Nam Trực phát triển sản phẩm OCOP gắn với giá trị sản phẩm truyền thống và sức mạnh cộng đồng
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay, huyện Nam Trực đã có 32 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Đây đều là các sản phẩm tiêu biểu, mang đặc trưng văn hóa bản địa truyền thống của địa phương.
Tính riêng năm 2024, huyện có 13 sản phẩm mới đăng ký tham gia của 7 chủ thể thuộc 6 xã, thị trấn. Trong đó, nổi bật là sản phẩm chảo chống dính Happy Success của làng nghề Vân Chàng (thị trấn Nam Giang), một làng nghề nổi tiếng với tuổi đời hơn 700 năm. Chảo chống dính Happy Success của hộ kinh doanh Trần Khắc Ngân được kết hợp kỹ thuật thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm gia dụng có độ bền cao, đáp ứng xu hướng tiêu dùng thông minh. Chảo chống dính không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong huyện mà còn vươn xa, trở thành sản phẩm được ưa chuộng trong và ngoài tỉnh. Đây là minh chứng rõ nét cho sự năng động đổi mới không ngừng của làng nghề Vân Chàng trong bối cảnh thị trường gia dụng cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Sản phẩm “Cây trà my cổ bonsai Nam Toàn” của hộ kinh doanh Lê Trung Thành, xã Nam Điền là sản phẩm OCOP 2024 cũng thu hút được sự chú ý đặc biệt từ việc kết hợp giữa kinh nghiệm thủ công truyền thống với sự sáng tạo, tinh thần học hỏi kỹ thuật hiện đại và trí óc sáng tạo của các nghệ nhân lành nghề trong xã để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thực thụ phục vụ nhu cầu trang trí trong nhà và khuôn viên ngoài trời, sân vườn… Nghề trồng và tạo dáng bonsai hoa Trà My đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ tại Nam Điền; không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là biểu tượng giá trị văn hóa đặc sắc lâu đời của địa phương. Cây trà my cổ bonsai Nam Toàn được công nhận sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định nỗ lực của các nghệ nhân mà còn là minh chứng cho sức mạnh cộng đồng khi nghề trồng hoa và bonsai trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế ở Nam Điền.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã trở thành một công cụ hữu hiệu để kết nối giá trị truyền thống với xu hướng tiêu dùng hiện đại, nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng của các địa phương huyện Nam Trực. Qua đó, giúp các sản phẩm có thể cạnh tranh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các sản phẩm truyền thống khẳng định bản sắc và giá trị văn hóa sâu sắc của từng vùng miền. Xác định Chương trình OCOP là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện thành sản phẩm hàng hóa, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, Nam Trực đã tập trung chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất trên địa bàn hoàn thiện các chu trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, tem nhãn để đăng ký tham gia Chương trình OCOP. UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP cụ thể cho từng năm đảm bảo theo quy định. Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các chủ thể sản xuất trong huyện đã mạnh dạn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị sản xuất và các kênh quảng bá sản phẩm. Đồng thời xây dựng chiến lược dài hạn để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh. Điều này không chỉ giúp các sản phẩm OCOP của huyện Nam Trực có thể định vị được tại thị trường trong nước mà còn mở ra cơ hội xuất ngoại.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện, đến nay, Chương trình OCOP của huyện Nam Trực đạt kết quả tốt, có sức lan tỏa mạnh với 32 sản phẩm đạt OCOP 3 sao của 18 chủ thể là 6 công ty, 2 hợp tác xã và 10 hộ gia đình tham gia chương trình. Qua đó cũng khẳng định hướng đi đúng của huyện trong việc phát triển kinh tế nông thôn dựa trên các sản phẩm, ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Việc này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Điển hình là các sản phẩm OCOP: “Cơm cháy trà bông Bảo Hân” và “Cơm cháy đáy nồi Bảo Hân” của xã Nam Cường; “Trà mầm đậu đen - gạo lứt đỏ” và “Trà mầm gạo lứt đỏ” của xã Nam Hùng; “Rượu Nam Hoa”, “Rượu mơ”, “Rượu Đông trùng hạ thảo”, “Rượu gỗ sồi”, “Rượu dâu tằm” của xã Nam Hoa; “Khăn xếp” của thị trấn Nam Giang… Hiện các sản phẩm OCOP của Nam Trực được giới thiệu và bán trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee… Nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng của huyện góp phần mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho các chủ thể sản xuất. Triển khai mạnh mẽ Chương trình OCOP đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao thu nhập bình quân của người dân trong huyện tăng mạnh so với thời kỳ đầu thực hiện nông thôn mới năm 2010 (10,5 triệu đồng/người/năm) và so với thời điểm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 (41,2 triệu đồng/người/năm); đến hết năm 2024 thu nhập đạt trên 74,5 triệu đồng/người/năm.
Theo đồng chí Vũ Tiến Duật, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Chương trình OCOP không chỉ là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, mà còn là cầu nối để gắn kết cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương”. Thời gian tới, huyện Nam Trực tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của Chương trình OCOP, khuyến khích các xã, thị trấn phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất. Qua đó, không chỉ gia tăng giá trị kinh tế mà còn đưa thương hiệu OCOP của Nam Trực vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.