'Năm Tân Sửu, Việt Nam sẽ dập dịch Covid-19 và đón sóng đầu tư ngoại'
Giám đốc điều hành Amcham tin rằng Việt Nam sẽ dập dịch thành công. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam bước sang năm Tân Sửu với nhiều hứa hẹn hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.
Cuộc phỏng vấn của Zing với ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội, được chuyển sang trực tuyến khi diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp. Trong gần 20 năm sống và làm việc ở Việt Nam, ông Sitkoff đã đón khoảng 10 cái Tết tại Hà Nội. Nhưng Tết Nguyên đán Tân Sửu là một năm khác biệt.
Tuy nhiên, ông Sitkoff tin rằng Việt Nam sẽ một lần nữa kiểm soát thành công đại dịch, từ đó tiếp nhiệt lượng cho tăng trưởng kinh tế. Theo ông, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2021.
"Việt Nam sẽ dập dịch thành công"
- Ông có thể chia sẻ suy nghĩ về tình hình dịch bệnh hiện tại không, thưa ông?
- Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Rất nhiều quốc gia đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, bao gồm Mỹ, đất nước của chúng tôi. Việt Nam đã xử lý đại dịch rất tốt. Các báo cáo và khảo sát chỉ ra đất nước các bạn là một trong những quốc gia hàng đầu trong việc đối phó khủng hoảng lần này.
Ngoại trừ ngành kinh doanh vận tải, khách sạn và du lịch, người dân Việt Nam gần như đã trở lại cuộc sống bình thường. Đợt bùng phát mới khiến mọi người lo lắng. Tuy nhiên, tôi tin rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ có cách xử lý.
Họ vẫn đang tích cực truy vết và cách ly các trường hợp cần thiết để ngăn chặn virus lây lan. Đợt bùng phát mới có thể ảnh hưởng đến dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tôi hy vọng rằng dịch sẽ được dập nhanh chóng.
Dịch bệnh cũng làm mọi người e ngại trong việc đi du lịch hơn. Trong khi đó, việc nhiều quốc gia khác vẫn đóng cửa đã khiến những công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tôi vừa trải qua một tuần ở Hội An và là hành khách duy nhất tại khách sạn tôi ở. Thành thật mà nói, đó là một trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời khi thăm thú Đà Nẵng, Nha Trang mà không phải chen chúc với hàng nghìn du khách Trung Quốc, Nga và những du khách quốc tế khác. Tôi có thể đạp xe quanh Hội An trên các con đường vắng bóng người. Tôi chưa từng trải qua cảm giác đặc biệt như vậy trong 15-20 năm qua.
Nhưng đó là một điều khủng khiếp đối với các công ty kinh doanh và người lao động tại đây. Tôi có thể cảm nhận nỗi buồn của họ khi đi bộ xuống đường và thấy cảnh vắng lặng dù vào 7h tối ngày thứ Sáu.
Tôi cũng trò chuyện với các nhân viên làm việc trong khách sạn, những người từng làm tài xế, nhân viên cửa hàng hay bán đồ lưu niệm. Họ đã không còn việc làm hoặc mất 50% thu nhập.
Dù thích tận hưởng trải nghiệm một mình ở Hội An, tôi vẫn mong các du khách quốc tế sẽ sớm được trở lại. Bởi những người bạn mà tôi trò chuyện cần công việc và thu nhập để nuôi sống gia đình.
- Dịch bùng phát lại khi nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn sau những khó khăn năm 2020. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cần làm gì để đối phó với những trở ngại này?
- Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng thấp so với những năm trước đó. Tuy nhiên, đất nước các bạn vẫn là một trong số ít quốc gia đạt tăng trưởng kinh tế dương trên toàn thế giới, và là nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 vẫn khiến hàng triệu người Việt Nam mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Điều đó không những ảnh hưởng đến bản thân họ và gia đình, mà còn giáng đòn lên nền kinh tế.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam và FDI tại Việt Nam cần tận dụng những cơ hội mà "kỷ nguyên Covid-19" đem đến cho họ. Chẳng hạn, thông qua chương trình bán hàng toàn cầu Amazon Global Selling, các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam có thể bán hàng sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển đổi diễn ra nhanh chóng. Thay vì ngồi yên và chờ đợi thế giới phục hồi, các công ty có thể cố gắng tìm ra những cơ hội có sẵn
Dịch Covid-19 cũng thúc đẩy nền kinh tế số. Ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng trực tuyến, học và làm việc từ xa.
Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển đổi diễn ra nhanh chóng. Thay vì ngồi yên và chờ đợi thế giới phục hồi, các công ty có thể cố gắng tìm ra những cơ hội có sẵn.
Tôi đã nói chuyện với một số doanh nhân trẻ nước ngoài. Họ chia sẻ muốn khai thác cơ hội từ ngành kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh ở Việt Nam, chẳng hạn thương mại điện tử.
- Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam có những chính sách gì để giúp đỡ người lao động Việt Nam vượt qua đại dịch, thưa ông?
- Tôi rất tự hào khi các công ty Mỹ luôn có những chính sách quản lý, chính sách lao động tốt tại bất cứ quốc gia nào mà họ hoạt động. Và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu cách đây một năm, các công ty Mỹ đã nhanh chóng hành động để giữ an toàn cho người lao động Việt Nam, cung cấp những công cụ làm việc từ xa cần thiết và đảm bảo an toàn nếu người lao động phải đến nơi làm việc.
Các thành viên của Amcham Vietnam đã tăng cường khử trùng, sử dụng những biện pháp an toàn, chỉ dẫn nhân viên cách giữ an toàn và hạn chế virus lây lan. Các biện pháp trên vẫn được duy trì đến nay.
Ngay cả khi chúng ta đã ra ngoài đường, ăn uống và vui chơi như bình thường, nhiều văn phòng vẫn chưa hoạt động hết công suất. Đó là cách làm hiệu quả để đề phòng rủi ro khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại.
Vào thời điểm hiện tại, nhiều người có lẽ đang tự hỏi dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng thế nào đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tết sẽ kéo dài bao lâu đối với học sinh, có đến 12-13 tuần? Vì vậy, tôi mong mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.
Các công ty Mỹ luôn quan tâm đến lợi ích của người lao động. Những doanh nhân, nhà đầu tư mà tôi biết ở Việt Nam bảo nhau rằng giá trị cốt lõi của công ty họ là đội ngũ nhân viên tuyệt vời. Và các công ty sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ nguồn lực đó.
Triển vọng nhất thế giới
- Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam năm 2021 và những cơ hội kinh doanh tại đây, thưa ông?
- Nền kinh tế Việt Nam đang bước sang năm Tân Sửu với nhiều hứa hẹn hơn bất cứ nền kinh tế nào khác trên thế giới. Nhiều nước phát triển như Mỹ, châu Âu và một số quốc gia vẫn lao đao vì cuộc khủng hoảng Covid-19.
Điều đó sẽ tác động tích cực đến Việt Nam. Tôi biết nhiều công ty đang tìm cách dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và quan tâm tới Việt Nam. Họ muốn tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp hoặc mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình đó sẽ mất nhiều thời gian. Nhiều doanh nhân đang mắc kẹt tại New York hoặc California. Họ ở trong nhà, họp qua ứng dụng Zoom và chẳng thể bay đến Việt Nam để trao đổi với các đối tác tiềm năng, thăm nhà máy, cơ sở kinh doanh và tiến hành đánh giá.
Các yêu cầu giãn cách xã hội đã ngăn cản điều đó. Vì vậy, khi bước sang năm 2021, tôi hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát. Các nhà đầu tư có thể đến Việt Nam và dễ dàng đưa ra quyết định đầu tư vào đây.
- Ông cho rằng Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội và thu hút làn sóng FDI chất lượng cao, thưa ông?
- Việt Nam cần gia tăng hơn nữa lợi thế cạnh tranh quốc gia. Một trong những điều quan trọng nhất là các chính sách và quy định phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và gia tăng sức hút với nhà đầu tư quốc tế.
Các công ty trên khắp thế giới đang cân nhắc nhiều quốc gia để chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Chúng ta cần nhìn vào Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Mexico, thậm chí là Mỹ, và làm tốt hơn họ để giành được những khoản đầu tư đó.
Mỗi khi nhìn bất cứ công ty nào chuyển đầu tư đến Trung Quốc, Philippines hoặc Thái Lan, chúng tôi đều thấy rất tiếc. Bởi chúng tôi muốn họ tới Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cần xem xét về cơ sở hạ tầng, các chính sách thuế, chính sách hải quan, mức lương lao động, môi trường đầu tư và những chính sách đối với nhà đầu tư ngoại, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng sức hút.
- Trên thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này, thưa ông?
