Nam sinh Bình Định tốt nghiệp thủ khoa trường Tự nhiên Hà Nội

Nguyễn Văn Phú tốt nghiệp thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với điểm GPA 3.92/4, từng giành 7/8 kỳ học bổng của trường, có công bố quốc tế.

 Nguyễn Văn Phú thay mặt sinh viên phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: HUS.

Nguyễn Văn Phú thay mặt sinh viên phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: HUS.

“Bốn năm trước, từ mảnh đất miền Trung, mình không ngại chấp nhận thử thách, chọn một mình ra Hà Nội để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học", Nguyễn Văn Phú chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Văn Phú (22 tuổi) là cựu học sinh lớp chuyên Hóa học, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định. Ngày 30/6, Phú chính thức tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Với GPA 3.92/4.0, nam sinh có điểm số cao nhất trong hơn 830 sinh viên tốt nghiệp đợt tháng 6/2024 của trường.

Từng là nam sinh mê game

Trước khi có những bước tiến vượt bậc trong con đường học thuật, ít ai biết Phú từng là nam sinh mê game. Ba năm lớp 7, 8, 9, hầu như ngày nào cũng vậy, cứ đi học về, Phú lại vào quán net và chơi điện tử từ 18h đến 22h.

Dù Phú không trốn học, nhiều lần được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường, việc ham chơi, bỏ bê ôn luyện đã khiến nam sinh “thi lần nào là trượt lần đó".

Chỉ tới năm lớp 9, khi thi trượt học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học, nam sinh mới nhận ra mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội. Thấy con buồn, mẹ của Phú quyết định cho con thi vào trường chuyên của tỉnh. Lúc này, Phú mới quyết tâm bỏ game và làm lại.

“Đỗ trường chuyên, được học cùng thầy cô, bạn bè giỏi, có cơ hội đi học tại Nghệ An, Hà Nội, tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi… mình càng có thêm động lực. Đây cũng là thời điểm mình nhen nhóm ý định sẽ ra Hà Nội học đại học”, Phú nói.

Nam sinh cho biết trong quá trình ôn thi học sinh giỏi quốc gia ở bậc THPT, Phú cùng các bạn trong đội tuyển có cơ hội ra Hà Nội để ôn tập. Ở đây, nam sinh được gặp gỡ, trao đổi với nhiều thầy cô giỏi, được biết về Đại học Khoa học Tự nhiên. Thế nhưng khi đó, Phú vấp phải phản ứng của anh trai khi chọn đi học xa nhà, lại không có người quen tại Hà Nội.

“Anh trai hay họ hàng, người quen của mình đều chọn học tập và làm việc tại TP.HCM. Mình đã đi ngược lại, chọn ra Thủ đô", Phú cho hay sau một thời gian ngắn thuyết phục, chia sẻ dự định với bố mẹ và anh trai, cuối cùng, Phú cũng nhận được sự đồng ý của cả gia đình.

Nhờ đoạt giải nhì quốc gia, Văn Phú được tuyển thẳng vào chương trình đào tạo tài năng ngành Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

 Năm 2020, Văn Phú được tuyển thẳng vào chương trình đào tạo tài năng ngành Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

Năm 2020, Văn Phú được tuyển thẳng vào chương trình đào tạo tài năng ngành Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

Phương pháp học kỷ luật, có công bố quốc tế

Những ngày đầu ở Hà Nội, Phú “vỡ mộng nhẹ" khi có cảm giác môi trường không phù hợp với mình. Sự đông đúc của đường xá, đồ ăn không hợp khẩu vị, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Nam sinh đã quen với việc sống xa nhà, tự lập ngay từ khi học cấp 3 ở trường chuyên.

“Việc không có người quen ở Hà Nội cũng không phải trở ngại khi bạn bè, thầy cô ở trường đều cởi mở, hỗ trợ mình rất nhiều trong học tập cũng như cuộc sống", Phú nói.

Suốt 4 năm, ngoài học trên trường, Phú dành nhiều thời gian tự nghiên cứu, đảm bảo thời gian tự học gấp 2-3 lần trên lớp. Nam sinh tạo kỷ luật bản thân, hàng ngày đều bỏ sách ra học, kể cả ngày nghỉ.

Ở trên lớp, Phú hầu như tập trung nghe giảng thay vì chép lại y nguyên những gì thầy nói. Về ký túc xá, nam sinh mới bắt đầu viết lại những kiến thức mình đã thu nhận, biến kiến thức của thầy thành kiến thức riêng. Cách học này khiến Phú nắm vững kiến thức, việc ôn thi hay áp dụng vào thực hành, nghiên cứu cũng đỡ vất vả hơn.

“Từ cấp 3, mình đã áp dụng cách học này. Việc tập trung nghe giảng tốt kết hợp tự học giúp mình tiến bộ nhanh hơn", Phú nói.

Ngay từ học kỳ 2 năm nhất, Phú đã được nhận vào phòng thí nghiệm Hóa Dược do PGS.TS Mạc Đình Hùng (Phó trưởng khoa Hóa học, Trưởng phòng thí nghiệm Hóa Dược, Đại học Khoa học Tự nhiên) hướng dẫn. Phú nói cậu may mắn có được cơ hội này bởi thông thường, sinh viên học năm thứ 3 mới được lên phòng thí nghiệm.

