Năm thách thức lớn đối với 'gã khổng lồ' công nghệ Apple trong năm 2024

Vấn đề bán hàng ở Trung Quốc, cuộc chiến bằng sáng chế và sự 'chậm bước' về AI tạo sinh... là những thách thức lớn mà hãng công nghệ Apple đang phải đối diện trong năm nay.

Một cửa hàng của Apple tại Bangkok (Thái Lan). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một cửa hàng của Apple tại Bangkok (Thái Lan). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hàng loạt thách thức đối với Apple đang ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong hoạt động kinh doanh tổng thể của gã khổng lồ công nghệ này trong năm 2024.

Chỉ mới đây, Microsoft đã “soán ngôi” Apple với tư cách là công ty đại chúng có giá trị nhất, sau khi tụt lại phía sau nhà sản xuất iPhone trong suốt thập kỷ qua.

Cổ phiếu Microsoft tăng giá phần lớn nhờ vào việc đặt cược sớm và sâu rộng vào trí tuệ nhân tạo (AI) - một lĩnh vực mà Apple đến nay vẫn hầu như “im hơi lặng tiếng.”

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng Apple sẽ tìm được đường đi qua “những bãi mìn dày đặc” trong suốt cả năm.

David McQueen, Giám đốc của ABI Research cho biết: “Apple vẫn là công ty lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu tác động của những lĩnh vực ‘có vấn đề.’”

“Apple vẫn sẽ có một lượng người dùng cực kỳ trung thành để giá trị thương hiệu, sự nhận diện cũng như chất lượng của hãng không bị ảnh hưởng” - ông nói.

Dưới đây là cái nhìn sâu hơn về những gì đang ở phía trước Apple, theo CNN:

Vấn đề bán hàng ở Trung Quốc

Một trong những trở ngại lớn nhất của Apple trong năm nay sẽ là giải quyết vấn đề thị trường ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Apple đã phải gắng sức thu hút khách hàng iPhone tại quốc gia này sau khi Huawei có màn ra mắt điện thoại thông minh Mate 60 Pro cực kỳ thành công.

Apple gần đây đã đưa ra các mức giảm giá tạm thời cho iPhone và các sản phẩm khác tại Trung Quốc, với mức giảm khoảng 70 USD cho iPhone. (Mac và iPad cũng được giảm giá mạnh). Việc những người bán sản phẩm Apple giảm giá là điều bình thường, nhưng bản thân Apple hiếm khi giảm giá.

Động thái này khiến người ta phải ngạc nhiên về việc iPhone đang hoạt động tốt như thế nào tại một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple. Thị trường này đã thúc đẩy khoảng 20% doanh thu của công ty vào năm ngoái. Một báo cáo gần đây của Reuters ghi nhận doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm 30% trong tuần đầu tiên của năm trước áp lực từ đối thủ Huawei.

Dan Ives, nhà phân tích tại Công ty Nghiên cứu Thị trường Wedbush, gọi Trung Quốc “vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn nhất” của Apple. Bất chấp sự cạnh tranh ngày càng tăng, ông cho biết Trung Quốc có khoảng “100 triệu iPhone đang chờ cơ hội nâng cấp.”

Cuộc chiến bằng sáng chế đang diễn ra

Một trong những sản phẩm phổ biến nhất của Apple, Apple Watch, hiện vẫn bị cấm ở Mỹ vì lý do một trong những tranh chấp bằng sáng chế quan trọng nhất vẫn tiếp tục diễn ra.

Mới đây, Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ đã khôi phục lệnh cấm đối với một số phiên bản cao cấp hơn của Apple Watch. Apple đã yêu cầu hoãn lại lệnh cấm trong khi kháng cáo phán quyết của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) có hiệu lực vào tháng trước.

