Nạn bạo lực học đường trên phim ảnh: Penthouse nổi đình đám, Vườn Sao Băng bị xem nhẹ
Penthouse, Vườn sao băng,... từng khiến khán giả đau đáu với những phân cảnh bạo lực học đường.
Từ trước đến nay, bạo lực học đường luôn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Tình trạng tiêu cực này đã được phản ánh chân thực thông qua phim ảnh.
Nhiều tác phẩm như hồi chuông báo động về vấn nạn bạo lực học đường. Đồng thời, những bộ phim này còn để lại sự ám ảnh đối với khán giả.
Penthouse (Cuộc chiến thượng lưu)
Penthouse là tác phẩm làm mưa làm gió trong một thời gian dài. Mặc dù phim đã kết thúc nhưng vẫn để lại dư âm trong lòng khán giả.
Như tên gọi, nội dung của phim xoay quanh những bí mật, uẩn khúc, sự đấu tranh quyền lực của giới thượng lưu. Bên cạnh đó, tác phẩm còn khắc họa rõ nét tình trạng phân biệt đối xử trong trường học.
Penthouse ngập tràn cảnh bạo lực học đường. Kẻ chủ mưu là nhóm học sinh giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu. Trong khi, nạn nhân hứng chịu sự bất hạnh đều là những đứa trẻ thấp cổ bé họng.
Bae Ro Na (Kim Huyn Soo), Min Seol Ah (Jo Soo Min)... phải sống trong sự đòa đày của nhóm bạn nhà giàu. Những trò tiêu khiển tai quái khiến nhiều đứa trẻ mất đi niềm vui khi đến trường.
Save Me (Lời cầu cứu)
Save Me xoay quanh giáo hội bất thường với nhiều bí mật. Một nhóm học sinh quyết định đi tìm sự thật về người đứng đầu của tổ chức này.
Tuy nhiên, mở đầu tác phẩm là vấn nạn bạo lực học đường. Khi một nam học sinh yếu đuối và bị khiếm khuyết phải hứng chịu sự bắt nạt ác ý.
Đáng nói, nạn nhân bị bắt nạt công khai nhưng học sinh vẫn tỏ thái độ thờ ơ. Các học sinh trong trường để mặc cho tình trạng tiêu cực diễn ra. Bởi lẽ, họ sợ bản thân sẽ rơi vào tầm ngắm và trở thành đối tượng tiếp theo.
Save Me đã đưa ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực tồn tại. Đó là vì chính những người chứng kiến cũng thờ ơ trước vấn nạn này.
Boys Over Flowers (Vườn Sao Băng)
Vườn Sao Băng từng trở thành hiện tượng toàn cầu. Bộ tứ con nhà giàu và nàng cỏ Geum Jan Di (Goo Hye Sun) cũng được yêu thích rộng rãi.
Nội dung phim xoay quanh chuyện tình cảm tuổi học trò. Đồng thời, tác phẩm đã tạo nên cơn sốt về mối tình lọ lem - hoàng tử.
Vì phim tập trung khai thác chuyện tình cảm nên một vấn đề đã được xem nhẹ. Đến nay, ít ai chú ý đến nạn bạo lực học đường ở những tập đầu của phim.
Geum Jan Di có gia cảnh nghèo khó nhưng may mắn được học tại trường giàu có. Trường mới phân biệt giai cấp nên cô rất khó kết bạn.
Thậm chí, Geum Jan Di còn chứng kiến một nam sinh cố gắng tự tử vì bị bạn bè bắt nạt. Sau khi cứu mạng người này, cô trở thành nạn nhân tiếp theo.
Nữ chính phải nhận hàng loạt hình phạt khốc liệt từ bạn bè cùng trường. Ngày ngày, cô bị ném trứng gà, ném bột mì, bạn học cười cợt và chế giễu... Chỉ đến khi Goo Jun Pyo (Lee Min Ho) động lòng, cô mới thoát khỏi tình trạng này.
Tuy nhiên, nếu Geum Jan Di không phải là nữ chính thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nếu không lọt vào mắt xanh của Goo Jun Pyo, cô sẽ tiếp tục sống trong sự tra tấn của những cậu ấm cô chiêu.
Vườn Sao Băng đã thể hiện tình trạng bắt nạt khốc liệt khi có người phải tự tử vì không chịu được áp lực. Thế nhưng, chuyện tình cảm lằng nhằng của cặp đôi chính khiến khán giả gần như không nhớ đến vụ việc nhức nhối này.
Girl From Nowhere (Cô gái đến từ hư vô)
Girl From Nowhere là phim truyền hình của đất nước xứ chùa Vàng. Tác phẩm nói về Nanno (Chicha Amatayakul), cô gái có danh tính bí ẩn nhưng đi đến đâu khiến học sinh sợ đến đó.