- Không thể nghi ngờ rằng các doanh nhân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam là động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Rất nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với những công ty như Samsung, Apple. Chính phủ Việt Nam nên tăng cường đầu tư và đưa ra các chương trình hỗ trợ nhằm giúp những doanh nghiệp này tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mọi chuyện sẽ không dễ dàng. Câu chuyện không đơn giản là bạn nói với các công ty nước ngoài: "Này, chúng tôi có thể sản xuất". Hãy nhớ rằng những nhà sản xuất lớn đã có sẵn mối quan hệ với các nhà cung cấp tên tuổi. Họ biết khả năng sản xuất và tin tưởng vào những nhà cung cấp đó.
Đã có một số công ty ở Việt Nam sản xuất linh kiện iPhone, nhưng chúng tôi muốn thấy nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, tất cả chúng ta phải kiên nhẫn. Các công ty Việt Nam cần gia tăng khả năng cạnh tranh. Một trong những biện pháp là thành thạo ngôn ngữ của các nhà cung cấp lớn, đẩy mạnh truyền thông trên Internet và mạng xã hội, tạo ra một trang web để mọi người có thể thấy và chú ý tới bạn.
Các doanh nghiệp cũng nên gia nhập những tổ chức như Amcham Vietnam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoặc các hiệp hội khác cùng lĩnh vực, để cho mọi người thấy sự hiện diện của các bạn và khẳng định rằng: "Tôi có thể làm ra những sản phẩm tốt và các vị nên chọn tôi".
Khi Việt Nam thu hút nhiều đầu tư hơn, ngày càng nhiều công ty Việt Nam cũng có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Niềm tin vào năm Tân Sửu
- Là một doanh nhân Mỹ đã sống gần 20 năm tại Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về những thay đổi trong mối quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua?
- Nếu nhìn lại 26, 27 năm trước, chúng ta khó tưởng tượng rằng các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ sẽ làm ăn với nhau. Sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ vào năm 1994, những doanh nghiệp Mỹ có thể đầu tư vào Việt Nam, Amcham Vietnam cũng được thành lập.
Kể từ đó đến nay, không chỉ hai quốc gia hợp tác kinh tế, mà con người và chính phủ hai bên cũng ngày càng thân thiết, trở thành bạn tốt và đối tác quan trọng.
Người dân và các lãnh đạo hai bên đã vượt qua bóng đen của quá khứ, nhìn vào tương lai với tư cách đối tác thân thiết. Hơn 2,5 triệu người Việt Nam sinh sống và 30.000 người học tập tại Mỹ. Đất nước chúng tôi cũng rất chào đón những du khách Việt Nam.
Trong khi đó, tôi và nhiều người khác cũng sinh sống tại Việt Nam. Tôi rất thích sống ở đất nước các bạn và tin rằng mối quan hệ giữa người dân hai nước ngày càng thân thiết hơn. Chính phủ hai nước sẽ tăng cường mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế.
- Điều gì ở Việt Nam khiến ông ấn tượng nhất trong gần 20 năm qua?
- Điều tôi ấn tượng nhất ở Việt Nam là con người. Tôi đã sống tại đất nước này gần 20 năm. Ngay cả khi thường xuyên phàn nàn, tôi vẫn thú nhận rằng Việt Nam là một nơi thực sự tuyệt vời để sống. Chính con người Việt Nam khiến đất nước trở nên khác biệt. Họ luôn thân thiện với tôi và những người Mỹ khác, hoặc các doanh nhân đang muốn làm ăn ở Việt Nam.
Tôi cũng thích biển, núi, đồ ăn và nhiều thứ khác ở Việt Nam. Khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi đã không thể thăm bố mẹ trong vòng một năm qua và điều đó khiến họ rất buồn. Tuy nhiên, một phần trong tôi thấy may mắn khi ở Việt Nam vì đây là nơi an toàn nhất thế giới.
Hy vọng mọi người sẽ có một cái Tết vui vẻ, an toàn và khỏe mạnh. Tôi muốn gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả độc giả. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta trong năm Tân Sửu
Ngay cả vào thời điểm hiện tại, bạn vẫn có thể đi làm và làm hầu hết việc muốn làm. Chính phủ Việt Nam đã chứng minh rằng dù mọi người nên lo lắng về Covid-19, Chính phủ sẽ có cách xử lý.
