Năm thất bát của vua tôm Minh Phú, riêng quý IV/2024 lỗ 190 tỷ
Giá vốn tăng cao nên dù đã nỗ lực tiết giảm chi phí bán hàng, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) ghi nhận số lỗ tới 190 tỷ đồng trong quý IV/2024, nâng số lỗ cả năm lên gần 235 tỷ đồng. Đây là năm lỗ trăm tỷ liên tiếp thứ 2 của đơn vị này.
Đặt kế hoạch kỷ lục nhưng thua lỗ "kỷ lục"
Theo BCTC hợp nhất quý IV và cả năm 2024 vừa công bố, doanh thu quý IV của Minh Phú tăng 21% lên gần 3.900 tỷ đồng, nhưng giá vốn tăng cao hơn với 29% nên dù đã cố gắng tiết giảm chi phí bán hàng tới 30%, doanh nghiệp vẫn báo lỗ sau thuế 190 tỷ, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 9 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết. Theo giải trình, MPC cho biết hiệu quả kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm và sản xuất giống thấp do trái vụ thu hoạch. Dù tiết giảm mạnh chi phí bán hàng, chi phí tài chính và tăng doanh thu tài chính, Công ty vẫn không tránh được kết quả lỗ.
Tính chung cả năm 2024, MPC lỗ hơn 240 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, dù doanh thu có tăng 38% lên hơn 14.700 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp năm qua chỉ đạt 7,6%, thấp hơn mức đáy của năm 2016, trong khi các chi phí khác không có biến động đáng kể. Tính trung bình mỗi ngày hoạt động, doanh nghiệp thua lỗ tới hơn 640 triệu đồng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_365_51468575/8644899db8d3518d08c2.jpg)
Năm 2024, Minh Phú đặt ra kế hoạch sản xuất và xuất khẩu được 56.000 tấn tôm với giá trị xuất khẩu 630 triệu USD. Phấn đấu chế biến và xuất khẩu được 70.000 tấn với giá trị xuất khẩu 720 triệu USD.
Kế hoạch doanh thu đạt 15.806 tỷ, tăng 45% so với năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 1.021 tỷ đồng. Như vậy, “vua tôm” còn cách rất xa kế hoạch đặt ra.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ hồi tháng 6/2024, ban lãnh đạo Minh Phú kỳ vọng phương pháp nuôi tôm theo công nghệ mới và việc gia tăng thị phần tại thị trường nội địa sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu lợi nhuận. Theo Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Lê Văn Quang, về mặt chiến lược các thị trường, hiện tại, thị trường Việt Nam 100 triệu dân nhưng doanh nghiệp mới chỉ bán cho 1%. Trong khi đó, Minh Phú cung cấp đến khoảng 20% tại các thị trường Mỹ, Australia... Theo đó, ban lãnh đạo đang tìm cách để đưa sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng Việt nhiều hơn.
Với thị trường Mỹ, hoạt động xuất khẩu của Minh Phú không còn đáng kể như trước. Ông Quang lý giải những năm trước đây Ecuador và Ấn Độ còn kém xuất khẩu vào thị trường này. Tuy nhiên sau đó, các nước này bắt đầu xuất khẩu mạnh tay, hơn nữa còn bán bất chấp giá, Ecuador thậm chí còn lỗ. Công ty chủ trương sẽ bán vào thị trường Mỹ với 20%.
Đồng thời, doanh nghiệp thủy sản nhìn sang Trung Quốc, là đất nước có hơn 1 tỷ dân, sức tiêu thụ rất lớn, lại có biên giới với Việt Nam giúp tránh những rủi ro về vận chuyển đường dài trên biển. Do đó, Minh Phú định hướng để tăng bán hàng vào thị trường tiềm năng này lên 10%, sau đó là 20% và cao hơn trong tương lai.
Theo ông Quang, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Minh Phú đặt chiến lược trọng tâm phấn đấu đến năm 2030 giá thành tôm nguyên liệu Việt Nam bằng giá Ecuador, với các giải pháp cụ thể như sau: hoàn thiện và đẩy mạnh sản xuất tôm giống theo Công nghệ sinh học MPBiO, phấn đấu đến năm 2035 Minh Phú sản xuất được 15 tỷ post; hoàn thiện và đẩy mạnh nuôi tôm thương phẩm theo Công nghệ sinh học MPBiO, phấn đấu đến năm 2035 Minh Phú tự cung cấp được 50% nhu cầu tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của mình.
Trích lập dự phòng tại 2 công ty con nuôi tôm sinh học bằng hơn 50% vốn gốc
Về tình hình tài chính, tổng tài sản đến cuối năm 2024 của MPC giảm 7% so với đầu năm, xuống còn 9.500 tỷ đồng, do hàng tồn kho giảm tới 21%, tương đương hơn nghìn tỷ đồng.
Khoản vay nợ cả ngắn hạn và dài hạn đã giảm 16%, xuống còn gần 3.200 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giảm mạnh từ 775 tỷ đồng xuống còn 140 tỷ đồng do khoản lỗ lớn và chi trả cổ tức.
Đáng chú ý, trong các khoản đầu tư vào công ty con, Minh Phú tiếp tục trích lập dự phòng tại công ty con Minh Phú Lộc An và Minh Phú Kiên Giang hơn 50% vốn gốc. Đây là 2 công ty đang áp dụng quy trình nuôi tôm mới MPBio.
![MPC trích lập dự phòng 2 công ty con hơn 50% giá gốc. Nguồn: MPC.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_365_51468575/688c6655571bbe45e70a.jpg)
MPC trích lập dự phòng 2 công ty con hơn 50% giá gốc. Nguồn: MPC.
Dù đang trong quá trình sử dụng công nghệ mới nhưng Tổng Giám đốc Lê Văn Quang từng thừa nhận việc đổi mới kỹ thuật đang gặp khó khăn do thói quen canh tác lâu năm của người nông dân Việt Nam, khiến việc áp dụng gặp thách thức. Lãnh đạo tin rằng nếu thành công, giá thành tôm sẽ xuống thấp, và kỳ vọng sẽ bán được trên 70.000 tấn.
“Hiện tại công ty đang chuyển giao công nghệ này (công nghệ sinh học MPBiO - PV) cho bà con nuôi tôm, họ cũng đang nuôi thành công”. Vị lãnh đạo hy vọng trong thời gian tới khi chuyển giao, nhiều người sẽ áp dụng, giá tôm nguyên liệu Việt Nam sẽ giảm. Giả định giá nguyên liệu thấp hơn Ecuador, trong khi Việt Nam chế biến tốt hơn nước bạn nhiều, thì lợi nhuận sẽ rất khả quan.
Kinh doanh thua lỗ, thế nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Minh Phú ghi nhận hơn 1.200 tỷ, chủ yếu năm ở hàng tồn kho với 1.155 tỷ. Dòng tiền đầu tư âm 260 tỷ, chủ yếu nằm tại các tài sản cố định, tài sản dài hạn và cho vay, gửi kỳ hạn, mua lại công cụ nợ của đơn vị khác. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm tới 906 tỷ đồng, do công ty chỉ thu được hơn 10 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, nhận góp vốn của cổ đông không kiểm soát và hơn 12.500 tỷ từ tiền vay ngắn hạn, dài hạn, thế nhưng lại chi tới hơn 13.000 tỷ trả nợ gốc vay và 307 tỷ cho cổ tức. Nhìn chung, tiền và tương đương tiền cuối kỳ còn 520 tỷ đồng.