Nắm sát yêu cầu hỗ trợ từng hộ dân, không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi dự cuộc làm việc của Trung tâm An sinh TPHCM về công tác tiếp nhận thông tin, hỗ trợ hàng hóa yếu phẩm cho người dân Thành phố, sáng 31/8.
Đến nay, MTTQ Việt Nam TPHCM đã tiếp nhận, phân phối lượng tiền, hàng hóa ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trị giá khoảng 3.148 tỷ đồng gồm 840 tỷ đồng tiền mặt; các nông sản, lương thực, thực phẩm trị giá 230 tỷ đồng; trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 2.077 tỷ đồng…
Tính từ ngày 15/8 đến 30/8, Trung tâm an sinh TPHCM (MTTQ Việt Nam TPHCM) đã tiếp nhận hàng hóa nhu yếu phẩm, thiết bị y tế bảo hộ phục vụ người dân gặp khó khăn bởi dịch bệnh COVID-19… trị giá hơn 41,5 tỷ đồng và phân phối đến các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, 22 quận, huyện, TP. Thủ Đức, các bếp ăn từ thiện, lực lượng công an Thành phố, Bộ Tư Lệnh Thành phố, Ban Chỉ huy Quân sự TP. Thủ Đức. Tổng số túi an sinh đã chuyển tới các quận, huyện, TP. Thủ Đức là 1.040.911 túi.
Thông qua phản ánh đường dây nóng, Trung tâm đã chuyển hơn 7.000 phần quà cho những hộ gia đình chậm nhận được hỗ trợ, trong đó nhiều hộ gia đình có trẻ nhỏ.
Trung tâm đã vận động hơn 20.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 273.728 phòng trọ với số tiền 158 tỷ đồng.
Tính đến nay đã có 178 mô hình, giải pháp hay bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố gồm 109 bếp ăn từ thiện, 59 gian hàng 0 đồng, 7 ATM gạo, 2 chuyến xe gạo nghĩa tình, 1 tủ lạnh cộng đồng; hỗ trợ cấp 4.650 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân để tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian tới, Trung tâm an sinh sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị, phân phối 2 triệu túi an sinh để bảo đảm không hộ nào bị thiếu đói khi thực hiện giãn cách xã hội…
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu cho biết một trong những khó khăn hiện nay là công tác tiếp nhận thông tin người dân cần hỗ trợ làm sao để không bị trùng, bị sót. Bên cạnh đó, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, rau xanh của các nhà tài trợ không thiếu nhưng sau khi tiếp nhận phải đóng gói, sau đó mới vận chuyển cho người dân trong khi cán bộ MTTQ vừa thiếu, vừa quá tải do nhu cầu người dân cần hỗ trợ rất lớn. “Ở một số xã/phường đã có nhiều cán bộ Mặt trận cũng bị nhiễm COVID-19”, bà Tô Thị Bích Châu cho hay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để giải quyết vấn đề này, MTTQ cần tính đến phương án huy động các doanh nghiệp chuyên đóng gói, giao nhận hàng hóa mới có thể bảo đảm tiến độ cung ứng, hỗ trợ cho người dân. “Ở các khu dân cư, nhiều F0 đã khỏi bệnh, đủ sức khỏe, an toàn thì một mặt MTTQ có thể kêu gọi họ tình nguyện tham gia đóng gói, vận chuyển hàng cứu trợ đến cho các hộ gia đình trong khu dân cư, mặt khác hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn một phần thu nhập”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Quan trọng nhất hiện nay là phải nắm sát được từng hộ dân đang thiếu gì, không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh. Phó Thủ tướng cho biết hôm qua khi đi thăm một khu dân cư, ông rất cảm động khi chứng kiến bà con san sẻ cho nhau. “Một gia đình nhận được rau, thịt, trứng nhưng cũng để ra ngoài cửa cho những hộ xung quanh thiếu thì lấy. Bà con mình rất thương nhau”, Phó Thủ tướng nói.
“Mặt trận có thể vận động các hộ gia đình trong từng khu, hẻm dân cư, các hộ dân nào cần rau xanh, thực phẩm hay dư thừa, muốn san sẻ cho những người khác thì ghi ra một tờ giấy, sau đó thu lại để nắm được nhu cầu của từng nhà”, Phó Thủ tướng gợi ý.