Nam sinh Hà Nội mất một bên tinh hoàn sau cơn đau dữ dội
Gần sáng, thiếu niên lớp 8 tỉnh dậy do đau bìu dữ dội, được đưa đi khám nhưng bị chẩn đoán nhầm. Khi em đến Bệnh viện Việt Đức thì tinh hoàn đã hoại tử, tím đen, buộc phải cắt bỏ.
Chỉ trong 2 tuần, các bác sĩ Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức điều trị gần 10 trường hợp xoắn tinh hoàn, nhiều ca phải cắt bỏ. Hầu hết bệnh nhân là người trẻ tuổi, chưa lập gia đình, có người đang điều trị vô sinh, có ca ngoài 40 tuổi.
Trường hợp ít tuổi là bé V.H, 13 tuổi, ở Hà Nội. Thiếu niên lớp 8 sống với ông ngoại, gần sáng, H. tỉnh dậy do cơn đau bìu dữ dội.
Hai tiếng sau, H. được ông đưa đi khám, chẩn đoán cậu bị viêm tinh hoàn, cho điều trị nội khoa 1 tuần nhưng không đỡ nên bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức. Lúc này, tinh hoàn phải của H. đã bị hoại tử, tím đen, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ, cố định tinh hoàn còn lại để giữ chức năng sinh sản cho H.
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp, chiếm khoảng 17% các trường hợp đau bìu cấp tính. Bệnh lý có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, 90% gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xảy ra ở người trưởng thành, người lớn tuổi.
Tại Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có hơn 300 trường hợp xoắn tinh hoàn được chẩn đoán, tuy nhiên tỉ lệ bảo tồn tinh hoàn khá thấp (5%). Phần lớn các trường hợp đến muộn, không chẩn đoán được ngay thời điểm ban đầu.
Thực tế, trong số gần 10 bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trong 2 tuần gần đây đến Bệnh viện Việt Đức có nhiều ca bị chẩn đoán nhầm thành viêm tinh hoàn như em H., hậu quả là bệnh nhân bỏ lỡ thời gian "vàng" cấp cứu, bảo tồn.
Trao đổi với VietNamNet sáng 10/1, ThS Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức, cho biết việc chẩn đoán nhầm xoắn tinh hoàn với viêm tinh hoàn hay các bệnh lý khác rất phổ biến. "Một phần do bác sĩ không được đào tạo về chuyên ngành Nam khoa và không có kinh nghiệm lâm sàng ca bệnh", bác sĩ Khánh nhận định.
Dấu hiệu xoắn tinh hoàn
Bệnh nhân xoắn tinh hoàn thường có cơn đau đột ngột, dữ dội vùng bìu; nôn, buồn nôn kèm đau; tinh hoàn treo lên cao.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra sau chấn thương tinh hoàn. Phần lớn các bệnh nhân bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau ở bìu, bệnh nhân thường nhớ rõ thời điểm đau.
Theo bác sĩ Khánh, không ít bệnh nhân xoắn tinh hoàn xuất hiện tình trạng đau hố chậu bên phải, giống viêm ruột thừa. Nhiều bệnh nhi bị xoắn tinh hoàn nhưng bị chẩn đoán nhầm sang đau bụng thông thường do rối loạn tiêu hóa.
Bị xoắn, tinh hoàn có thể sưng nhẹ, đỏ ửng. Đặc biệt, tinh hoàn bị xoắn treo cao và có thể nằm ngang nếu so sánh với tinh hoàn bên đối diện.
Một dấu hiệu phân biệt với viêm tinh hoàn là khi nâng tinh hoàn bị xoắn lên, bệnh nhân thấy đau nhiều hơn, trong khi nếu bị viêm, bệnh nhân đỡ đau nếu nâng tinh hoàn lên.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang, Chủ tịch Hội Y học Giới tính Việt Nam, xoắn tinh hoàn để lại hậu quả nặng nề về chức năng sinh sản, rối loạn về nội tiết và rối loạn tâm lý, mặc cảm, tự ti. Bệnh nhân bị cắt tinh hoàn thường phải đặt tinh hoàn nhân tạo với mục đích thẩm mỹ, tuy nhiên tinh hoàn đó không có chức năng nội tiết và sinh sản.
Bác sĩ Khánh cho hay, thời điểm mùa đông, trời lạnh, cận Tết, lượng bệnh nhân xoắn tinh hoàn cao đột biến. Bệnh lý có thể xảy ra khi người bệnh di chuyển từ không gian ấm ra ngoài trời lạnh đột ngột (như đi học hoặc đi vệ sinh) khiến bìu co lên đột ngột, tinh hoàn xoay quanh trục bị xoắn, nghẹt.
Xoắn tinh hoàn xảy ra khi tinh hoàn di động quá mức quanh thừng tinh dẫn đến tắc nghẽn hệ thống mạch máu, nếu không giải phóng kịp thời sẽ gây hoại tử. Tình trang cấp cứu này cần được điều trị sớm, đặc biệt trong 6 giờ đầu từ khi có triệu chứng đầu tiên.