Nam sinh Nghệ An trăn trở về người bạn nghiện thuốc lá, muốn giúp bạn bỏ thuốc
Nam sinh Tuấn Anh (lớp 11D2 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An) cho biết, Tuấn Anh có 1 người bạn thử hút thuốc lá điện tử, sau một thời gian sử dụng bây giờ bạn thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử và thỉnh thoảng hút cả thuốc lá điếu. Tuấn Anh băn khoăn không biết có phải bạn đó đã nghiện thuốc lá và phải làm gì để bạn đó bỏ thuốc?
Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5), hướng tới tháng hành động vì trẻ em, ngày 14/5, gần 1.000 học sinh trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An tham gia Diễn đàn Điều em muốn nói năm 2025 với chủ đề "Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử và chất gây nghiện mới", do Sở GD&ĐT Nghệ An phối hợp cùng báo Tiền Phong và Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức.

Ban Tổ chức tặng hoa cảm ơn các diễn giả.
Tham dự chương trình, về phía Bộ GD&ĐT có TS. Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT. Về phía tỉnh Nghệ An có ông Phạm Ngọc Cảnh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Nghệ An. Về phía BTC chương trình có GS.Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An; Nhà báo Lê Minh Toản - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong; Nhà báo Trần Quang Long - Trưởng Văn phòng Bắc Trung Bộ báo Tiền Phong; Anh Nguyễn Mạnh Phong - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An; Thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập.
Khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, công an, bác sĩ như: Đại úy Trần Hữu Đắc (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An); Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đức Tài - Phó Trưởng khoa Tâm thần Nhi lão niên, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An; TS. Trần Hằng Ly, Khoa Tâm lý - Giáo dục, trường Sư phạm, trường Đại học Vinh; ca sỹ Hà Myo - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022… Chương trình còn có sự tham gia của hơn 1.000 giáo viên, học sinh đến từ các trường học tại TP. Vinh (Nghệ An).
Là 1 trong số gần 1.000 học sinh tham gia Diễn đàn, Tuấn Anh (lớp 11D2 trường THPT Hà Huy Tập) đặt câu hỏi: “Em có một người bạn thử hút thuốc lá điện tử, sau một thời gian sử dụng bây giờ bạn thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử và thỉnh thoảng hút cả thuốc lá điếu. Có phải bạn đó đã nghiện thuốc lá? Phải làm gì để bạn bỏ thuốc lá điện tử?".

Học sinh đặt câu hỏi cho diễn giả.
Bác sĩ Nguyễn Đức Tài giải đáp, chất gây nghiện nicotine trong thuốc lá là cao nhất, hơn tất cả những chất gây nghiện còn lại. Đầu tiên, nghiện có một số triệu chứng, đặc điểm như có cảm giác thèm muốn, người đó có một số hiện tượng như tăng số lượng, tăng thời gian sử dụng. Nếu không sử dụng thì có cảm giác khó chịu, bứt rứt. Người nghiện thì sẽ dành thời gian, tiền bạc để sử dụng chất đấy và dẫn đến giảm thời gian cho các hoạt động khác như học tập, vui chơi cùng bạn bè.

Bác sĩ Nguyễn Đức Tài - Phó Trưởng khoa Tâm thần Nhi lão niên, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An.
“Vậy làm cách nào để bạn có thể giúp bạn mình giảm sử dụng thuốc lá, bỏ thuốc? Đầu tiên cần phải phối hợp với gia đình, nhà trường tìm hiểu nguyên nhân vì sao bạn mình sử dụng thuốc lá. Bạn có thể nêu ra các tác hại khi sử dụng thuốc lá hoặc nhờ đến chuyên gia để tùy từng đối tượng, từng nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phù hợp để giúp bạn giảm thiểu hoặc cai sử dụng thuốc lá”, bác sĩ Nguyễn Đức Tài nói.

