Năm nguyên nhân khiến ngành kinh doanh có thể mang về vài tỷ đô mỗi năm vẫn chỉ 'nhúc nhích'

Các chuyên gia nhấn mạnh, nếu được khai thác tốt, lĩnh vực vui chơi có thưởng có thể đóng góp cho ngân sách nhà nước vài tỷ USD mỗi năm, đồng thời tránh 'chảy máu' ngoại tệ qua các ổ cá cược đen bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu tại Hội thảo

TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu tại Hội thảo

Sáng 23-6, tại Hội thảo về phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng được Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) và tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, cho biết, cả nước hiện có 8 doanh nghiệp kinh doanh casino, 61 điểm kinh doanh vui chơi giải trí có thưởng và một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép và đi vào hoạt động với tổng doanh thu năm 2019 đạt trên 19.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4,9 nghìn tỷ đồng. Một số dự án khác đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang trong quá trình triển khai xây dựng, quy mô của thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam đang trong có xu hướng được mở rộng.

"Mặc dù vậy, so với nhiều nước trong khu vực, thị trường vui chơi giải trí có thưởng tại Việt Nam vẫn còn hết sức nhỏ bé. Đây là lĩnh vực có dư địa lớn để phát triển, theo một số chuyên gia nếu được khai thác tốt có thể đóng góp cho nhà nước vài tỷ USD mỗi năm, đồng thời tránh “chảy máu” ngoại tệ qua các ổ cá cược đen bất hợp pháp và qua việc người Việt Nam chơi casino ở nước ngoài", Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội thảo.

“Vấn đề đặt ra hiện nay đối với nước ta là làm thế nào để vừa khai thác được dư địa của ngành vui chơi giải trí có thưởng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân, vừa đảm bảo được an ninh, trật tự xã hội, tránh được tác động xấu do đam mê quá thái, dẫn đến tệ nạn cờ bạc, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đặc biệt, vui chơi giải trí có thưởng được coi là yếu tố hết sức quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đưa ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2030 được xếp loại phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á (theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị).

GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE chỉ ra 5 nguyên nhân chính dẫn đến việc chưa đạt được những mục tiêu phát triển ngành vui chơi giải trí có thưởng. Trong đó, nguyên nhân quan trọng hơn cả là nhận thức và quan điểm coi đây là lĩnh vực “nhạy cảm” có liên quan đến cờ bạc, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, có nguy cơ gây thêm tệ nạn xã hội.

“Lẽ ra, cần cách tiếp cận đa chiều. Theo đó khi nhà nước không quản lý thì sẽ phát sinh vấn nạn tổ chức cá cược bóng đá chui, cờ bạc có liên quan đến nước ngoài với khối lượng hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu được quản lý tốt thì sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn” - ông Mại nói.

Nguyên nhân quan trọng thứ 3 là hệ thống luật pháp có liên quan đến du lịch kết nối văn hóa - thể thao - giải trí còn thiếu, không tương thích với sự phát triển của lĩnh vực này, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa chưa khuyến khích phát triển theo định hướng của Nhà nước, vừa quá chặt chẽ và mất quá nhiều thời gian để được cấp phép. Chưa có tổ chức xã hội để liên kết các doanh nghiệp hoạt động Du lịch kết nối Văn hóa - Thể thao - Giải trí;

Thứ 4, chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước và tổ chức dịch vụ vui chơi có thưởng cũng là những nhược điểm khác.

Cuối cùng, tổ chức và cơ chế quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hoạt động này còn khá bất cập, chỉ có một số cán bộ tại Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, Bộ Tài chính có chức năng quản lý hoạt động vui chơi có thưởng, thiếu sự phối hợp với các bộ, ngành ở trung ương, thiếu cơ chế phân công và hợp tác với UBND tỉnh và thành phố.

“Tôi nghĩ đã đến lúc cần coi đây là lĩnh vực mà nếu được quản lý bởi một tổ chức đủ mạnh thì có thể khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, góp phần thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau dịch Covid- 19”, GS -TSKH Nguyễn Mại đề xuất.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nam-nguyen-nhan-khien-nganh-kinh-doanh-co-the-mang-ve-vai-ty-do-moi-nam-van-chi-nhuc-nhich-669036.html