Nhờ được tiếp cận và định hướng sớm, Phú nhanh chóng tham gia và các hoạt động nghiên cứu khoa học. Nam sinh theo đuổi chuyên ngành Hóa hữu cơ, nghiên cứu phát triển phản ứng mới tổng hợp các hợp chất hữu cơ sử dụng lưu huỳnh, ứng dụng vào lĩnh vực vật liệu.

“Để thành thạo và thực sự làm nghiên cứu khoa học, mình phải học rất nhiều từ thầy Hùng và các anh chị ở phòng thí nghiệm. Mình học cách làm việc, cách sắp xếp thời gian, công việc, học và bổ sung thêm kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm thí nghiệm", Phú chia sẻ.

Theo nam sinh, với hầu hết sinh viên, việc làm nghiên cứu khoa học khó khăn ở chỗ xử lý vấn đề mới. Để làm được, sinh viên phải có nền tảng kiến thức tốt, đáp ứng được các kỹ năng làm thí nghiệm cơ bản, nhìn ra điểm bất thường trong vấn đề…

Tháng 8/2023, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Mạc Đình Hùng và TS Nguyễn Thanh Bình (Viện Hóa học Chất tự nhiên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp), Phú là đồng tác giả bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Organic Letters 2023 (hạng Q1, nhóm 5% tạp chí có uy tín cao trong lĩnh vực Hóa hữu cơ).

Bài báo có tên Sulfur-Promoted Oxidative Cyclization of Pentan-1-ones: Direct Access to Tetrasubstituted Furans from Deoxybenzoins and Chalcones.

“Đây là dấu mốc lớn trong quá trình học tập của mình, cũng là bàn đạp để mình cố gắng nhiều hơn trong tương lai", Phú nói.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Mạc Đình Hùng cho biết từ năm nhất, Văn Phú đã đến gặp và xin được làm tại phòng thí nghiệm Hóa Dược. Sau một thời gian làm quen với phòng thí nghiệm, Phú đã thực hiện các đề tài nghiên cứu với các sinh viên khóa trên.

Thầy Hùng nhận xét Phú là sinh viên rất nghiêm túc trong công tác nghiên cứu khoa học. Những năm đầu tiên, tuy kinh nghiệm thực hành chưa hoàn toàn tốt, song Phú có khả năng phân tích kết quả và tìm hiểu tài liệu rất tốt.

Tới năm thứ ba đại học, Phú đã hỗ trợ thầy Hùng trong việc tổ chức các buổi thảo luận chuyên đề về Hóa học hữu cơ cho sinh viên của phòng thí nghiệm.

“Phú có khả năng truyền đạt và nghiệp vụ sư phạm tốt, vì vậy tại các buổi thảo luận, em đã giúp đỡ sinh viên trong nhóm rất nhiều”, thầy Hùng chia sẻ.

Về đề tài Sulfur-Promoted Oxidative Cyclization of Pentan-1-ones: Direct Access to Tetrasubstituted Furans from Deoxybenzoins and Chalcones, theo thầy Hùng, đây là đề tài do phòng thí nghiệm Hóa Dược kết hợp với TS Nguyễn Thanh Bình. Thầy Hùng và thầy Bình đã thảo luận hướng nghiên cứu và giao cho Phú cùng một sinh viên khác thực hiện.

“Phú là người thực hiện những bước thăm dò đầu tiên và phát hiện ra hiện tượng bất thường của phản ứng, từ đó làm cơ sở để hoàn thiện và phát triển phản ứng này", thầy Hùng cho biết.

 Văn Phú tốt nghiệp thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

Văn Phú tốt nghiệp thủ khoa Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: NVCC.

Bốn năm đại học, thủ khoa đầu ra của Đại học Khoa học Tự nhiên cũng giành được học bổng khuyến khích học tập loại xuất sắc (cao nhất) ở 7/8 kỳ học, cùng nhiều học bổng do doanh nghiệp tài trợ.

Dù việc học và nghiên cứu chiếm nhiều thời gian, Phú vẫn tranh thủ đi làm gia sư. Khoản thu nhập từ công việc này cùng học bổng giúp nam sinh tự trang trải học phí và sinh hoạt ngay từ năm nhất đại học.

Trước khi tốt nghiệp, Phú đã nộp hồ sơ và trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ Hóa học phân tử và bề mặt của Đại học Paris-Saclay (Pháp), học bổng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore).

Tuy nhiên, do có sự yêu thích nhất định và “ước mơ lớn" vào Đại học Paris-Saclay, Phú quyết định tạm gác lại dự định du học, lùi lại một năm để chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển lại chương trình học bổng của trường.

“Sau khi hoàn thành chương trình trao đổi sinh viên tại Đài Loan vào giữa tháng 7 tới, mình sẽ vào TP.HCM để thực hiện một số dự định về công việc và tiếp tục chuẩn bị hồ sơ du học”, Phú chia sẻ.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nam-sinh-binh-dinh-tot-nghiep-thu-khoa-truong-tu-nhien-ha-noi-post1483972.html