Nam sinh trường Báo đa tài Đào Khánh Tùng: 'Thành tích lớn nhất không phải chức danh đội trưởng'

Từ cậu học sinh Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đam mê hoạt động tình nguyện, Đào Khánh Tùng (2002) đang định hướng phát triển bản thân trở thành chàng sinh viên Báo chí 'đa-zi-năng'. Từ các hoạt động tình nguyện, Đoàn, Đảng đến dẫn chương trình, Tùng đều có thể 'cân tất'. Hãy cùng gặp gỡ và trò chuyện với chàng trai xứ Nghệ đầy thú vị này nhé!

Đào Khánh Tùng đã và đang đảm nhận nhiều chức vụ, đạt được nhiều thành tích trong quá trình theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên Truyền. Vậy đâu là thành tích bạn tự hào nhất?

Thành tích khiến mình cảm thấy đáng tự hào nhất là được vinh hạnh trở thành Đội trưởng Đội Sinh viên tình nguyện Nghệ An tại AJC. Mình yêu thích các hoạt động tình nguyện từ hồi còn là học sinh cấp 3, nên khi lên Đại học, đây luôn là môi trường mình mong muốn được cống hiến thật nhiều.

Mặc dù trách nhiệm này đến với mình khá bất ngờ, tưởng chừng như khó có thể hoàn thành tốt được, nhưng đây cũng là nơi để lại cho mình nhiều kỷ niệm đẹp nhất cùng với những người anh chị, người bạn, người em cùng quê tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thành tích lớn nhất không phải chức danh đội trưởng, mà là giá trị mình cho đi để giúp đỡ cộng đồng, và tình cảm chân thành mình nhận được từ những người bạn đồng hương xứ Nghệ nơi trường Báo.

Không chỉ là một Đội trưởng chín chắn, bạn còn là một lớp trưởng nhiệt thành, một Đảng viên mẫu mực. Cùng 1 lúc tham gia vào nhiều hoạt động đoàn đội như thế, bạn có bao giờ cảm thấy bản thân quá tải?

Quá tải thì không hẳn nhưng áp lực lớn thì mình đã từng gặp. Mình nghĩ ở lứa tuổi gen Z, kể cả có nhiều thành tích, chức vụ hay không, ai cũng sẽ có những áp lực riêng cần phải tự vượt qua. Đối với mình, việc áp lực cũng bởi sự sắp xếp công việc không khoa học khiến mình cảm thấy mọi “deadline” dồn vào cùng một lúc. Khoảng thời gian đó, mình đã dành ra một ngày nghỉ, giải phóng năng lượng tiêu cực và tập trung vào việc sắp xếp lại toàn bộ công việc, rồi mới giải quyết dần vào các ngày sau.

Thời gian gần đây, bạn đang học hỏi và dần “dấn thân” vào nghề cầm mic. Lý do và động lực nào mà bạn lại định hướng phát triển kỹ năng MC?

Mình quyết định dấn thân vào nghề cầm mic bởi “duyên số” đưa đẩy mình đến CLB MC Học viện Báo chí và Tuyên truyền - AMC. Tại đây mình được khai phá, mở rộng thêm kỹ năng giao tiếp và tự tin trước đám đông. Mình nhận ra rằng lời nói có một sức mạnh to lớn, có thể dùng lời nói để gợi mở nên nhiều dòng cảm xúc cho người nghe. Chính vì vậy mình quyết định phát triển thêm kỹ năng dẫn chương trình và xem như đây là một “nghề tay trái" của bản thân.

Vậy bạn có quyết định MC sẽ là công việc chính của mình trong tương lai?

Hiện tại mình vẫn chưa có dự định cho tương lai rằng MC có phải một công việc chính mà mình theo đuổi hay không. Tuy nhiên dù ở trong hoàn cảnh, môi trường nào, biết cách ăn nói, giao tiếp là một kỹ năng rất quan trọng. Vì vậy mình tin với những kiến thức và kinh nghiệm đã có, cho dù nghề nghiệp tương lai là gì thì mình cũng có thể tự tin hơn với một năng khiếu nho nhỏ là năng khiếu giao tiếp.

Có nhiều ý kiến cho rằng, học giỏi ở trường đại học không đem lại ích gì, vì kiến thức trên lớp không áp dụng được vào môi trường làm việc. Quan điểm của bạn về ý kiến này?

Theo mình, việc áp dụng kiến thức trên ghế nhà trường vào thực tiễn là điều cần thiết với tất cả các sinh viên. Trải qua những bài học trên giảng đường cũng như kinh nghiệm trong thực tế, mình không chắc chắn tại thời điểm này có thể áp dụng hoàn toàn kiến thức đã học vào những công việc thực tiễn, song mình chắc chắn những kỹ năng như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xây dựng hệ thống kiến thức, cùng rất nhiều kỹ năng khác là điều mình có thể áp dụng ngay bây giờ vào thực tiễn khi đi làm. Ví dụ ở trường Báo, các môn chuyên ngành mình học, các bài tập được thầy cô giáo giao đều có thể áp dụng để phát triển công việc liên quan đến báo chí, truyền thông, thiết kế,...

Trở về 3 năm trước, bạn đã hoàn thành kỳ thi THPT với số điểm rất cao. Vậy thời điểm đó, bố mẹ có áp đặt cho bạn một ngành nghề hay ngôi trường nào khác không?

Gia đình mình không áp đặt cho mình một kỳ vọng tại môi trường đại học nào. Mình cảm thấy may mắn khi được gia đình ủng hộ theo con đường Báo chí, hay đúng hơn là con đường mà mình lựa chọn từ đầu. Tuy nhiên, đối với mình, sự ủng hộ ấy cũng chính là động lực giúp mình phải cố gắng hơn để thành công trên chính con đường mình đã chọn.

Sắp tới là thời điểm các bạn sĩ tử đăng ký hồ sơ, nguyện vọng vào đại học. Bạn hãy dành một số lời khuyên, lời chúc để các bạn sĩ tử có lựa chọn đúng đắn ngành nghề của mình.

Các bạn sĩ tử thân mến, chúng ta yêu một ngành nghề, không đồng nghĩa với việc chúng ta có đủ những yếu tố khác để theo đuổi nó. Hãy đặt trái tim ngang bằng với lý trí để lựa chọn được ngành nghề vừa cân bằng được sở thích, năng khiếu, năng lực và với điều kiện, hoàn cảnh gia đình nhé. Đó có thể không phải là con đường mình yêu thích nhất, nhưng sẽ là chặng hành trình phù hợp nhất, giúp các bạn có một tâm thế thoải mái và tự tin trong suốt quá trình học tập và tìm kiếm cơ hội công việc sau khi ra trường.

Hằng Hoàng

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-truong-bao-da-tai-dao-khanh-tung-thanh-tich-lon-nhat-khong-phai-chuc-danh-doi-truong-post1529878.tpo