 Mẫu đồng hồ thông minh Apple Watch 9 hiển thị nồng độ nồng độ oxy trong máu tại Los Angeles (Mỹ), ngày 26/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mẫu đồng hồ thông minh Apple Watch 9 hiển thị nồng độ nồng độ oxy trong máu tại Los Angeles (Mỹ), ngày 26/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phán quyết của ITC đã ngăn Apple nhập khẩu Apple Watch Series 9, Apple Watch Ultra 2 và các mẫu mới hơn khác sang Mỹ - do vi phạm bằng sáng chế máy đo nồng độ oxy trong máu của Công ty Y tế Masimo.

Apple đã bán được 49 triệu chiếc đồng hồ thông minh vào năm 2022, và khoảng 26,7 triệu chiếc trong chín tháng đầu năm 2023. Lệnh cấm có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả bán hàng trong thời gian tới.

Jitesh Ubrani, Giám đốc Nghiên cứu tại Công ty Nghiên cứu Thị trường IDC, cho biết danh tiếng của Apple cũng đang bị ảnh hưởng. “Suy cho cùng, không ai muốn bị phát hiện vi phạm bằng sáng chế.”

Chưa rõ tranh chấp sẽ kéo dài bao lâu, hoặc liệu Apple có giải quyết vụ kiện hay không.

“Đi sau một bước” về AI tạo sinh

Các công ty công nghệ lớn, bao gồm Microsoft, Meta, Google và Samsung, đang tiếp tục triển khai những tính năng AI tạo sinh cho các dịch vụ, máy tính và điện thoại thông minh của họ. Tuy nhiên, Apple gần như vẫn “im lặng” trong lĩnh vực này.

Công ty được đồn đại sẽ giới thiệu các tính năng Siri mới được hỗ trợ bởi AI trong bản phát hành iOS 18 vào cuối năm nay. Một số tính năng AI tạo sinh trên thiết bị cũng có thể trở thành độc quyền của các mẫu iPhone 16, một phần nhờ vào các chip tùy chỉnh của máy.

Nhưng những đổi mới về AI trên những chiếc smartphone hàng đầu không hoàn toàn mới.

Dòng Pixel 8 mới nhất của Google, ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, đã có nhiều tính năng AI và dòng Galaxy S24 của Samsung, sẽ “lên kệ” vào cuối tháng này, có tích hợp các công cụ hỗ trợ AI như dịch thuật thời gian thực, tìm kiếm dựa trên AI tạo sinh và nhiều tính năng chỉnh sửa ảnh được cập nhật.

 Khách hàng trải nghiệm các sản phẩm của Apple tại cửa hàng ở New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khách hàng trải nghiệm các sản phẩm của Apple tại cửa hàng ở New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù khó có khả năng người tiêu dùng sẽ chuyển sang các thương hiệu khác dành riêng cho các tính năng AI, nhưng sau cùng họ sẽ mong đợi Apple cung cấp các tính năng tương tự hoặc cao cấp hơn.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple tụt lại phía sau trong các lĩnh vực mới nổi, chẳng hạn như 4G, 5G và màn hình gập, mặc dù không lĩnh vực nào trong số các “mảng” này gây ra bước thụt lùi đáng kể.

McQueen cho biết mặc dù các đối thủ cạnh tranh của Apple - điển hình là Samsung - sẽ “có quyền khoe khoang” và “có thể chỉ ra điểm yếu về AI này,” ông đặt câu hỏi liệu khách hàng có thực sự biết họ đang nhận được gì với AI trên thiết bị hay không và tại sao nó đáng để nâng cấp.

Mối lo ngại về doanh thu

Áp lực buộc Apple phải tăng doanh số bán hàng trên các danh mục sản phẩm khác của mình.

Hồi tháng 11, Apple đã công bố doanh số bán hàng giảm trong quý thứ tư liên tiếp, đặc biệt là với doanh số bán máy Mac và iPad. Tuy nhiên, doanh thu iPhone lại tăng 3% lên 43,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, Barclays đã hạ bậc cổ phiếu Apple vào đầu tháng này với lý do doanh số bán iPhone 15 đáng thất vọng ở Trung Quốc và nhu cầu đối với iPhone mới nhất sụt giảm. iPhone 16 thế hệ tiếp theo sẽ ra mắt vào cuối năm nay dự kiến cũng sẽ chỉ có những nâng cấp “từng bước.”

