Năm nhóm giải pháp cấp bách của Hà Nội để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh
Chiều nay 16-4, Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức chương trình đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Trước thềm chương trình quan trọng này, Sở KH&ĐT Hà Nội đã thông tin về các nhóm giải pháp chính mà Hà Nội đã và đang triển khai hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, trong quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, tình hình sản xuất kinh doanh ở Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 (tăng 36% so với cùng kỳ); số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 13.215 người, tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Theo Sở KH&ĐT, đến nay, Hà Nội đã đã tích cực triển khai các giải pháp điều hành phát triển KT-XH, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; Hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung;
Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch bệnh Covid-19...
Đáng chú ý, Hà Nội cũng triển khai thực hiện nghiêm túc 7 nhóm nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 bằng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 nhưChỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 như, Hà Nội đã triển khai hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc...
TP cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng; thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hà Nội cũng đang hỗ trợ khoảng 3600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất để tiến hành hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp; Tổ chức kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cum công nghiệp, tổng diện tích là 1.016,72 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Hỗ trợ kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng (kinh phí hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng/1DN/1 hợp đồng/năm); Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp (khoảng 1 tỷ đồng/1 dự án)…
Thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện 2 đề án hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố trong đó triển khai nhiều chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực (trên 20 tỷ/năm); kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo (20 triệu đồng/doanh nghiệp/1 năm); Hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở ươm tạo, không gian khởi nghiệp không quá 200 triệu đồng/cơ sở...
Để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, Hà Nội xác định rõ, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;…theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết.
Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.