Nam sinh giành cú đúp huy chương vàng Olympic Vật lý

Thân Thế Công - học sinh chuyên Vật lý, trường THPT chuyên Bắc Giang - là chủ nhân của hai huy chương vàng Olympic Vật lý khu vực và quốc tế năm nay.

Ngày 28/6, thời điểm công bố kết quả và bế mạc Olympic Vật lý (IPhO) năm 2024, khi hai tiếng Việt Nam vang lên, Thân Thế Công cùng người bạn rạng rỡ bước lên sân khấu nhận huy chương vàng.

Trước đó chỉ hơn một tháng, Công cũng giành huy chương vàng Olympic Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (APhO) diễn ra từ ngày 3/6 đến 10/6 tại Malaysia. Năm ngoái, khi mới học lớp 11, cũng tại cuộc thi này, nam sinh đã mang về huy chương đồng cho đội Việt Nam.

“Ở cả 3 lần, em rất vui và hạnh phúc, nhất là hai lần nhận huy chương vàng. Em cũng rất tự hào khi đem về vinh quang cho Tổ quốc", Thế Công chia sẻ.

 Thế Công (bên phải) cùng Phi Hùng nhận huy chương vàng IPhO 2024 tại Iran. Ảnh: Ban tổ chức.

Thế Công (bên phải) cùng Phi Hùng nhận huy chương vàng IPhO 2024 tại Iran. Ảnh: Ban tổ chức.

Thuộc 8% thí sinh có điểm cao nhất

Thế Công cho biết sau khi đạt được giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, em được dự thi vòng 2, chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024.

Sau khi nhận thông báo đậu vào cả hai đội tuyển APhO và IPhO, đầu tháng 5/2024, Công khăn gói lên đường, ở ký túc xá ôn thi cùng các thầy cô và đội tuyển tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Các em chủ yếu luyện đề những năm trước, củng cố kiến thức chuyên sâu cùng các giáo sư ở Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Đã có kinh nghiệm ôn thi đội tuyển APhO từ năm trước, năm nay, em không quá căng thẳng hay vất vả dù học nhiều", Công nói.

Đến với Olympic Vật lý quốc tế 2024, Thế Công tranh tài với hàng trăm thí sinh đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thí sinh phải trải qua hai bài thi, gồm lý thuyết và thực nghiệm, mỗi bài kéo dài 5 giờ.

Bộ GD&ĐT cho biết đề thi năm nay hay và khó, lý thuyết và thực hành đều gắn liền với thực tiễn và "chạm đến những ứng dụng của khoa học kỹ thuật hiện đại". Để đạt huy chương vàng, học sinh phải lọt top 8% thí sinh có điểm cao nhất.

Thế Công chia sẻ em đạt 38/50 điểm. Nam sinh cho biết phần thực nghiệm (2 câu) yêu cầu thí sinh đo giao thoa và truyền nhiệt. Ban tổ chức đã setup rất kỹ càng, ý tưởng khá đơn giản nhưng bài thi lại khá dài, thí sinh rất khó để có thể làm hết.

Trong khi đó ở phần lý thuyết (3 câu), để giải bài, thí sinh phải biến đổi toán khá nhiều. Công nhận xét câu số 3 là khó nhất, nội dung liên quan đến Vật lý thiên văn. Các câu còn lại nội dung liên quan đến hiệu ứng nhà kính, bẫy và làm lạnh nguyên tử bằng laser.

“Em làm khá ổn ở bài lý thuyết. Còn ở phần thực hành, em chưa làm được câu hỏi về phần truyền nhiệt”, Công chia sẻ.

 Thế Công tại cuộc thi APhO 2023. Ảnh: NVCC.

Thế Công tại cuộc thi APhO 2023. Ảnh: NVCC.

Từng trượt đội tuyển của trường

Thế Công cho biết từ năm lớp 8, em đã bắt đầu thích môn Vật lý. Người truyền cảm hứng cho em chính là bà ngoại - một giáo viên dạy Vật lý. Công luôn tò mò về nhiều hiện tượng tự nhiên, đặc biệt hứng thú với vũ trụ.

“Tại sao lại có sự xuất hiện của các chòm sao?”, “Sao băng vụt qua bầu trời đến từ nơi nào?”…, những câu hỏi ấy luôn xuất hiện trong đầu và thôi thúc Công tìm hiểu. Thấy cháu ham học, ông ngoại tặng Công những cuốn sách lý giải các hiện tượng tự nhiên.

Nhưng thời điểm đó, sự yêu thích chỉ đơn giản bắt nguồn từ việc Công luôn biết cách giải bài. Muốn học chuyên sâu hơn, nam sinh quyết định thi vào đội tuyển của trường, nhưng trượt.

“Sau đó, em học chăm hơn. Trên lớp, chỗ nào chưa hiểu, em nhờ thầy giảng thêm sau giờ học. Mỗi lần như vậy có thể kéo dài hàng tiếng”, nam sinh chia sẻ.

Nam sinh cũng đọc thêm sách chuyên đề Vật lý. Như mở ra một chân trời mới, càng đọc, Công càng đam mê hơn với môn học này. Đi sâu vào nghiên cứu, em nhận thấy đây là môn khoa học mang tính ứng dụng thực tiễn cao.

Công đạt mục tiêu vào đội tuyển của trường năm cấp 2. Sau đó, em liên tiếp chinh phục thành công kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Với giải nhì cấp tỉnh, Thế Công được tuyển thẳng vào lớp chuyên Vật lý của trường chuyên Bắc Giang.

Giải thưởng lớn đầu tiên Công có được là vào năm lớp 10, em giành huy chương vàng ở kỳ thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ.

“Giải thưởng này chính là động lực giúp em tự tin vươn tới các giải thưởng sau này”, nam sinh chia sẻ.

Kinh nghiệm để làm bài tốt của Công là nắm chắc lý thuyết, đọc nhiều sách, tài liệu và làm bài tập chuyên sâu. Do được rèn luyện qua nhiều cuộc thi, bước vào tranh tài tại đấu trường quốc tế, tâm lý của em luôn thoải mái, bình tĩnh, tự tin. Đặc biệt, nam sinh rất thích đề khó để em có cơ hội thử thách và khẳng định bản thân.

 Thế Công cùng mẹ, ông bà ngoại và em gái. Ảnh: NVCC.

Thế Công cùng mẹ, ông bà ngoại và em gái. Ảnh: NVCC.

Thành công từ sự định hướng đúng đắn của gia đình

Chị Nguyễn Thị Kim Dung (mẹ của Thế Công) cho biết từ nhỏ, Công đã luôn tự lập và ý thức cao trong việc tự học. Hàng ngày, Công chủ yếu học trên lớp, thời gian rảnh rỗi sẽ đọc sách và rất say mê giải thích các hiện tượng, sự vật diễn ra xung quanh cho mọi người cùng hiểu.

Thấy công đam mê và ham học, chị Dung đã định hướng cho con ngay từ những ngày con học THCS. Hai mẹ con từng bước định hướng và đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn.

Hôm công bố kết quả IPhO 2024, chị Dung hồi hộp cả đêm chờ thông tin của con trai. Nữ phụ huynh vỡ òa trong sung sướng và hạnh phúc khi biết tin con giành huy chương vàng.

“Rất vui mừng và xúc động vì con đạt được ước mơ của mình. Con vui mừng một thì mẹ và ông bà ngoại vui 10 vì luôn đồng hành cùng con", mẹ của Công chia sẻ.

Trong mắt chị Dung, Công là một chàng trai ngoan ngoãn, hiền lành, điềm đạm, chín chắn và tự lập. Nam sinh sống tình cảm, đi học nhiều nhưng luôn giúp đỡ ông bà việc nhà và quan tâm đến sở thích của các thành viên trong gia đình.

“Con cũng rất giản dị, không bao giờ đòi hỏi điều gì. Con có xe đạp điện nhưng chỉ dùng những hôm đi học liên tục, còn bình thường, con đi xe đạp để tiện trao đổi với bạn vè về việc học, nói chuyện bạn bè, thầy cô", chị Dung nói.

Cũng theo chị Dung, trước đây, Công không dùng điện thoại thông minh, thậm chí từ chối khi mẹ đề xuất mua. Đến năm lớp 11, khi vào đội tuyển, nam sinh mới mượn điện thoại của bà và sau này dùng của mẹ để trao đổi bài vở với thầy cô, bạn bè.

Chia sẻ về dự định tương lai, Thế Công cho biết sẽ đăng ký vào ngành Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau đó, em sẽ trau dồi thêm kiến thức và ngoại ngữ để thực hiện giấc mơ du học, tiếp tục được học tập, nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học Vật lý.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nam-sinh-gianh-cu-dup-huy-chuong-vang-olympic-vat-ly-post1489102.html