Nằm nghe tuổi thơ lớn lên qua hai tập truyện mới của nhà báo Phạm Công Luận
Là cây bút quen thuộc với dòng sách kể chuyện về Sài Gòn xưa cũ mà hiện đại, nhà văn - nhà báo Phạm Công Luận trở lại với văn học thiếu nhi bằng hai quyển sách 'Xóm thiên đường' và 'Trang trại cuối rừng'. Đây là hai tập truyện mở ra cánh cửa mời bạn đọc bước vào thế giới tuổi thơ ngộ nghĩnh, sống động và giàu tình yêu thương.
Xóm thiên đường là quyển sách kể về cuộc sống một xóm nằm giữa khu Phú Nhuận và Bình Hòa sầm uất. Khu xóm nhỏ có tên là Xóm Chùa nhưng lại không có một cái chùa nào. Những câu chuyện về con người ở xóm mới là điều thú vị được tác giả khai thác, họ sống va chạm với nhau, chứng kiến những điều ngộ nghĩnh, tức cười và xúc động diễn ra. Những câu chuyện đó đều được kể qua cặp mắt quan sát của chú bé ở một gia đình cố cựu nơi đây, yêu thương và gắn bó xóm nhỏ của mình.

Ở đây có những người từ tỉnh xa tới kiếm kế sinh nhai, các em nhỏ vui tươi háo hức trước cuộc sống rộng mở,... Tất cả cùng chung sống, sẻ chia, tạo nên bao câu chuyện dễ thương và tình nghĩa đến lạ kỳ.
Một Sài Gòn đời thường len lỏi qua mỗi trang sách. Đó là tiếng rao sớm, mái hiên nhỏ, cách cư xử hào sảng và cả sự xô bồ,... Văn hóa Sài Gòn không chỉ hiện diện ở di tích, mà còn ở giọng nói, ánh mắt, là tấm lòng tử tế, chân phương và cả những chuyện lắt léo, tiếng cười đời thường quen thuộc.

Quyển sách Trang trại cuối rừng lại là không gian hoàn toàn khác. Tác giả chia sẻ, Trang trại cuối rừng được tác giả lấy nguyên mẫu từ trang trại trồng nhiều loại cây và chăn nuôi gia súc của người thân trong gia đình mình ở vùng bán sơn địa.

Câu chuyện diễn ra vào một mùa Hè, hai anh em ở Sài Gòn về chơi dài ngày trong trang trại cô dượng Tư, nơi có ông nội đang sống trong căn nhà sàn thoáng mát. Ở đó, hai anh em chứng kiến những điều độc đáo, kỳ lạ của thiên nhiên và cuộc sống trang trại sát bên rừng. Có những lo lắng và niềm vui không ngờ, có những tình bạn mới và một tình bạn cũ đang hồi sinh qua những sóng gió cuộc đời.

Những quan sát cây cỏ, muông thú đến chuyến thám hiểm vào tận rừng nguyên sinh, từ những người bạn vô tư đáng mến ở trang trại đến những người lớn mang theo ký ức thăng trầm. Hai anh em trai đã có kì nghỉ dài tại vùng bán sơn địa, có những người bạn mới và những bài học không có trong sách vở.

Khác biệt về không gian, nhưng hai tác phẩm lại gặp nhau ở những trải nghiệm thú vị của tuổi thơ. Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng được tác giả Phạm Công Luận chăm chút, tạo nên bức tranh thiên nhiên có hoa, có nắng, có bóng râm dịu dàng và nhiều khung cảnh quen thuộc của Việt Nam. Từng câu chuyện nối vào thành một bộ phim sống động, trìu mến, đánh thức những ký ức tươi đẹp trong trái tim mọi độ tuổi.

Ở cả hai quyển sách, nhân vật có cuộc sống không hoàn toàn “màu hồng”, mà ngược lại còn phải sống giữa những nhọc nhằn đời thường. Như nỗi lo cơm áo, đối diện mất mát đổ vỡ,... Thế nhưng trong từng trang viết, những nỗi niềm ấy được nâng niu bằng giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế và đượm tình.

Nhà văn Phạm Công Luận thông qua quyển sách Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng đã gửi đến thông điệp: bạn trẻ nào cũng được sống, được sai, được sửa và được lớn lên theo cách riêng trong thế giới ấm áp và tràn ngập câu chuyện đậm màu trải nghiệm của cha ông.

Tuổi thơ trọn vẹn khi được nuôi dưỡng trong tình yêu với con người và thế giới xung quanh. Với các bạn đọc trẻ tuổi và cả những ai từng là trẻ nhỏ, Xóm thiên đường và Trang trại cuối rừng như hai tấm vé trở về khu xóm cũ, cánh rừng xưa, hay chính mình của những mùa hè đã qua. Hai quyển sách không chỉ dành cho thiếu nhi, mà còn cho những ai từng lớn lên bằng tình thương và lòng nhân hậu.