Nam thanh niên bị tâm thần vì hút cần sa, bóng cười, thuốc lá điện tử suốt 1 năm

Nhập viện với nhiều triệu chứng của bệnh tâm thần, nam thanh niên tại Hà Nội cho biết thường xuyên hút cần sa, bóng cười, thuốc lá điện tử trong vòng 1 năm vừa qua.

Mới đây, bệnh viện Đa khoa Medlatec (Hà Nội) vừa tiếp nhận nam thanh niên, 19 tuổi ở Hà Nội đến khám bệnh.

Theo bệnh nhân, gần đây trong người luôn cảm thấy mệt mỏi, run tay chân, bồn chồn, lo lắng, quên trí nhớ gần, giảm tập trung công việc, giảm các thú vui, sở thích, khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay cáu gắt, thường xuyên có xung đột với mọi người xung quanh, thích ở một mình, có cơn hồi hộp, ăn uống kém ngon miệng.

Khi xuất hiện những triệu chứng nói trên, bệnh nhân cho biết đã bị ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hằng ngày, đi kèm với đó là thường xuyên quên, giảm tập trung và không còn hứng thú trong công việc.

 Bóng cười và các chất kích thích được giới trẻ sử dụng để chứng minh cho trào lưu thời thượng. (Ảnh minh họa).

Bóng cười và các chất kích thích được giới trẻ sử dụng để chứng minh cho trào lưu thời thượng. (Ảnh minh họa).

Theo chia sẻ của bệnh nhân, hơn 1 năm có hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử. 4 tháng nay, bệnh nhân không còn sử dụng bóng cười nhưng vẫn sử dụng cần sa, thuốc lá điện tử.

BSCKII. Nguyễn Đình Tuấn - Chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết, khi khám toàn thân về mạch, huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân không có gì bất thường. Tuy nhiên, khám tâm thần có rối loạn hành vi, hưng cảm nhẹ, có hoang tưởng bị hại và một số triệu chứng tâm thần khác.

Bệnh nhân có chẩn đoán ban đầu là rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác, vì vậy, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm hóa sinh và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh phát hiện dương tính với THC (cần sa- marijuana), kết quả xét nghiệm sinh hóa khác có một số biến đổi.

Sau thăm khám cụ thể, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (Hội chứng nghiện-F12.2) nên được tư vấn điều trị nội trú theo chuyên khoa.

 Bác sĩ tư vấn cho nam thanh niên có tiền sử hút thuốc lá điện tử, bóng cười và cần sa. (Ảnh do bệnh viện cung cấp).

Bác sĩ tư vấn cho nam thanh niên có tiền sử hút thuốc lá điện tử, bóng cười và cần sa. (Ảnh do bệnh viện cung cấp).

Theo bác sĩ, sử dụng cần sa, hút thuốc lá điện tử, hay hít bóng cười mang lại cho người sử dụng cảm giác hưng phấn, thư thái, khoái cảm… nhưng việc sử dụng những chất gây nghiện này được xem là “combo” chất xúc tác gây hại sức khỏe. Trong đó, cần sa ảnh hưởng đến cơ thể rất nghiêm trọng và lâu dài, ở cả 3 phương diện là não bộ, thể chất, tâm thần.

Ở thanh thiếu niên, việc sử dụng cần sa có thể làm suy giảm chức năng suy nghĩ, trí nhớ, học tập, hút cần sa có thể ảnh hưởng hô hấp, tăng nhịp tim, gây buồn nôn, nôn dữ dội.

Với những trường hợp sử dụng chất gây nghiện như hút bóng cười, cần sa, hút thuốc lá điện tử, bác sĩ cho biết thường gặp ở các đối tượng việc làm không ổn định, gia đình bất chắc, do sự buông lỏng, hoặc không quản lý chặt chẽ từ phía gia đình khiến tình trạng này càng xảy ra nhiều ở giới trẻ.

Theo bác sĩ, đáng lo ngại là tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học đường ngày càng gia tăng, do lớp trẻ coi đây như một trào lưu thời thượng, sự khẳng định bản thân nên ban đầu dù chỉ là thử cảm giác, tuy nhiên sau đó đã bị lôi cuốn bởi cảm giác sảng khoải, vui vẻ, hưng phấn mà không thể “cai” được.

Lê Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-thanh-nien-bi-tam-than-vi-hut-can-sa-bong-cuoi-thuoc-la-dien-tu-suot-1-nam-post259293.html