Nậm Pồ chú trọng xây dựng thôn, bản văn hóa
ĐBP - Những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Nậm Pồ luôn quan tâm tới công tác xây dựng thôn, bản văn hóa. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng cuộc sống văn minh cho nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Người dân ngày càng chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần. Trong ảnh: Tiết mục múa sạp của người dân bản Pa Có, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) nhân ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xác định được tầm quan trọng của xây dựng thôn, bản văn hóa trong việc phát triển kinh tế của địa phương, huyện Nậm Pồ đã gắn phong trào xây dựng thôn, bản văn hóa với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa thông tin cho cán bộ chuyên trách văn hóa xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa. Chú trọng hướng dẫn các thôn, bản xây dựng hương ước, quy ước. Tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, tu sửa nhà văn hóa thôn, bản; tích cực chỉnh trang nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường; thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi con khỏe, dạy con ngoan…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai ngày càng có hiệu quả. Phong trào đã thực sự đi vào đời sống, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì phát triển, toàn huyện có 106 đội văn nghệ quần chúng. 15/15 xã có quy ước, hương ước được UBND huyện phê duyệt. Nậm Pồ cũng lắp đặt xong bảng thông tin thôn bản cho 121/121 bản trên địa bàn; gắn biển tên, lắp đặt cổng bản cho 28/121 bản.
Nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã được triển khai thực hiện theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm. Nhiều hủ tục đang dần được xóa bỏ, các nghi thức, nghi lễ được rút ngắn đảm bảo tính trang trọng, lịch sự, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. 12/15 xã trong huyện có nhà văn hóa; 41/121 bản có nhà văn hóa; 4.910/10.303 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 62/121 bản được công nhận bản văn hóa. Các bản văn hóa ngày càng có sự chuyển biến về chất, thể hiện ở việc người dân luôn có ý thức sống và làm việc theo pháp luật và các quy ước của bản. Nhiều bản duy trì tốt phong trào luyện tập thể thao và các đội văn nghệ xung kích của bản…
Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Những năm qua huyện Nậm Pồ đã lồng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với xây dựng nông thôn mới, đem lại hiệu quả cao. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã đồng thuận cao trong việc thực hiện các phong trào như: Hiến đất, ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, tu sửa nhà văn hóa thôn, bản, tích cực chỉnh trang nhà ở, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng của các thôn, bản trên địa bàn huyện. Ðã có sự đổi thay rõ rệt trong đời sống văn hóa của người dân; tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh; tự giác làm chuồng nuôi nhốt gia súc ra xa nhà, sử dụng nguồn nước sạch, dùng nhà tiêu hợp vệ sinh, khi ốm đau đến trạm y tế để được khám và điều trị…
Thời gian tới, huyện Nậm Pồ tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là đẩy mạnh xây dựng thôn, bản văn hóa, thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ sở. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng cơ sở, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với MTTQ và các đoàn thể địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc xây dựng đời sống văn hóa. Khuyến khích các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.