TS. Trần Hằng Ly.
TS. Trần Hằng Ly, chuyên gia tâm lý, Khoa Tâm lý - Giáo dục trường Sư Phạm, Đại học Vinh chia sẻ: “Việc bạn của em có thói quen sử dụng trong thời gian dài và sau đó thi thoảng sử dụng thuốc lá điếu, có dấu hiệu của nghiện chất Propylene, việc sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Với tư cách là bạn, em nên cung cấp các thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử và khuyến khích bạn cùng tham gia các hoạt động lành mạnh hơn để tránh xa các chất gây nghiện”.
Tại diễn đàn, nam sinh Lê Anh Quân, học sinh lớp 12T2, học sinh Trường THPT Hà Huy Tập chia sẻ, qua tìm hiểu, được biết hiện tại trên thị trường chất gây nghiện có nhiều loại như ma túy, cần sa, phổ biển nhất là thuốc lá, đặc biệt trong đó là thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử có nhiều loại như: vape, pod, shisha là những loại mà giới trẻ sử dụng nhiều.
Học sinh Lê Anh Quân cho biết, trong gia đình cậu bạn không có ai hút thuốc lá. Nhưng nếu trong gia đình có người sử dụng, Quân rất lo lắng cho sức khỏe của người thân. Quân nói rằng cậu bạn thấy buồn vì thuốc lá không chỉ gây hại cho người hút mà ảnh hưởng đến những người trong gia đình và những người xung quanh.

Lê Anh Quân.
Nếu bắt gặp bạn bè sử dụng thuốc lá điện tử, Quân tự tin sẽ nhắc nhở, đồng thời báo cáo đến người thân trong gia đình của họ. Ngoài ra rủ bạn tham gia hoạt động ngoại khóa để không có thời gian sử dụng thuốc lá điện tử.
Quân cho rằng, hành động mua thuốc lá điện tử diễn ra phổ biến, đặc biệt giới trẻ qua thời gian gần đây ngày càng mua và sử dụng nhiều. Đây là vấn đề nhức nhối cần quan tâm. Giải pháp đưa ra là Nhà nước cần thắt chặt hơn về thị trường mua bán thuốc lá, đồng thời đưa ra những chế tài nặng hơn đối với những người mua bán thuốc lá trái phép; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền thông điệp về thuốc lá điện tử, chất gây nghiện đặc biệt trong trường học.
Trước những vấn nạn về thuốc lá điện tử, Lê Anh Quân cho biết đã trang bị đủ kiến thức, hành trang để phòng chống chất gây nghiện đối với thuốc lá điện tử. Phương châm đặt ra là né tránh, hạn chế tiếp xúc với người sử dụng thuốc lá điện tử, tránh xa những dụ dỗ về sử dụng thuốc lá điện tử. Cùng với đó là tố cáo với những cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là mua bán thuốc lá điện tử. Ngoài ra động viên những người từng sử dụng thuốc để họ dần thay đổi ý thức và bỏ không còn sử dụng thuốc lá.
Học sinh Phan Quỳnh Phương (lớp 12C1, trường THPT chuyên Phan Bội Châu) cho biết, việc từ chối lời mời gọi của các bạn không hề dễ dàng. Đa số học sinh đều sợ làm phật lòng bạn bè của mình hay áp lực từ nỗi sợ bị cô lập, hoặc trở nên khác biệt so với mọi người khiến ta khó từ chối.

Học sinh Phan Quỳnh Phương.
Học sinh Lầu Nguyễn Hương Mơ (lớp 12A5, Trường Phổ thông trung học Dân tộc nội trú Nghệ An) nhận thức được rằng, thuốc lá, thuốc lá điện tử hay các chất gây nghiện đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Chúng có thể gây hại cho phổi, tim mạch và cả hệ thần kinh. Lâu dài còn có thể dẫn đến nghiện và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Học sinh Lầu Nguyễn Hương Mơ.
Từ góc nhìn của học sinh, Lầu Nguyễn Hương Mơ cho rằng, bố mẹ và thầy cô có thể nhận biết qua một số dấu hiệu như: cơ thể có mùi lạ, thường xuyên ngậm hoặc cầm vật giống thuốc; lén lút sử dụng điện thoại hoặc đi ra ngoài bất thường. Ngoài ra, tâm lý thay đổi, học tập sa sút hoặc giao du với bạn xấu cũng là những dấu hiệu đáng lưu ý.
Là học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, phải sống xa gia đình, không có sự quản lí của bố mẹ, tuy nhiên Hương Mơ tự tin vì có sự đồng hành của các thầy cô giáo, các cán bộ quản sinh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trên toàn cầu, gần 37 triệu trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, trong đó tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở thanh thiếu niên vượt qua cả người lớn ở nhiều quốc gia.
Trước tác hại của thuốc lá điện tử, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Nội dung này được thể hiện trong Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, được đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 30/11/2024.