Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Lộ diện nhiều dự án bất động sản xây 'lụi' - Bài 2: Lỗ hổng pháp lý, khách hàng sập bẫy
Theo ghi nhận, hiện có rất nhiều dự án bất động sản (BĐS) sau khi bán đất nền, căn hộ cho khách hàng thì ngưng triển khai, không tích cực hoàn thiện, bỏ mặc khách hàng. Thực tế này đang khiến không ít người 'dở khóc dở cười' do một phần lỗ hổng pháp lý thiếu tính ràng buộc, chế tài.
Nhận tiền góp vốn rồi… bán dự án
Từ năm 2015, Công ty CP Sông Đà Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã bán “căn hộ trên giấy” tại dự án Butterfly Tower - TM cho nhiều khách hàng góp vốn đầu tư. Theo hợp đồng, người mua đã góp vốn đầu tư (lên đến hàng tỷ đồng) sẽ được bàn giao căn hộ vào quý 1-2017, nhưng đến nay dự án vẫn chưa xây dựng gì. Sau khi đã ký hợp đồng, thu tiền góp vốn đầu tư của gần 200 khách hàng mua căn hộ, Công ty CP Sông Đà Nha Trang lại đem bán dự án cho doanh nghiệp khác. Bà Lê Thị Hồng Vân (62 tuổi) cho biết, năm 2015, bà và con rể ký hợp đồng góp vốn với Công ty CP Sông Đà Nha Trang mua 2 căn hộ tại dự án Butterfly Tower ở khu dân cư Cồn Tân Lập và đã đặt cọc cho công ty gần 1,4 tỷ đồng. Tiền đã chi, nhưng đến nay dự án “bất động”, người mua đang phải gồng gánh lãi suất ngân hàng.
Tại tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tình trạng các dự án BĐS dù chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng đã ồ ạt rao bán, nhận cọc giữ chỗ diễn ra tràn lan. Điển hình như tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (TP Phan Thiết), dù chưa đủ điều kiện mở bán căn hộ nhưng đơn vị môi giới dự án đã nhận tiền đặt cọc và sau đó chủ đầu tư tổ chức ký hợp đồng dưới dạng vay vốn với các khách hàng. “Thấy dự án nằm ở vị trí đẹp, tôi đã đặt cọc 60 triệu đồng để mua căn hộ. Tuy nhiên, chờ đợi quá lâu, dự án chưa hoàn thiện giấy tờ để giao căn hộ nên tôi muốn đòi lại số tiền đã đặt cọc nhưng rất khó khăn”, chị L.P.U. (ngụ tỉnh Đắk Lắk) phản ánh. Cũng tại tỉnh Bình Thuận, tình trạng các đối tượng lập khống các dự án BĐS rồi rao bán, thu lợi bất chính đang khiến không ít nhà đầu tư mất tiền, mất niềm tin. Điển hình như trường hợp Nguyễn Hữu Kha (ngụ tỉnh Bình Thuận) cùng các đối tượng khác vẽ lên nhiều dự án BĐS “ảo”, sau đó cho nhân viên đăng lên các trang mạng xã hội để rao bán. Với cách thức, thủ đoạn trên, có hơn 200 người đã ký hợp đồng mua đất của nhóm này với tổng số tiền hơn 118 tỷ đồng. Đến nay, hàng loạt khách hàng đầu tư đành ngậm đắng nuốt cay với dự án này vì mua phải “vịt trời”!
Ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng hiện có 15 dự án kinh doanh BĐS đang được triển khai (13 dự án thương mại và 2 dự án nhà ở xã hội). Trong đó, phần lớn các dự án phân lô bán nền nằm rải rác từ huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, TP Bảo Lộc đến TP Đà Lạt, có quy mô từ vài hécta đến hàng chục hécta. Đa phần những dự án BĐS được các chủ đầu tư tự quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã. “Việc đầu tư vào các dự án chưa đủ tính pháp lý rất dễ khiến người dân mất cả chì lẫn chài”, anh Lê Thọ (ngụ TP Đà Lạt) nhận định. Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, dự án Tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư có diện tích hơn 179.600m2 chưa hoàn thành, nhưng Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh đã tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, sau khi thanh, kiểm tra dự án, Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai, vi phạm Nghị định 151/2017/NĐ-CP và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, việc Khánh Hòa có nhiều quy hoạch được công bố đã làm cho thị trường BĐS ngày càng “ấm” lên. Tuy nhiên, sẽ không còn hiện tượng hỗn loạn, bát nháo trên thị trường BĐS Khánh Hòa như nhiều năm về trước. Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sắp tới đây sẽ hạn chế nạn đầu cơ đất, ngăn chặn tình trạng găm đất, đầu cơ đất để mua đi bán lại kiếm lời...
Thừa quyết tâm, thiếu trách nhiệm
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: xây dựng sai thiết kế, sai giấy phép; xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích; xây dựng công trình trong hành lang quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, đường dây truyền tải điện… Thực trạng này làm ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan và tạo ra nhiều tiền lệ xấu trong quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương trong tỉnh.
Để chấn chỉnh, khắc phục, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; tăng cường kiểm soát công tác thẩm định thiết kế xây dựng, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý các vi phạm ngay từ đầu và đến kết quả cuối cùng; đồng thời xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể buông lỏng quản lý, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại tỉnh Kon Tum, thời gian qua, địa phương này cũng đã có chỉ đạo triển khai các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum đã giao các sở ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh việc lập, phê duyệt các quy hoạch xây dựng, đô thị. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục đầu tư, giao, cho thuê đất; quy hoạch, đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngoài ra, tập trung giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền, tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm!
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội tại địa phương, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp đã có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục để tạo môi trường thông thoáng, thân thiện cho các nhà đầu tư và người dân; công khai các quy trình thủ tục, thời hạn giải quyết công việc của tổ chức và công dân; thực hiện tốt quy chế một cửa, một cửa liên thông, công tác thống kê, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính của nhà nước còn chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo ông Phan Dương Cường, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới đăng tải thông tin các dự án kinh doanh BĐS không đúng với tính chất, mục tiêu, quy mô của dự án đã được chấp thuận đầu tư, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Việc này có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trước tình hình này, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã công bố 33 dự án BĐS chưa đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh BĐS. Qua đó, giúp những nhà đầu tư có thông tin chính xác, tỉnh táo khi đầu tư vào các dự án chưa đủ tính pháp lý. Đối với những dự án xây dựng không phép, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát toàn bộ các đồ án quy hoạch xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt để xác định có bao nhiêu trường hợp triển khai không đúng thẩm quyền làm cơ sở xử lý.
Theo ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, vừa qua, sau khi tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay thị trường BĐS tỉnh Lâm Đồng đang gặp nhiều khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm, thiếu nhà ở vừa túi tiền.