Nắm thời cơ, vượt thách thức, bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ có bài viết với tiêu đề 'Nhìn lại thế giới năm 2024 và dự báo trong năm 2025', trong đó nhấn mạnh năm 2025, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; sẵn sàng trước các tình huống phức tạp của tình hình thế giới.
TTXVN trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
Năm 2024, tình hình thế giới đã chứng kiến những biến động sâu sắc với các thách thức và cơ hội đan xen. Trong bối cảnh cục diện đa cực, đa trung tâm đang định hình, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, sự gia tăng các điểm nóng - xung đột, và các vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục diễn biến căng thẳng, phức tạp. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là mục tiêu chung mà phần lớn các quốc gia và dân tộc hướng tới. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào năm 2025, sẵn sàng nắm bắt thời cơ để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thế giới năm 2024: Biến động và lo ngại
Năm 2024, thế giới chứng kiến nhiều biến động phức tạp về an ninh, chính trị, công nghệ, môi trường…; tâm lý lo ngại bao trùm nhiều nước và khu vực trên thế giới. Một số đặc điểm nổi bật của tình hình thế giới năm 2024 là:
Thứ nhất, môi trường an ninh quốc tế biến động mạnh mẽ, tiềm ẩn rủi ro lớn. Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất số lượng các cuộc xung đột vũ trang trên toàn thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới II, với tổng số hơn 120 cuộc xung đột liên quan đến hơn 60 quốc gia. Các xung đột nghiêm trọng trên thế giới hiện nay như chiến sự giữa Nga và Ukraine, chiến sự tại Dải Gaza… đều có những bước leo thang nguy hiểm. Đáng chú ý, nguy cơ chiến tranh hạt nhân xuất hiện trở lại trong bối cảnh Nga cảnh báo chiến tranh hạt nhân; hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân là Israel và Iran đã xung đột quân sự trực tiếp; các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc đều sửa đổi hoặc nhắc lại học thuyết hạt nhân, tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Thứ hai, tình hình nội trị nhiều nước có biến động mạnh. Năm 2024 là năm “siêu bầu cử” với hơn 70 nước, chiếm khoảng một nửa dân số thế giới, tổ chức các cuộc bầu cử Tổng thống, quốc hội hoặc địa phương. Các chính quyền mới nhậm chức phải đối mặt với nhiều vấn đề nội trị phức tạp về kinh tế, xã hội, môi trường cũng như sự chống đối của các lực lượng đối lập. Tư tưởng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa quay trở lại, giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tại nhiều nước; khiến chính phủ các nước này gặp biến động mạnh.
Thứ ba, các cơ chế đa phương vẫn đang nỗ lực khẳng định vai trò trước các vấn đề quốc tế. Năm 2024, Liên hợp quốc đã thành công trong việc đưa ra các văn kiện của Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai; thông qua 3 nghị quyết về trí tuệ nhân tạo; đạt nhất trí về Tiêu chuẩn chất lượng tín chỉ các-bon tại COP29; công ước tội phạm mạng được thông qua sau nhiều năm đàm phán… Các nỗ lực này đã thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế để ứng phó với các vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, các cơ chế đa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bế tắc trong việc tìm giải pháp cho nhiều cuộc xung đột tại khu vực trong huy động ý chí và nguồn lực để ứng phó với các vấn đề an ninh toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các cơ chế hợp tác liên kết theo nhóm nhỏ và theo lĩnh vực đang nổi lên, thể hiện tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn.
Thứ tư, các vấn đề toàn cầu mang tính liên thông, đan xen phức tạp và bất thường hơn. Năm 2024 trở thành năm nóng nhất lịch sử với việc lần đầu tiên nhiệt độ trái đất tạm thời vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây cũng là một trong những năm có nhiều thảm họa thiên nhiên với hậu quả thảm khốc tại nhiều nước ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á, và châu Âu. Nguy cơ khủng hoảng năng lượng cao hơn trong bối cảnh các công nghệ mới, đặc biệt trí tuệ nhân tạo đang và sẽ tiếp tục sử dụng rất nhiều năng lượng; khiến nhiều nước cân nhắc quay trở lại các dự án năng lượng điện hạt nhân.
Trong khi đó, sự gia tăng và già hóa dân số thế giới làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, thúc đẩy di cư quốc tế, và giảm nguồn lực cho an ninh và phát triển. Đại dịch COVID-19 vẫn còn để lại những hậu quả nặng nề trong khi thế giới vẫn đứng trước nguy cơ của các đại dịch khác với sự xuất hiện của nhiều virus có độc lực hoặc khả năng lây lan nhanh như virus Marburg, Nipah, Dengue, Ebola, hay bệnh X… Các thách thức an ninh khác như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, di cư bất hợp pháp, tội phạm xuyên quốc gia… cũng đều xuất hiện các phức tạp mới, đan xen lẫn nhau với hậu quả ngày càng nghiêm trọng và lan rộng.
Thế giới năm 2025: Thách thức và kỳ vọng
Bước sang năm 2025, thế giới dự kiến sẽ đứng trước những biến động mới. Tình hình này đặt ra cả những thách thức và cơ hội đan xen. Dự báo một số vấn đề nổi bật của thế giới năm 2025 là:
Một là, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có thể sẽ bước vào giai đoạn căng thẳng, toàn diện hơn. Cạnh tranh được dự báo sẽ bao trùm mọi lĩnh vực trong quan hệ quốc tế, nổi bật là các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chính trị ngoại giao, thậm chí có thể mở ra các lĩnh vực và không gian mới như Bắc Cực, khoảng không vũ trụ, đáy biển… Các tập hợp lực lượng do các nước lớn dẫn dắt có thể sẽ nổi lên nhằm phục vụ các mục tiêu cạnh tranh chiến lược. Tuy nhiên, đối thoại và hợp tác vẫn được duy trì nhằm quản lý quan hệ, tránh đổ vỡ toàn diện. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, các nước tầm trung và đang phát triển đẩy mạnh tự chủ chiến lược, thành lập và tham gia vào các cơ chế đa phương mới để tìm cách xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn.
