Nắm vững Luật Đấu thầu để vận dụng đúng quy định trong kiểm toán và mua sắm công
Tiếp tục Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN), sáng 27/3, KTNN đã tổ chức Hội nghị giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Đấu thầu năm 2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến cho công chức, viên chức các đơn vị trực thuộc KTNN.
Nắm vững Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan sẽ giúp kiểm toán viên áp dụng hiệu quả vào hoạt động kiểm toán; cũng như có ý nghĩa thiết thực đối với các đơn vị trong việc tổ chức mua sắm tài sản, thiết bị...
Nhiều điểm mới đáng chú ý của Luật Đầu thầu
Các nội dung được trao đổi tại Hội nghị gồm: Hướng dẫn trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu; cắt giảm thời gian và chi phí tổ chức lựa chọn nhà thầu; Quy định về đấu thầu qua mạng, trong đó bao gồm: Chào giá trực tuyến và mua sắm trực tuyến; Quy định về hợp đồng; kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu và xử lý vi phạm trong đấu thầu..., đặc biệt là các điểm mới của Luật Đấu thầu 2023.
Những nội dung đáng chú ý, điểm mới của Luật Đấu thầu năm 2023 là những nội dung được cập nhật nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho kiểm toán viên tham gia kiểm toán; đồng thời giúp các đơn vị nâng cao năng lực nghiệp vụ đấu thầu cho đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu thầu, mua sắm có hiệu quả phục vụ công tác chuyên môn của đơn vị trong giai đoạn hiện nay.
Vụ Pháp chế, KTNN
Tại Hội nghị, báo cáo viên Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về những nội dung đáng chú ý của Luật Đấu thầu, đặc biệt là những điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 so với Luật Đấu thầu 2013.
Theo đó, về đối tượng áp dụng, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung thêm đối tượng áp dụng là doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Do vậy, nếu thực hiện các dự án đầu tư, các công ty con do Tập đoàn, Tổng công ty (doanh nghiệp nhà nước) nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng thuộc đối tượng áp dụng của quy định này. Và bổ sung Gói thầu trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, máy móc, thiết bị hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhà nước.
Về hình thức lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu 2023 có bổ sung thêm một số nội dung như:
Đối với hình thức chỉ định thầu, Luật Đấu thầu 2023 đã luật hóa quy định về các hạn mức để các gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu và điều chỉnh một số trường hợp, hạn mức được áp dụng hình thức chỉ định thầu so với quy định hiện tại.
Đối với hình thức chào hàng cạnh tranh, Điều 24 Luật Đấu thầu 2023 bổ sung thêm trường hợp gói thầu được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh là: “Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng điều kiện là gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt”.
Đồng thời, Luật Đấu thầu 2023 đã luật hóa quy định về hạn mức của các gói thầu thuộc trương hợp được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh (gói thầu có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng) tại Điều 24 Luật Đấu thầu 2023 thay vì quy định tại Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như hiện nay.
Về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung quy định về “Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án”. Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án được lập đồng thời hoặc độc lập với báo cáo nghiên cứu khả thi và được phê duyệt sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Về phương thức lựa chọn nhà thầu, đối với phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, Luật Đấu thầu 2023 không giới hạn quy mô của các gói thầu, trừ trường hợp đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.
Về hồ sơ mời thầu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung Điều 44 quy định về nội dung phải có trong hồ sơ mời thầu (chi tiết quy định tại khoản 1 Điều 44). Theo đó, Luật cũng quy định về việc hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Những nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến hợp đồng với nhà thầu
Về hợp đồng với nhà thầu, Luật Đấu thầu 2023 đã hoàn thiện quy định về hợp đồng theo hướng: Phân biệt rõ các trường hợp áp dụng loại hợp đồng với nhà thầu.
Theo đó, ngoài các loại Hợp đồng: Hợp đồng trọn gói, Hợp đồng theo đơn giá cố định, Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Hợp đồng theo thời gian, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung thêm một số loại hợp đồng trên cơ sở thực tiễn bao gồm: Hợp đồng theo chi phí cộng phí, Hợp đồng theo kết quả đầu ra, Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm, Hợp đồng hỗn hợp.
Đối với hợp đồng trọn gói, Luật Đấu thầu 2023 cũng đã bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản.
Luật cũng bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện hợp đồng. Theo đó, Điều 69 Luật Đấu thầu 2023 quy định các bên ký kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, bảo đảm trung thực, hợp tác và đúng pháp luật, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Luật Đấu thầu năm 2023 gồm 10 Chương, 96 Điều, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu, đồng thời tạo cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, tổ chức đấu thầu.
Luật bổ sung quy định về các trường hợp sửa đổi hợp đồng thay cho nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng đã được quy định tại Luật Đấu thầu 2013. Theo đó, Luật Đấu thầu 2023 đã bổ sung quy định như sau:
Nội dung sửa đổi hợp đồng có thể bao gồm: khối lượng, tiến độ, giá, áp dụng tùy chọn mua thêm và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết trừ trường hợp việc thay đổi giá hợp đồng, khối lượng và nội dung khác đã được quy định trong hợp đồng đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra.
“Việc sửa đổi hợp đồng liên quan đến giá hợp đồng áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng thay vì quy định việc điều chỉnh giá hợp đồng chỉ được áp dụng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh và hợp đồng theo thời gian như quy định tại Luật Đấu thầu 2013” - báo cáo viên cho biết.
Báo cáo viên cũng thông tin về các hình thức chào giá trực tuyến, giá gói thầu, các hànhvi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, các trường hợp hủy thầu…
Về vấn đề tránh rủi ro trong lựa chọn nhà thầu, báo cáo viên Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, ngoài các quy định về tiêu chuẩn, hiện cơ sở dữ liệu về nhà thầu, dữ liệu của hàng hóa đang được Cục Quản lý đấu thầu xây dựng. Sau khi hoàn thành sẽ trở thành cơ sở tham khảo, đối chiếu hữu ích cho các đơn vị khi tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và mua sắm công nhằm lựa chọn được nhà thầu, sản phẩm phù hợp, chất lượng.
Tại Hội nghị, báo cáo viên cũng trao đổi, giải đáp ý kiến liên quan đến những nội dung đáng chú ý của Luật Đấu thầu 2023, đặc biệt là những vấn đề được kiểm toán viên đặt ra trao đổi, làm rõ qua đúc kết từ thực tiễn kiểm toán công tác tổ chức đấu thầu thời gian qua…
Tiếp tục Kế hoạch tuyên truyền pháp luật năm 2024, KTNN sẽ tổ chức buổi trao đổi về Luật thực hiện dân chủ cơ sở và Luật Đất đai sửa đổi./.