Nam Trực phát triển phong trào văn nghệ quần chúng
Phong trào văn nghệ quần chúng huyện Nam Trực thời gian qua phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo không gian sinh hoạt lành mạnh, vui tươi, gắn bó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và thực hiện hiệu quả phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' trên địa bàn.

Chương trình văn nghệ tại Lễ hội truyền thống hoa, cây cảnh Vỵ Khê, xã Nam Điền (Nam Trực).
Toàn huyện hiện có hơn 200 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, hàng trăm tổ, tốp, đội văn nghệ quần chúng, sinh hoạt ở nhiều thể loại như: thơ, hát chèo, chầu văn, hát giao duyên, nhạc kèn, trống hội… Nhiều đơn vị có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như các xã Nam Điền, Hồng Quang, Bình Minh, Đồng Sơn, Nam Thái, thị trấn Nam Giang… Tại xã Nam Điền, phong trào văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Cả 20 thôn, xóm trong xã đều thành lập CLB văn nghệ, phần lớn do phụ nữ đảm nhiệm. Các CLB có từ 15-20 thành viên, tập luyện thường xuyên, đều đặn tại các nhà văn hóa. Không chỉ là “sân chơi" để những người đam mê ca hát tham gia sinh hoạt mỗi tối, các CLB còn thường xuyên tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa, lễ hội, dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương… Các tiết mục, chương trình văn hóa, văn nghệ có nội dung phong phú, đa dạng, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình… Đội chèo thôn Trung, xã Nam Điền thành lập từ năm 2015. Mặc dù tuổi đời khác nhau nhưng các thành viên đều có chung niềm đam mê nghệ thuật chèo. Sau các buổi lao động vất vả, các thành viên đội chèo lại tập trung tập luyện. Không chỉ biểu diễn trong các lễ hội, sự kiện của địa phương, đội chèo thôn còn biểu diễn tại các lễ hội, lễ mừng thọ, khai xuân tại các địa phương trong và ngoài huyện, tổ chức dạy hát chèo cho con em trên địa bàn và các vùng lân cận. Với các tiểu phẩm ngắn gọn, đội chèo thôn Trung không chỉ lan tỏa nghệ thuật chèo đến công chúng mà còn thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Ở xã Nam Thắng, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo sự đoàn kết trong các khu dân cư. Thành viên các đội, CLB văn nghệ ngày càng được trẻ hóa, chịu khó trau dồi, học hỏi, tiếp cận với đa dạng loại hình nghệ thuật biểu diễn. Nhiều thành viên trong các đội văn nghệ quần chúng có khả năng sáng tác và dàn dựng các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm hay, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn hóa tinh thần của nhân dân. Ngoài nguồn kinh phí được địa phương, các nhà hảo tâm hỗ trợ, thành viên các đội văn nghệ tự nguyện đóng góp kinh phí mua trang phục, đạo cụ phục vụ các buổi biểu diễn. Bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa, các đội, CLB văn nghệ đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên nhân dân thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương. Được thành lập từ năm 2015, đội văn nghệ Hội Người cao tuổi thôn Đại An, xã Nam Thắng tập hợp hơn 10 thành viên từ 65-75 tuổi đam mê nghệ thuật chèo, mong muốn khôi phục lại, đưa nghệ thuật Chèo đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các tiết mục biểu diễn do các thành viên tự nghiên cứu, tập luyện với nhau. Bà Lâm Thị Nguyệt, thành viên đội văn nghệ người cao tuổi thôn Đại An chia sẻ: Ngoài các trích đoạn chèo cổ như: "Lưu Bình Dương Lễ", "Lý trưởng - mẹ Đốp", "Thị Mầu lên chùa"…, một số làn điệu chèo truyền thống, đội còn biểu diễn hát chầu văn, quan họ giao duyên tại các buổi sinh hoạt của Hội Người cao tuổi thôn, các sự kiện mừng thọ, khai xuân, lễ hội Đình Cả, lễ hội Chùa Đại An; biểu diễn hát quan họ trên thuyền tại lễ hội Đình Quan Trạng…
Toàn huyện còn có gần 20 đội nhạc kèn, hơn 10 đội trống hội ở các xã: Nam Thanh, Nam Thái, Nam Giang, Nam Dương, Nam Điền, Hồng Quang… Mỗi đội có từ 25-35 thành viên, tập hợp nam, nữ nhiều lứa tuổi. Các tiết mục do các thành viên tự biên đạo, tập luyện, người có kinh nghiệm truyền lại cho các thành viên trẻ tuổi. Tiếng trống, tiếng kèn trong các sự kiện, lễ hội thúc giục mọi người nhớ về cội nguồn, biết ơn tới các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước, thể hiện bản sắc văn hóa quê hương; cổ vũ, động viên mỗi người cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tiếng trống trong các sự kiện thể thao cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh để các vận động viên nỗ lực thi đấu giành thành tích.
Với sự đầu tư nghiêm túc, chất lượng nghệ thuật của các CLB văn hóa văn nghệ quần chúng ngày càng nâng cao. Các tiết mục luôn đậm chất quê hương trong sáng; nội dung phản ánh những vấn đề hiện thực của đời sống xã hội. Nhằm thúc đẩy các CLB, đội văn nghệ trong huyện hoạt động hiệu quả, từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến thôn, xóm, tổ dân phố đã có sự thay đổi cơ bản, tăng về số lượng, quy mô và chất lượng. 100% thôn, xóm có nhà văn hóa, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, loa đài được bổ sung, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và tập luyện của nhân dân. Hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ, hướng dẫn cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực văn hóa, thể thao. Phối hợp chỉ đạo, định hướng phát triển văn nghệ quần chúng thông qua các CLB tại các xóm, tổ dân phố nhằm duy trì, bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian như: hát Chèo, hát Văn tại các xã Nam Thái, Nam Điền, Đồng Sơn, Bình Minh, thị trấn Nam Giang; hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức các hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng, tạo ra phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi từ cơ sở. Năm 2024, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã phối hợp các xã, thị trấn tổ chức thành công 34 chương trình văn nghệ phục vụ các ngày lễ lớn và phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện. Bên cạnh đó, trung tâm còn phối hợp, giúp các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện dàn dựng các chương trình văn nghệ tham gia hội thi do ngành cấp trên tổ chức và đạt được nhiều giải cao.
Để phát huy vai trò của phong trào văn nghệ quần chúng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Nam Trực tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các CLB, tổ, đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả; xây dựng, nhân rộng các mô hình CLB, đội văn nghệ; khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn với các lễ hội truyền thống. Qua đó tạo sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, động viên nhân dân lao động, sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.