TOÀN VĂN: Dự thảo Nghị định quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục

Toàn văn dự thảo Nghị định quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến.

NGHỊ ĐỊNHQuy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 18 tháng 02 năm 2025 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Luật Giáo dục 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục, bao gồm: nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục, nội dung hướng nghiệp, định hướng phân luồng trong giáo dục và các biện pháp thực hiện; điều kiện đảm bảo thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục; tổ chức thực hiện.

2. Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Định hướng nghềnghiệp là quá trình hỗ trợ học sinh trong cơ sở giáo dục phổ thông, học viên trong cơ sở giáo dục thường xuyên, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là học sinh) lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng, khả năng, sở trường của cá nhân và xu hướng thị trường lao động.

2. Định hướng phân luồng là quá trình tư vấn, hướng dẫn cho học sinh lựa chọn con đường học tập hoặc nghề nghiệp phù hợp với nguyện vọng, năng lực, sở trường và điều kiện cụ thể của cá nhân.

3. Tỷ lệ phân luồng là chỉ số thể hiện sự tương quan số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông lựa chọn các hướng đi tiếp theo khác nhau, bao gồm tiếp tục học lên ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học chương trình giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động.

Điều 3. Nguyên tắc hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục

1. Bảo đảm hài hòa giữa nguyện vọng, năng lực của học sinh với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực của quốc gia và địa phương trong từng giai đoạn.

2. Bảo đảm quyền được định hướng nghề nghiệp và được tôn trọng lựa chọn hướng học tập, nghề nghiệp của học sinh. Tất cả học sinh được hướng dẫn lộ trình học tập, có thể chuyển đổi giữa giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp, giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên một cách thuận lợi theo quy định của pháp luật và được tạo điều kiện học tập suốt đời.

3. Hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phải đảm bảo tính hệ thống, liên tục. Các hoạt động hướng nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tiễn và tích hợp vào chương trình giáo dục, đào tạo; công tác hướng nghiệp, phân luồng phải đi đôi với bảo đảm chất lượng và liên thông giữa các luồng giáo dục, đào tạo.

4. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và chính quyền địa phương trong công tác hướng nghiệp và phân luồng.

Chương II
NỘI DUNG, BIỆN PHÁPTHỰC HIỆN HƯỚNG NGHIỆP VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÂN LUỒNGTRONG GIÁO DỤC

Điều 4. Nội dung hướng nghiệp trong giáo dục

1. Nội dung hướng nghiệp trong giáo dục bao gồm: giáo dục nhận thức về các con đường học tập và nghề nghiệp; cung cấp thông tin về ngành nghề, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của xã hội; đánh giá năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp của học sinh; hướng dẫn lập kế hoạch học tập và rèn luyện phù hợp với định hướng nghề; phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.

2. Nội dung giáo dục hướng nghiệp thường xuyên được cập nhật, bổ sung dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục đảm bảo phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh, đáp ứng từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của địa phương và quốc gia.

3. Khung nội dung giáo dục hướng nghiệp được sử dụng trong các cơ sở giáo dục do cơ quan quản lý trực tiếp của các cơ sở giáo dục phê duyệt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 5. Định hướng phân luồng trong giáo dục

1. Trong quá trình giáo dục, học sinh được định hướng phân luồng sau khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở và hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.

2. Phân luồng học sinh khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở, gồm: Học chương trình giáo dục trung học phổ thông; học chương trình đào tạo trình độ trung cấp; học chương trình giáo dục thường xuyên; học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề; tham gia thị trường lao động.

3. Phân luồng học sinh khi hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông, gồm: Học chương trình đào tạo trình độ đại học; học chương trình đào tạo trình độ cao đẳng; học chương trình đào tạo trình độ trung cấp; học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề; tham gia thị trường lao động.

Điều 6. Biện pháp hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục

1. Biện pháp hướng nghiệp trong giáo dục

a) Tích hợp, lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.

b) Thực hiện hướng nghiệp thông qua hoạt động giáo dục, hoạt động tư vấn, trải nghiệm thực tế.

c) Phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động hướng nghiệp.

2. Biện pháp phân luồng trong giáo dục

a) Xây dựng các môn học lựa chọn, môn học tự chọn, chuyên đề giáo dục hướng nghiệp và thực hiện trong các cơ sở giáo dục.

b) Tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá năng lực, sở trường và nguyện vọng của học sinh làm cơ sở cho việc định hướng phân luồng hiệu quả tại các cơ sở giáo dục.

c) Tổ chức liên kết giữa cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường trung học nghề hoặc trường trung học kỹ thuật để học sinh được học văn hóa kết hợp với học nghề.

Chương III

ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO THỰC HIỆN HƯỚNG NGHIỆP, PHÂN LUỒNG TRONG GIÁO DỤC

Điều 7. Người tham gia thực hiện giáo dục hướng nghiệp

1. Cán bộ quản lý, giáo viên và viên chức, cá nhân làm công tác tư vấn học sinh trong cơ sở giáo dục.

2. Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 8. Cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu, tài liệu và học liệu

1. Cơ sở giáo dục thực hiện nội dung hướng nghiệp, định hướng phân luồng trong giáo dục phải có đủ cơ sở vật chất và thiết bị tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Các cơ sở giáo dục lựa chọn tài liệu, học liệu được địa phương tổ chức biên soạn, thẩm định để thực hiện các nội dung hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục.

Điều 9. Kinh phí

1. Kinh phí thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục được bảo đảm từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng phải bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách, quy định pháp luật về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục; hướng dẫn về khung tỷ lệ phân luồng theo từng giai đoạn phát triển, bảo đảm khả thi và phù hợp với thực tiễn.

2. Ban hành khung chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp; quy định điều kiện về người tham gia thực hiện giáo dục hướng nghiệp và về cơ sở vật chất, thiết bị tối thiểu phục vụ giáo dục hướng nghiệp trong cơ sở giáo dục; quy định chi tiết các biện pháp thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

3. Hướng dẫn địa phương tổ chức biên soạn, thẩm định, lựa chọn tài liệu, học liệu để tổ chức thực hiện các nội dung hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục.

4. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục.

5. Hằng năm, tổng hợp kết quả thực hiện hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 11. Trách nhiệm của các bộ, ngành

1. Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với giáo viên kiêm nhiệm làm công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong cơ sở giáo dục.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện các chính sách, đề án, dự án, chương trình hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện Nghị định này theo chức năng, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao.

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Xác định tỷ lệ phân luồng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bảo đảm 100% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được tiếp cận dịch vụ hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp chuyên nghiệp; ít nhất 20% người học trong độ tuổi từ 15-25 theo học giáo dục nghề nghiệp; tỉ lệ chuyển tiếp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông và các trình độ khác đạt ít nhất 95%.

2. Tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu, học liệu theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổ chức thực hiện các nội dung hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục.

3. Huy động và bố trí nguồn lực, ngân sách để thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục tại địa phương.

4. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục; cập nhật và phổ biến thông tin về thị trường lao động tại địa phương đến các cơ sở giáo dục và cơ sở đào tạo trên địa bàn.

5. Biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục.

6. Tổ chức kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả thực hiện hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục trên địa bàn; trước ngày 20 tháng 12 hằng năm, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả thực hiện hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục tại các địa phương.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ….tháng …..năm 2025.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và các cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-nghi-dinh-quy-dinh-ve-huong-nghiep-va-phan-luong-trong-giao-duc-119250515172033924.htm