Kiến nghị gỡ vướng pháp lý bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, năm 2025, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn pháp lý cho thị trường bất động sản, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giải phóng nguồn cung cho thị trường bất động sản
![Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51469807/66e311592017c9499006.jpg)
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, năm 2025, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 16% và sẽ điều chỉnh linh hoạt. "Nếu lạm phát ở mức thấp, NHNN có thể tăng tín dụng để kích thích tăng trưởng. Nếu có dấu hiệu rủi ro, chính sách tín dụng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo ổn định vĩ mô", bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Một trong những ưu tiên của NHNN năm nay là thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ khai thác mạnh mẽ tín dụng tiêu dùng. Cùng với đó, từ tháng 1/2026, hàng hóa xuất khẩu vào nhiều thị trường quốc tế sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Vì vậy, tín dụng xanh trở thành một yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các dự án thân thiện với môi trường, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp khi xuất khẩu.
“Bên cạnh đó, cần phải giải phóng các nguồn vốn còn nằm đọng nhiều năm nay tại các dự án hạ tầng, dự án bất động sản và một số dự án ngành Công thương, trong đó vốn tín dụng chiếm tỷ trọng khá lớn”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Để thúc đẩy tăng trưởng và kiến tạo nền tảng vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, lãnh đạo Vietcombank kiến nghị thời gian tới, chủ trương của Chính phủ giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ triển khai các dự án lớn.
![Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51469807/42d33a690b27e279bb36.jpg)
Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trên cơ sở khuôn khổ pháp lý đã có những hoàn thiện đáng kể trong năm 2024 (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua…), cũng như quy hoạch của 6 vùng kinh tế xã hội và đại đa số các tỉnh đã được phê duyệt, Vietcombank kiến nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan ban hành các văn bản nhanh chóng tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn cung cho thị trường, đặc biệt ở các phân khúc tiềm năng, tạo ra dư địa cho tăng trưởng tín dụng mới cho cả khách hàng bán buôn và bán lẻ.
“Chính phủ nhanh chóng phân định các đầu mối với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng tại các bộ, ngành sau khi sắp xếp, tinh giản theo tinh thần Nghị quyết 18, nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi liên hệ công tác, hạn chế khả năng xảy ra tình trạng ùn tắc công việc do chậm xác định được bộ phận/đầu mối xử lý”, ông Nguyễn Thanh Tùng đề xuất.
Theo Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ một số đối tác lớn. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng chiến lược để gia tăng tính tự chủ, tự cường và khả năng chống chịu của nền kinh tế; đồng thời, xây dựng các kịch bản ứng phó với các biện pháp cấm vận kinh tế, bảo hộ thương mại và chiến tranh thương mại, đặc biệt từ các quốc gia lớn như Mỹ. Các giải pháp phòng ngừa và ứng phó là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Ông Phan Đức Tú kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành các quy định phân loại phát triển các dự án xanh với mục tiêu xây dựng sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế; xác định rõ các lĩnh vực và ngành nghề ưu tiên, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng cho vay và các doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt thu hút các dự án xanh.
Sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư trong tín dụng
![Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: Dương Giang/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51469807/dd50a7ea96a47ffa26b5.jpg)
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
“Vấn đề làm sao phải có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025”, Phó Thống đốc cho biết.
Để góp phần hiện thực hóa tăng trưởng, TPBank cam kết triển khai chính sách tăng trưởng tín dụng hiệu quả, bền vững, đảm bảo tăng trưởng tín dụng tối thiểu 16% room tín dụng được cấp và có thể vượt mức tăng trưởng năm 2024, nếu thuận lợi.
Về sử dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động tín dụng, năm 2025, TPBank sẽ tiếp tục khai thác dữ liệu dân cư theo Đề án 06 để mở rộng tài chính toàn diện, giúp người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa - những đối tượng chưa có lịch sử tín dụng - tiếp cận vốn chính thống.
TPBank kiến nghị Bộ Công an nâng cao năng lực khai thác dữ liệu, xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng dân cư, giúp ngân hàng đánh giá khách hàng chính xác, rút ngắn thời gian xét duyệt và kiểm soát rủi ro. Đồng thời, đề xuất kết nối dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu an sinh xã hội khác (bảo hiểm xã hội, y tế, thuế…) để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) định danh và chấm điểm khả tín khách hàng tốt hơn, theo đó phát triển gói tín dụng đặc thù và thúc đẩy tín dụng an toàn.
![TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51469807/8c580de53cabd5f58cba.jpg)
TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank.
Theo TS Nguyễn Thị Phương Thảo, Nhà sáng lập, Phó Chủ tịch Thường trực HDBank, để thúc đẩy phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên tín dụng ngân hàng, HDBank kiến nghị Chính phủ thúc đẩy phát triển thị trường vốn; đồng thời NHNN giữ ổn định lãi suất, hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội, phát triển tín dụng số hóa và điều hành tỷ giá linh hoạt để thúc đẩy xuất khẩu.
Để góp phần thúc đẩy Chương trình Chuyển đối số Quốc gia, HDBank đã thành lập và hỗ trợ hoạt động của quỹ đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) nhằm xây dựng các sản phẩm công nghệ “Make-in-Vietnam”; sẵn sàng nguồn vốn tài trợ cho các doanh nghiệp, ưu tiên lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao.