Nam sinh 2001 chỉ mất 21 ngày để giành học bổng tiến sĩ ĐH Bắc Kinh
Trần Anh Khoa nhận học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ của ĐH Bắc Kinh và trở thành nghiên cứu sinh trẻ nhất khóa 2023 - khi mới 22 tuổi.
Nhập học từ tháng 9/2023 và đã hoàn thành kỳ học đầu tiên, nhưng hiện tại, Trần Anh Khoa (sinh năm 2001), nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn cảm thấy việc mình “nhảy cóc” từ chương trình cử nhân lên chương trình tiến sĩ giống như một giấc mơ.
Hơn 4 tháng theo đuổi chương trình tiến sĩ ở “Bắc Đại”, Anh Khoa đã dần làm quen với cuộc sống và văn hóa học tập ở một đất nước mới.
Mỗi lần nhớ lại khoảng thời gian khoảng thời gian làm hồ sơ đăng ký học tiến sĩ, nam sinh lại “nổi da gà” vì không dám tin mình đã từng liều lĩnh và dám quyết định mạo hiểm như vậy.
Chiến thắng cuộc đua 9/450 để giành suất học tiến sĩ
Trước khi trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Bắc Kinh, Anh Khoa là sinh viên ngành Nghiên cứu pháp lý tại ĐH New York, Abu Dhabi (UAE). Khi chưa tốt nghiệp đại học, nam sinh đã có một quyết định khá táo bạo là nộp hồ sơ gần 15 chương trình tiến sĩ tại hàng loạt trường đại học lớn tại Pháp, Mỹ, Anh…
Chia sẻ với Tri thức - Znews về lý do chọn học thẳng lên tiến sĩ thay vì học trước thạc sĩ, Anh Khoa cho biết cậu muốn tận dụng thời gian và những tiềm năng của chương trình tiến sĩ để thực hiện những nghiên cứu về dự án xã hội và doanh nghiệp xã hội.
Yếu tố mà nam sinh muốn nhắm đến trong nghiên cứu là làm sao xây dựng 1 hệ sinh thái khởi nghiệp xã hội để giúp đỡ các doanh nghiệp xã hội có thể phát triển tốt hơn. May mắn là ĐH Bắc Kinh đã cho nam sinh cơ hội để thực hiện mục tiêu nghiên cứu của mình.
Dù đã học được hơn một học kỳ, Anh Khoa vẫn thấy rằng việc học thẳng lên tiến sĩ là một quyết định mạo hiểm và gian nan. Nam sinh còn từng nghĩ đến chuyện nếu không trúng tuyển chương trình tiến sĩ, cậu sẽ tiếp tục phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam, hoặc trở thành chuyên viên phân tích đầu tư ở UAE hoặc Vương quốc Anh.
Kể thêm về quá trình nộp đơn đăng ký chương trình tiến sĩ ở ĐH Bắc Kinh, Anh Khoa cho biết quá trình thực hiện chỉ gói gọn trong 3 tuần ngắn ngủi.
Bộ hồ sơ nam sinh chuẩn bị bao gồm bảng điểm tại ĐH New York, Abu Dhabi, đề án nghiên cứu, 2 bài nghiên cứu mẫu, điểm GRE, 3 thư giới thiệu từ tiến sĩ Babara Scheck (ĐH New York), tiến sĩ Robert Huang (ĐH Stanford) và tiến sĩ Keivan Aghasi (ĐH Cambridge).
Do đã quen với các yêu cầu cơ bản của việc viết bản thảo nghiên cứu và thư nguyện vọng, việc chuẩn bị hồ sơ của Anh Khoa cũng nhanh hơn rất nhiều. Hơn nữa, phía ĐH Bắc Kinh cũng nhận và duyệt hồ sơ khá nhanh.
Nam sinh kể rằng cậu nộp đơn vào ngày 22/2/2023 nhưng đến ngày 11/3/2023 đã tham gia phỏng vấn. Chỉ 2 ngày sau buổi phỏng vấn, cậu nhận tin trúng tuyển cùng với học bổng toàn phần. Sau đó, cậu cũng được biết tỷ lệ chọi của khóa nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Quản trị kinh doanh cho sinh viên quốc tế là 9/450.
Đối với Anh Khoa, làm hồ sơ không khó, viết bản thảo cũng không khó, nhưng thứ khó nhất và đáng sợ nhất là hành trình phỏng vấn với 6 giáo sư ĐH Bắc Kinh.
Buổi phỏng vấn kéo dài trong 20 phút, Khoa được các giáo sư hỏi 11 câu, chủ yếu liên quan các nghiên cứu ở ĐH New York, kế hoạch nghiên cứu tiến sĩ và kế hoạch sau khi tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ.
Trong buổi phỏng vấn hôm đó, Anh Khoa gây ấn tượng với các giáo sư khi trả lời câu hỏi “Tại sao em lại chọn Trung Quốc của chúng tôi và nói rằng nó sẽ cho em dữ liệu tốt phục vụ Việt Nam?”.
“Mình trả lời xong câu đấy, các giáo sư cười rất nhiều, thậm chí còn giơ tay ra hiệu ‘very good’. Hai ngày sau đó, mình nhận được kết quả báo đậu từ trường”, nam sinh vui vẻ kể lại.
Cái khó khi trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ở tuổi 22
Anh Khoa đậu chương trình tiến sĩ khi mới 22 tuổi và trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ nhất khóa 2023 tại ĐH Bắc Kinh. “Nhảy cóc” từ tấm bằng cử nhân lên tiến sĩ là một thành tựu ấn tượng, nhưng với Khoa, đó cũng là một loại áp lực vì những nghiên cứu sinh trẻ như cậu sẽ gặp khá nhiều bất lợi khi nghiên cứu.