Dù giai đoạn hiện tại khá đáng lo, mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường và điều đó giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa. Mọi người có thể ra ngoài, gặp gỡ bạn bè, thăm gia đình và người thân.
- Ông có thử học tiếng Việt không?
- Tôi có. Tiếng Việt của tôi có thể dùng được nhưng không quá xuất sắc. Nếu tôi trò chuyện với một tài xế taxi công nghệ trong vòng 2 phút, họ có thể nghĩ rằng tiếng Việt của tôi rất tốt. Nhưng bạn sẽ nhận ra sự thật nếu cuộc trò chuyện kéo dài lâu hơn.
Thực lòng, tôi thấy xấu hổ vì đã không thể nói tiếng Việt tốt hơn dù đã ở Việt Nam đến 20 năm. Khi ở một đất nước, bạn nên thành thạo ngôn ngữ tại đó. Bởi điều này giúp bạn có thể hiểu được mọi người xung quanh đang bàn luận về điều gì.
Việc không thành thạo tiếng Việt khiến cuộc sống của tôi tại Việt Nam trở nên bớt trọn vẹn. Nhiều bạn bè của tôi rất giỏi tiếng Việt. Và nhờ đó, họ có cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy tại đây.
- Ấn tượng của ông về Tết Nguyên đán ở Việt Nam như thế nào?
- Trong 10, 12 năm đầu tiên sống ở Việt Nam, tôi thường xem Tết là một kỳ nghỉ để trở về nước vài tuần hoặc đi du lịch đâu đó. Nhưng tôi đã đón Tết tại Hà Nội 7, 8 năm nay.
Cảm giác đối với Tết phụ thuộc vào việc bạn ở đâu và làm gì trong dịp Tết. Tôi thường tận dụng dịp Tết Nguyên đán để nghỉ ngơi, thư giãn và thăm thú xung quanh.
Còn đối với người Việt Nam, đó là một dịp tuyệt vời để dành khoảng thời gian tốt đẹp bên cạnh gia đình, bạn bè và người thân, thậm chí làm những việc, nấu những món ăn, mà họ không có thời gian làm trong suốt cả năm.
Nhưng có một câu hỏi mà mọi người trăn trở khi năm Tân Sửu đến. Đó là Tết năm nay sẽ ra sao? Mọi người có thể về quê ăn Tết không? Các yêu cầu cách ly và lo ngại an toàn khiến nhiều người không thể về nhà.
Tết năm nay, lĩnh vực du lịch và khách sạn cũng bị ảnh hưởng. Dịp Tết, nhất là vào mùng 3, 4, 5 và 6, thường là thời điểm bận rộn của ngành du lịch Việt Nam. Nhưng năm nay, mọi người không chỉ lo lắng về vấn đề an toàn khi di chuyển. Họ còn sợ rằng nếu bất cứ ai nhiễm Covid-19 trên máy bay, họ và gia đình có thể phải cách ly.
Mỗi sáng thức dậy, tôi lại tìm đọc tin tức về các ca nhiễm Covid-19 mới tại Hà Nội và quyết định nên ở lại Đà Nẵng, Hội An bao lâu, hay đến bao giờ trở lại Hà Nội.
Tôi vẫn theo dõi tình hình mỗi ngày. Và hy vọng mọi người sẽ có một cái Tết vui vẻ, an toàn và khỏe mạnh. Tôi muốn gửi lời chúc mừng năm mới tới tất cả độc giả. Mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta trong năm Tân Sửu. Và tôi có thể gặp gỡ đồng nghiệp và những người bạn của mình.
Ông Adam Sitkoff giữ chức vụ Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội từ năm 2001. Ông cũng đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành và Ban thứ ký tại Hội đồng Phòng Thương mại Mỹ châu Á - Thái Bình Dương (APCAC) kể từ tháng 3/2011.
Trước khi đến Hà Nội, ông Sitkoff là nhà đồng sáng lập infohaze.com, công ty khởi nghiệp ở San Francisco, chuyên cung cấp giải pháp bảo mật hoàn chỉnh cho các cá nhân trực tuyến. Trong phần lớn thập niên 1990, ông giữ một số chức vụ trong chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và từng cố vấn cho một số công ty về các chiến lược kinh doanh quốc tế.
AmCham Vietnam là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ của các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1994 ở TP.HCM. Amcham hiện có hơn 700 doanh nghiệp thành viên và hơn 2.500 thành viên cá nhân cho các đại diện doanh nghiệp.