Hai là, một số điểm nóng cũ giảm căng thẳng trong khi các điểm nóng mới có thể bùng phát. Các điểm nóng lớn nhất hiện tại như xung đột Nga - Ukraine, xung đột giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo, chiến sự tại Syria… có thể sẽ hạ nhiệt trong bối cảnh các bên tham chiến mệt mỏi, thương vong thường dân tăng cao và sức ép ngày càng tăng từ cộng đồng quốc tế muốn có giải pháp ngừng bắn. Tuy nhiên, các cuộc xung đột này có thể đạt giải pháp lâu dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến trên chiến trường, quyết tâm đạt thỏa thuận của các bên, sức ép của cộng đồng quốc tế… Trong khi đó, các điểm nóng khu vực khác tại nhiều nơi có thể sẽ tăng nhiệt dưới tác động của cạnh tranh giữa các nước lớn, sự xuất hiện của các khoảng trống quyền lực ở một số nơi, và tính toán sai lầm của các bên tham gia.
Ba là, kinh tế thế giới sẽ duy trì đà tăng trưởng nhưng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. GDP toàn cầu năm 2024 dự báo tăng 3,2%, cao hơn năm 2023 và các dự đoán cuối năm 2023, và dự kiến sẽ có tốc độ tăng tương tự trong năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của thế giới không đồng đều phụ thuộc vào sự ổn định chính trị và khả năng các nước tận dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Xu hướng phân mảnh và điều chỉnh chuỗi cung trên thế giới sẽ tiếp tục diễn ra trong bối cảnh các nước lớn gia tăng cạnh tranh.
Bốn là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ mang lại những thành tựu vượt bậc khi các thành tựu ở từng lĩnh vực riêng lẻ như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, máy tính lượng tử, y tế, công nghệ không gian… đan xen và kết hợp với nhau. Nhiều công nghệ đột phá như AI, 6G, điện toán đám mây… sẽ đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh về công nghệ sẽ gay gắt hơn không chỉ giữa các công ty mà cả giữa các quốc gia. Cộng đồng quốc tế đứng trước nhu cầu ngày càng lớn giữa việc tận dụng các thành tựu công nghệ cho phát triển và xây dựng các cơ chế quản lý để các thành tựu này không gây tác động xấu về an ninh, quyền con người, và đạo đức xã hội. Các nước đang phát triển nếu không thích ứng được xu hướng công nghệ có thể sẽ bị tụt hậu ngày càng xa.
Năm là, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm phát triển của thế giới, nơi có nhiều nền kinh tế lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn nhiều xung đột tiềm tàng do tình hình phức tạp tại nhiều nơi, trong đó có Triều Tiên, Đài Loan, Biển Đông, Myanmar và nhiều nơi khác. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn để tranh giành vị thế và ảnh hưởng. ASEAN, dưới vai trò Chủ tịch năm 2025 của Malaysia, sẽ nỗ lực củng cố vai trò trung tâm; các cơ chế và liên kết đa phương khác của khu vực sẽ tiếp tục xuất hiện và được củng cố.
Việt Nam trước ngưỡng cửa năm 2025
Bước vào năm 2025, Việt Nam có cả thuận lợi và thách thức. Về thách thức, Việt Nam có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong xử lý quan hệ giữa các nước lớn; các điểm nóng xung quanh sẽ có thể có phức tạp mới; chịu tác động mạnh hơn từ các vấn đề toàn cầu và an ninh mới trong bối cảnh các vấn đề này bị các nước lớn coi nhẹ. Về thuận lợi, Việt Nam có cơ hội bứt phá nhanh nhờ các thành tựu công nghệ mới của thế giới; làm sâu sắc hơn quan hệ với tất cả các bên; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; và phát huy vai trò có trách nhiệm hơn đối với các vấn đề quan tâm chung của thế giới.
Trong bối cảnh đó và để kỷ niệm 80 năm giành độc lập cùng các ngày lễ lớn khác trong năm 2025, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, Việt Nam cần tiếp tục kiên trì triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; sẵn sàng trước các tình huống phức tạp của tình hình thế giới. Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất trong nước và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; có các biện pháp thu hút đầu tư trong các ngành công nghệ chiến lược và hướng tới tự chủ công nghệ trong nước. Việt Nam cần tiếp tục dựa vào các cơ chế đa phương để phát huy tiếng nói; tìm ra được các lĩnh vực và vấn đề mà Việt Nam có thế mạnh để phát huy tại các cơ chế đa phương; không ngừng theo dõi sát tình hình và có các điều chỉnh phù hợp với tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp.
Năm 2025 được dự báo là một năm có nhiều biến động phức tạp; nhưng sẽ vẫn có những cơ hội và triển vọng hợp tác. Đối thoại và hợp tác quốc tế vẫn là xu hướng lớn; kinh tế thế giới giữ đà tăng trường; các cơ chế đa phương đứng trước cơ hội cải tổ để hướng tới quản trị toàn cầu hiệu quả hơn. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để Việt Nam tận dung cơ hội, chuyển hóa thách thức thành động lực phát triển, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.