Nam sinh nêu rằng bất lợi đầu tiên chính là các nghiên cứu sinh trẻ sẽ thiếu góc nhìn và kinh nghiệm thực tế để hình thành các câu hỏi nghiên cứu có giá trị về mặt học thuật cũng như tìm ra những vấn đề có tiềm năng ứng dụng vào thực tế.
Với Khoa, điều này tạo ra những bất lợi lâu dài vì một khi các nghiên cứu sinh không có câu hỏi nghiên cứu hay, họ sẽ rất khó đăng bài trên các tạp chí hàng đầu. Kéo theo đó là cơ hội tranh suất giảng dạy, nghiên cứu tại các đại học hàng đầu cũng sẽ giảm bớt.
Bất lợi thứ hai chính là nghiên cứu sinh trẻ như Khoa thường thiếu kỹ năng và kinh nghiệm nghiên cứu. Đó cũng là lý do rất ít trường đại học cho phép cử nhân ngành Quản trị kinh doanh học thẳng lên tiến sĩ.
Anh Khoa là một trong số ít ứng viên may mắn được phép học thẳng lên tiến sĩ. Dù vậy, việc thiếu sót kỹ năng nghiên cứu khiến cậu “chạy” chậm hơn người khác trong quá trình nghiên cứu khoa học.
Điều này cũng tác động đến tâm lý của nam sinh, làm cậu lo rằng sau 4-6 năm nghiên cứu, thành quả của cậu không tốt bằng các nghiên cứu sinh lớn tuổi, dẫn đến việc cậu có nguy cơ bại trận trên đường đua giành tấm vé trở thành phó giáo sư ở đại học top đầu.
Chưa dừng lại ở đó, áp lực của Anh Khoa khi học tiến sĩ ở ĐH Bắc Kinh còn liên quan rào cản ngôn ngữ và áp lực phải chạy đua với học viên cùng khóa.
Nam sinh cho biết nghiên cứu sinh người Trung Quốc rất xuất chúng, nhưng phần lớn tiếng Anh của mọi người không tốt lắm. Với những nghiên cứu sinh không biết tiếng Trung như Anh Khoa, thời gian đầu đến Trung Quốc học tập cũng khá vất vả vì khó hòa nhập. May mắn là nhiều giáo sư tại khoa Quản trị kinh doanh - nơi khoa theo học - đều thành thạo tiếng Anh nên cậu không gặp quá nhiều khó khăn khi làm nghiên cứu.
Còn về áp lực chạy đua, Anh Khoa cho biết các bạn cùng khoa có kiến thức nền tảng về toán, phương pháp định lượng cao cấp, thậm chí viết code rất giỏi nên cậu buộc phải liên tục cập nhật kiến thức mới để không bị tụt lại.
Ngoài ra, ĐH Bắc Kinh cũng đặt kỳ vọng rất lớn cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nếu muốn trở thành giáo sư ở đại học top đầu, các nghiên cứu sinh không chỉ đăng bài trên các báo Q1 sau 4-5 năm nghiên cứu, mà phải nhắm tới 24 tạp chí tốt nhất khối ngành quản trị kinh doanh.
“Nhà trường kỳ vọng nhiều nên những nghiên cứu sinh như mình buộc phải tự chuẩn bị các ý tưởng nghiên cứu và thu thập dữ liệu ngay từ những tháng đầu tiên nhập học. Ở nhiều trường khác, công việc này thường phải đến năm 2 hoặc năm 3 mới bắt đầu”, Anh Khoa thông tin.
Đặt mục tiêu trở thành phó giáo sư
Giờ giấc sinh hoạt đảo lộn, ăn không đủ bữa, sút cân… là tình trạng Anh Khoa gặp phải kể từ khi trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ ở ĐH Bắc Kinh. Nhiều lần, bố mẹ của nam sinh phải gọi điện nhắc nhở “đừng học nữa, chơi game đi con, tập thể dục đi con”.
Biết là cày ngày cày đêm sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nhưng Anh Khoa vẫn chưa thể dừng việc học tập và nghiên cứu vì hiện cậu đang hướng đến nhiều mục tiêu lớn cho tương lai ngắn hạn và dài hạn của mình.
Nguyện vọng lớn nhất của Khoa hiện tại là thúc đẩy mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp hướng đến xã hội và phát triển bền vững tại các quốc gia đang phát triển. Về lâu dài, cậu muốn thực hiện nguyện vọng trên thông qua thúc đẩy giáo dục, chính sách và vận hành các vườm ươm khởi nghiệp hoặc quản lý các quỹ đầu tư tác động.
Ngoài ra, Anh Khoa cũng đặt mục tiêu trở thành phó giáo sư ngành Quản trị kinh doanh và Khởi nghiệp tại một trường đại học lớn và uy tín trên thế giới, ưu tiên trước mắt là trở thành phó giáo sư ở châu Âu hoặc châu Mỹ.
Dù biết hành trình trở thành phó giáo sư sẽ rất dài và khó khăn, Anh Khoa vẫn muốn chinh phục mục tiêu này vì những trường đại học lớn sẽ có mạng lưới nghiên cứu rất mạnh, nhất là về mảng khởi nghiệp xã hội và đầu tư tác động.
“Ngoài chuẩn bị toàn tâm toàn ý cho việc trở thành một phó giáo sư trong tương lai, mình cũng xây dựng mối quan hệ và kỹ năng liên quan các công việc nghiên cứu để sau này nộp đơn vào các tổ chức phi chính phủ toàn cầu và các ngân hàng phát triển như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank)”, Anh Khoa chia sẻ.