại chợ Bà Vệ, khu chợ quen thuộc cách nhà tôi chỉ vài cây số, tàu vịt dừng lại ở mấy chiếc ghe hàng khác đậu ven chợ, mẹ tôi xách theo túi đồ đi qua mấy chiếc ghe lần lên bờ. Ba tôi không nói gì, nhìn xung quanh một lượt rồi phất tay cho lái tàu rời bến.

Tàu vịt chỉ còn có ba tôi, chú Chiến và người cầm lái. Khu chợ nhanh chóng lặn vào bóng tối, tiếng vịt quàng quạc xa dần, đi về phía cánh đồng vừa gặt, đất khách, người thưa. Ba tôi đã khóc, trên nóc tàu, khi biết mình đã đi qua Bà Vệ, chỗ mà chỉ cần hơn mười phút là ba đã có mặt ở nhà, với mẹ tôi và với đám con chúng tôi. Như thể Tết vừa tuột mất qua đôi tay, rất gần, nhưng ba tôi không thể nào giữ được. Đêm đó chắc chắn là một đêm rất dài…

Bây giờ, ba mẹ tôi đã bỏ nghề cũ, nhưng những tiếng vịt vẫn đôi lúc gọi lại từ ký ức. Như hôm nay, trong thời khắc giao thừa đang đến gần, chúng tôi quây quần bên nhau kể về những ngày đã qua. Có một thoáng chúng tôi im lặng khi câu chuyện của ba tôi vừa chấm dứt. Khuôn mặt của ba tôi trở nên trầm ngâm đến lạ, những sợi tóc lơ thơ bạc và vẫn đang tiếp tục bạc thêm. Giây phút ấy, tôi nghĩ ba đang nhớ về những người bạn cùng nghề nuôi vịt của mình. Ở một cánh đồng gốc rạ ngập trong xăm xắp nước, chỗ bóng tối phẳng lặng trải dài và thấm sâu từng kẻ hở, những ánh đèn lẻ loi tỏa ra chập chờn trong một căn trại nhỏ tạm bợ, gió từng cơn lục lạo, tiếng vịt khô khốc gặm vào đêm… Chỗ đó, có vài người đàn ông nằm trằn trọc mãi, ngay lúc này, họ không dễ gì chìm vào giấc đêm nay…

VÕ ĐĂNG KHOA

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nam-nghe-tet-den-giua-dong-post1504311.tpo