Apple cũng phải đối mặt với những thách thức xung quanh việc ra mắt bộ headset Vision Pro sắp tới - đây sẽ là lần ra mắt sản phẩm rủi ro nhất của hãng trong nhiều năm.

Công ty sẽ phải chứng minh một thiết bị kết hợp cả thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) - công nghệ phủ hình ảnh ảo lên video trực tiếp của thế giới thực - thực sự là tương lai của điện toán.

Và đó sẽ không phải là một sản phẩm dễ bán: Mặc dù có tính đổi mới nhưng Vision Pro vẫn là một chiếc máy tính cồng kềnh trị giá 3.499 USD mà bạn đeo trên mặt.

Những quy tắc mới

Một số công ty công nghệ lớn được Liên minh châu Âu (EU) coi là “những người gác cổng” thống trị, bao gồm cả Apple, sẽ phải thực hiện các quy tắc nền tảng mới trong năm nay.

Điều này đồng nghĩa Apple có thể phải từ bỏ quyền kiểm soát độc quyền về cách phân phối ứng dụng iOS - một động thái cuối cùng có thể ảnh hưởng đến doanh thu của hãng.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật Số (DMA) mới, được thông qua vào năm 2022, nhằm mục đích thúc đẩy cạnh tranh dịch vụ trực tuyến. Một số thay đổi được đề xuất rõ ràng nhất đối với người dùng EU liên quan đến ứng dụng, chẳng hạn như cách bạn có thể cài đặt chúng và những gì có thể được cài đặt sẵn trên thiết bị.

 Điện thoại iPhone 15 Pro của Apple được giới thiệu tại Cupertino, California (Mỹ), ngày 12/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điện thoại iPhone 15 Pro của Apple được giới thiệu tại Cupertino, California (Mỹ), ngày 12/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một thay đổi sẽ yêu cầu các hệ điều hành thống trị phải cho phép tồn tại các “app store” (cửa hàng ứng dụng) nhỏ hơn của bên thứ ba, cũng như khả năng cài đặt ứng dụng từ bất kỳ đâu bên ngoài “app store” chính thức.

Mặc dù Google đã cho phép cả hai trên nền tảng Android, Apple vẫn duy trì quyền kiểm soát chặt chẽ đối với các ứng dụng iPhone. Apple và các công ty khác trong ngành đã lập luận rằng việc mở hệ điều hành theo cách này có thể khiến người dùng dễ tải xuống nhiều ứng dụng độc hại hơn.

Theo quy định mới, các cửa hàng ứng dụng thống trị sẽ không thể xóa danh sách các ứng dụng từ chối sử dụng hệ thống thanh toán độc quyền của “người gác cổng” - một vấn đề được nêu bật gần đây nhất trong vụ kiện chống độc quyền của Apple với Epic Games.

Phần lớn doanh thu từ cửa hàng ứng dụng của Apple đến từ khoản cắt giảm 30% mà họ nhận được thông qua các kênh thanh toán từ việc bán hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số trong ứng dụng, vì vậy các điều khoản này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình kinh doanh của công ty.

Trong tháng này, Tòa án Tối cao Mỹ đã từ chối xem xét đơn kháng cáo của Apple và Epic trong vụ việc, để lại phán quyết của tòa án cấp dưới kết luận rằng Apple độc quyền phân phối ứng dụng một cách bất hợp pháp. Quyết định không xét xử vụ việc cũng giữ nguyên hiệu lực lệnh cấm yêu cầu Apple sửa đổi một số điều khoản dành cho nhà phát triển.

Công ty chưa chia sẻ quá nhiều chi tiết khác về kế hoạch tuân thủ luật pháp nhưng thời hạn đầu tháng Ba đang đến gần./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nam-thach-thuc-lon-doi-voi-ga-khong-lo-cong-nghe-apple-trong-nam-2024-post923479.vnp