Nạn đói Gaza trở thành phương pháp chiến tranh?

Chuyên gia pháp lý cho rằng Israel đã sử dụng nạn đói ở Gaza như một phương pháp chiến tranh và điều này vi phạm quy định của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Hồi tháng 3, ông Volker Türk – người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng các chính sách của Israel liên quan viện trợ ở Gaza có thể cấu thành tội ác chiến tranh.

“Mức độ tiếp tục hạn chế của Israel đối với việc viện trợ vào Gaza, cùng với cách nước này tiếp tục tiến hành các hoạt động thù địch, có thể là hình thức sử dụng nạn đói như một phương pháp chiến tranh. Đó là một tội ác chiến tranh” – ông Türk nói.

Theo tờ The New York Times, việc sử dụng nạn đói đối với thường dân làm vũ khí vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và là tội ác chiến tranh theo Quy chế Rome – hiệp ước của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

 Người dân nhận thực phẩm ở TP Rafah (nam Gaza) vào tháng 12-2023. Ảnh: AP

Người dân nhận thực phẩm ở TP Rafah (nam Gaza) vào tháng 12-2023. Ảnh: AP

Trả lời The New York Times, các quan chức Israel và nhiều nước khác cho biết họ lo lắng rằng ICC đang chuẩn bị ban hành lệnh bắt các quan chức cấp cao của Israel, dựa trên cáo buộc có thể liên quan việc họ ngăn cản chuyển hàng viện trợ vào Gaza. Những quan chức này cũng cho rằng ICC đang xem xét lệnh bắt các lãnh đạo Hamas. Hai lệnh này có thể được ban hành cùng một lúc.

Bóng ma nạn đói ở Gaza

Một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ở Dải Gaza và bóng ma nạn đói đang gần bao phủ dải đất này trong những tuần gần đây. Hôm 3-5, bà Cindy McCain – Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết các vùng phía bắc Gaza đang trải qua một “nạn đói toàn diện”.

Nhiều tháng xung đột đã ngăn cản việc cung cấp viện trợ đầy đủ cho Dải Gaza. Do bắc Gaza nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Israel và là nơi xảy ra cuộc khủng hoảng đói nghiêm trọng, việc đưa viện trợ đến nơi này còn khó khăn hơn.

Nhiều yếu tố khác cũng góp phần gây nên tình trạng thiếu lương thực trầm trọng ở Gaza. Chúng bao gồm việc sơ tán hàng loạt dân thường, thiếu cảnh sát để bảo vệ các đoàn xe viện trợ, các nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ.

Theo ông Türk, những yếu tố này đã tạo nên “thảm họa” suy dinh dưỡng lan rộng và cái chết của nhiều trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác.

Bình luận về vấn đề này, phía Israel cho biết kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 7-10-2023, Israel đã “tham gia cuộc chiến chống lại Hamas” và họ đã phối hợp với Mỹ, Ai Cập, các nhóm viện trợ quốc tế để chuyển viện trợ tới người dân Gaza.

“Israel không ngừng nỗ lực đáng kể tìm kiếm các giải pháp bổ sung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng viện trợ đến Dải Gaza và đặc biệt cho miền bắc” – một phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết.

Israel trước đây đã kịch liệt phủ nhận việc họ hạn chế dòng viện trợ vào Gaza, cáo buộc LHQ không phân phối viện trợ đầy đủ và Hamas cướp bóc hàng viện trợ. Các quan chức Mỹ và LHQ cho biết không tìm thấy bằng chứng liên quan cáo buộc của Israel. Trong những tuần gần đây, dưới áp lực của Mỹ và các đồng minh khác, Israel đã nới lỏng một số hạn chế và tăng cung cấp viện trợ.

 Xe tải xếp hàng chờ được vào cửa khẩu Rafah ở nam Gaza hôm 2-5. Ảnh: REUTERS

Xe tải xếp hàng chờ được vào cửa khẩu Rafah ở nam Gaza hôm 2-5. Ảnh: REUTERS

Việc xét xử các quan chức Israel có khả thi?

Theo The New York Times, vẫn chưa rõ liệu ICC có ban hành các lệnh bắt như đã nói trên và họ có công khai các lệnh bắt này hay không. Theo quy định của ICC, để ban hành lệnh bắt, tòa phải có “cơ sở hợp lý để tin rằng” nghi phạm đã phạm tội.

Mặc dù việc cố tình gây nạn đói lên dân thường đã bị coi là vi phạm luật nhân đạo quốc tế từ những năm 1970 nhưng nó chỉ được coi là tội ác chiến tranh vào năm 1998. Cho đến nay, chưa có tòa quốc tế nào xét xử tội dùng nạn đói lên dân thường làm vũ khí chiến tranh.

