Năm nhóm giải pháp xây dựng hạ tầng giao thông ở Nghệ An đồng bộ, hiện đại
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chia sẻ những giải pháp để xây dựng hạ tầng giao thông ở tỉnh Nghệ An đồng bộ, hiện đại theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Diện mạo giao thông thay đổi rõ rệt
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, trên trục kết nối Bắc - Nam và trên hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối với Lào và Đông Bắc Thái Lan. Nơi đây, có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, liên kết kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước nói chung và khu vực nói riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, giai đoạn 2013 - 2020, ngân sách Trung ương, địa phương đã huy động đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông lên đến khoảng 24.426 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2025 khoảng 12.642 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Nghệ An đã có sự thay đổi rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác.
Cụ thể, về đường bộ, đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km. Đang triển khai thi công tuyến cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49km, dự kiến hoàn thành năm 2024. Ngoài ra, trong những năm qua đã cải tạo nâng cấp được 1.913km đường quốc lộ.
Về đường sắt, đã và đang cải tạo, nâng cấp duy trì khai thác 84km đường sắt hiện có để kết nối tỉnh Nghệ An với các địa phương trên hành lang Bắc - Nam. Về hàng hải, đã đầu tư để hình thành 7 bến cảng góp phần tăng trưởng sản lượng hàng hóa tăng trưởng trung bình 23%/năm.
Về đường thủy nội địa đang khai thác 8 tuyến, tổng chiều dài 263km; đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển phục vụ nhu cầu nội tỉnh, liên tỉnh. Về hàng không, đã có bước phát triển mới với nhiều đường bay nội địa và quốc tế đã được mở rộng góp phần kết nối giao thông vận tải tỉnh Nghệ An với cả nước. Cảng hàng không Vinh có sản lượng vận tải cao nhất trong số các cảng hàng không thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.
Hệ thống giao thông địa phương, đường đô thị, đường địa phương được quan tâm đầu tư, kết nối có hiệu quả với hệ thống giao thông quốc gia.
Cũng theo thứ trưởng Bộ GTVT, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Nghệ An vẫn còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới như: Chưa hình thành được hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, các tuyến vận tải có lưu lượng lớn; giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối trục ngang theo hướng Đông - Tây còn hạn chế; kết nối đường sắt với các cảng biển chưa hình thành; thị phần vận tải chưa hợp lý; một số cảng biển khai thác chưa hiệu quả; chưa phát huy được vai trò đầu mối trung chuyển, quá cảnh hàng hóa cho Lào, ASEAN.
Nguyên nhân chủ yếu do quy hoạch thiếu tính đồng bộ; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách; địa bàn tỉnh Nghệ An rộng, địa hình thay đổi từ dải đồng bằng ven biển đến miền núi khó khăn cho công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; năng lực của doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh còn yếu, chưa cung cấp dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics chất lượng cao.
Năm nhóm giải pháp phát triển hạ tầng giao thông
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 39-NQ-TW của Bộ Chính trị, trong giai đoạn tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hơp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, hoàn thành đưa vào khai thác 84km tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến đường bộ ven biển; huy động vốn đầu tư tuyến cao Hà Nội - Viên Chăn (đoạn qua tỉnh Nghệ An); nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông Tây đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn (QL7, QL46, QL48).
Tiếp tục nâng cấp để khai thác hiệu quả tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại, chuẩn bị đầu tư để phấn đấu khởi công các đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đầu tư ga Vinh mới phù hợp với chủ trương đường sắt tốc độ cao.
Nâng cấp và nâng cao năng lực khai thác các cảng biển, nhất là khu bến bắc Cửa Lò; phát triển khu bến Đông Hồi, kết hợp với khu bến nam Nghi Sơn thành cụm khu bến Nghi Sơn - Đông Hồi bằng hình thức đầu tư phù hợp, khuyến khích hình thức hợp tác đối tác công - tư.
Nâng cao hiệu quả khai thác các hàng lang vận tải thủy ven biển và các tuyến vận tải thủy kết nối với các cảng biển; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch và kết nối từ bờ ra đảo; huy động nguồn lực đầu tư các bến cảng thuộc các cảng biển Nghệ An.
Nâng cấp, mở rộng và nâng cao hiệu quả khai thác cảng hàng không quốc tế Vinh theo quy hoạch, khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công - tư. Phát triển đồng bộ hệ thống logistics gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, hành lang kinh tế Đông Tây.
Mục tiêu, đến năm 2045, phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Nghệ An đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đưa tỉnh Nghệ An tỉnh có thu nhập cao.
Để đạt được các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh Nghệ An, Bộ GTVT đề xuất một số giải pháp:
Tổ chức quán triệt, triển khai đến các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tạo nhận thức chung, đồng thuận về Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị để triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó có lĩnh vực GTVT.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch chi tiết, gắn với các cơ chế chính sách phù hợp, giao cho các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó có lĩnh vực GTVT.
Đẩy mạnh công tác đầu tư các công trình giao thông quốc gia, liên vùng và trên địa bàn tỉnh để tạo không gian phát triển mới, khắc phục các điểm nghẽn. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, tập trung các công trình có tính lan tỏa; tăng cường hợp tác liên kết vùng, với nước bạn Lào và các nước trong tiểu vùng Mê Kông.
Xây dựng cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Chủ động đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nâng cao năng lực quản lý, giám sát.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong đầu tư, quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, logistics; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh.
Sáng ngày 16/9, tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái… cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành; lãnh đạo tỉnh Nghệ An và một số tỉnh trong khu vực.
Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ dự và có bài tham luận “Về các giải pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tại tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghi quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị".
Theo Nghị quyết 39-NQ/TW, mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao...
Trong đó, một số chỉ tiêu cụ thể được Nghị quyết 39-NQ/TW đưa ra là: đến năm 2030, cơ cấu nông, lâm, thủy sản chiếm 13,5 - 14%; công nghiệp, xây dựng 42 - 42,5%; dịch vụ 39 - 39,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,5 - 5%; GRDP/người đạt khoảng 7.500 - 8.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%; xã nông thôn mới đạt 90%; hộ nghèo giảm bình quân 0,5 - 1,5%/năm...
Phấn đấu đến năm 2045, Nghệ An là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hóa xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện.
Để đạt được kết quả đó, Nghị quyết đã đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống, văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển.
Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường liên kết phát triển. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển Nghệ An trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tập trung phát triển mạnh mạng lưới đô thị, nhất là các đô thị trung tâm; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số.
Tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo.
Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó và thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức TW Trương Thị Mai đã nhấn mạnh, khái quát, làm rõ thêm một số vấn đề. Trong đó, tập trung vào 3 nội dung lớn: Ý nghĩa của việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển tỉnh Nghệ An; những giải pháp quan trọng theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW cần nhấn mạnh và làm rõ thêm; chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả tốt nhất Nghị quyết, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?