Nano đã vạch trần hàng loạt bí mật xấu xa trong trường học. Đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng là bê bối trộm cắp, lạm dụng tình dục, bạo lực học đường...
Trong quá khứ, Nano cũng là nạn nhân của những học sinh trong trường. Cô bị bạn bè lợi dụng và hãm hại. Họ đã biến cô từ nữ sinh ngoan hiền thành ma nữ khơi gợi tội ác chốn học đường.
Em Của Thời Niên Thiếu
Em Của Thời Niên Thiếu chuyển thể từ tiểu thuyết Thời Niên Thiếu Của Anh Và Em. Tác phẩm được để cử giải Oscar cho phim quốc tế xuất sắc nhất.
Nội dung phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc khi phản ánh sự vô cảm của một bộ phận học sinh. Nạn nhân của tình trạng này là Trần Niệm (Châu Đông Vũ) và Hồ Tiểu Điệp (Trương Nghệ Phàm).
Trong trường học sẽ có 3 nhóm học sinh tiêu biểu: nhóm thứ nhất là kẻ chủ mưu, nhóm thứ hai là nạn nhân, nhóm thứ ba là những người thờ ơ.
Ngụy Lai (Châu Dã) và bạn của cô thuộc nhóm thứ nhất. Họ bày ra đủ trò tiêu khiển khiến Hồ Tiểu Điệp khổ sở. Sau cùng, nữ sinh này chọn cách ra đi vì không thể chịu đựng áp lực.
Hồ Tiểu Điệp qua đời, Trần Niệm vô tình trở thành mục tiêu tiếp theo. Vì thế, cô đã trải qua cuộc sống khổ sở trong trường học.
Bạn cùng lớp đều biết Trần Niệm phải chịu bao nhiêu tủi nhục. Tuy nhiên, chẳng ai dám đứng lên bảo vệ cô.
Sau đó, Trần Niệm đã gặp được Tiểu Bắc (Dịch Dương Thiên Tỉ). Anh là tên lưu manh sống cầu bơ cầu bất và không có tương lai. Nhưng anh sẵn sàng bảo vệ và giúp cô gánh mọi tội lỗi.
Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông
Xuyên suốt tác phẩm là một màu u buồn. Màu sắc này đang phản ánh tương lai đen tối của Dịch Dao (Nhậm Mẫn).
Nữ chính là một cô gái bình thường, nhan sắc cũng không nổi trội. Cô trầm lặng và ít nói, chưa từng gây sự với ai.
Nhưng Dịch Dao vô tình thấy Đường Tiểu Mễ (Chu Đan Ni) bị bạn học cũ bắt nạt. Vì thế, cô đã trở thành mục tiêu ghen ghét của Đường Tiểu Mễ.
Những tháng ngày đi học của Dịch Dao là một chuỗi bất hạnh. Cô bị lan truyền tin tức xấu, bị dội nước, cắt tóc, tạt sơn, ném cặp sách, lấy trộm tiền...
Dịch Dao trở thành thú vui trong trò tiêu khiển của đám bạn. Thế nhưng, không một ai trong lớp đứng ra giải vây giúp cô. Người bạn thanh mai trúc mã Tề Minh (Triệu Anh Bác) cũng ngoảnh mặt làm ngơ.
Ngày tươi sáng nhất của Dịch Dao là khi cô gặp Cố Sâm Tây (Tân Vân Lai). Anh như mặt trời tỏa sáng rực rỡ, giúp cô sưởi ấm trái tim lạnh lẽo và cô độc. Anh cũng tiếp thêm dũng khí để cô đáp trả đám người xấu.
Một ngày, Cố Sâm Tương (Chương Nhược Nam) ra đi mãi mãi vì trò đùa ác ý. Tề Minh, Cố Sâm Tây và học sinh trong trường đều đổ lỗi cho cô.
Dịch Dao buồn bã và bất lực. Sự mệt mỏi len lỏi trong tim khiến cô bùng nổ. Cuối cùng, cô đưa ra lựa chọn tàn khốc nhất dành cho bản thân.
Phim ảnh chỉ thể hiện một phần lát cắt trong cuộc sống thực. Ngày ngày, nạn bạo lực học đường vẫn diễn ra khiến nhiều học sinh khổ sở.
Các tác phẩm nói trên đã thể hiện sự mệt mỏi của nạn nhân khi chịu đựng áp lực. Vì thế, tình trạng tiêu cực này cần được giải quyết để không xảy ra những chuyện đáng tiếc.