Theo quy chế của ICC, có hai yếu tố chính cấu thành hành vi phạm tội dùng nạn đói lên dân thường làm vũ khí chiến tranh. Đầu tiên là nghi phạm có những hành động hoặc chính sách tước đi “những vật dụng không thể thiếu cho sự sống còn của người dân”, bao gồm việc can thiệp vào nguồn cung cấp cứu trợ. Thứ hai là nạn đói phải được sử dụng một cách có chủ ý “như một phương pháp chiến tranh”.

Một số chuyên gia pháp lý chỉ ra phát ngôn của Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant là bằng chứng về việc Israel có ý định sử dụng nạn đói làm phương pháp chiến tranh. Theo đó, ông Gallant nói: “Chúng tôi đang áp dụng một cuộc bao vây hoàn toàn. Sẽ không có điện, không có thức ăn, không có nước, không có nhiên liệu, mọi thứ đều bị dừng cung cấp”. Tuyên bố này được đưa ra 2 ngày sau khi xung đột nổ ra.

Trong những ngày sau đó, các quan chức khác, bao gồm Bộ trưởng Năng lượng và người đứng đầu cơ quan Israel giám sát chính sách đối với Dải Gaza, cũng tuyên bố cắt hoàn toàn nguồn cung cấp bên ngoài đối với Gaza. Do đó, Gaza không nhận được xe tải viện trợ nào cho đến ngày 21-10 – gần hai tuần sau tuyên bố của ông Gallant.

Theo ông Tom Dannenbaum – GS tại ĐH Tufts (Mỹ), cuộc “bao vây hoàn toàn” được phía Israel công bố rộng rãi là bằng chứng cho thấy các yếu tố của tội ác chiến tranh đã xuất hiện, ngay trước khi nạn đói thực sự diễn ra.

Phía Israel cho rằng tuyên bố của các quan chức về cuộc bao vây Gaza không phản ánh đúng chính sách của nước này. Israel cũng chỉ ra trong cuộc họp nội các ngày 29-10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng “chúng ta phải ngăn chặn một thảm họa nhân đạo” và chỉ đạo viện trợ tới Dải Gaza nên được tăng cường.

Ngoài ra, Israel tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt các xe tải viện trợ tại các cửa khẩu biên giới vào Gaza, nhằm ngăn chặn các mặt hàng mà Hamas có thể sử dụng được đưa vào dải đất này.

Theo luật pháp quốc tế, Israel có quyền thực hiện những việc như kiểm tra các đoàn xe viện trợ để tìm những mặt hàng có thể hỗ trợ Hamas, cũng như ấn định thời gian và lộ trình viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, quyền này không phải là vô hạn. Các chuyên gia cho biết việc xem xét bối cảnh xung đột rất quan trọng.

 Một trẻ em bị suy dinh dưỡng được điều trị tại trung tâm y tế al-Awda (bắc Gaza) vào đầu tháng 4. Ảnh: REUTERS

Một trẻ em bị suy dinh dưỡng được điều trị tại trung tâm y tế al-Awda (bắc Gaza) vào đầu tháng 4. Ảnh: REUTERS

Ông Dannenbaum cho rằng: “Nếu không có nguy cơ xảy ra nạn đói cho dân thường thì người ta có thể thực hiện những hành động đó vì những lý do quân sự".

Tuy nhiên, ông Dannenbaum lập luận rằng một khi dân thường có nguy cơ chết đói, "một bên trong cuộc xung đột không thể lạm dụng thẩm quyền để kiểm tra, ấn định thời gian và tuyến đường theo cách cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân”.

Tuy nhiên, việc ICC có căn cứ hợp lý để ra lệnh bắt không đồng nghĩa với việc có đủ bằng chứng để kết tội. Bà Chimène I. Keitner – GS luật tại ĐH California (Mỹ) cho biết: “Những cuộc điều tra đó có xu hướng cực kỳ chuyên sâu, đòi hỏi văn phòng công tố phải điều tra lâu dài và tỉ mỉ”.

Theo đó, ở giai đoạn này, việc xét xử các quan chức Israel tại ICC là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo bà Keitner, việc ICC ban hành lệnh bắt các quan chức Israel sẽ làm tăng nhận thức rằng các hành động của Israel ở Gaza đã vi phạm luật pháp quốc tế. Và điều đó có thể góp phần gây áp lực chính trị lên các đồng minh của Israel, nhằm hạn chế sự hỗ trợ của họ dành cho Israel.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nan-doi-gaza-tro-thanh-phuong-phap-chien-tranh-post788960.html