Nạn đói rình rập Sudan và cuộc di tản lớn nhất bị thế giới bỏ quên
Một nửa dân số Sudan, tương đương 25 triệu người đang cần tới viện trợ trong khi hơn 10 triệu người Sudan buộc phải di dời, trở thành cuộc di tản lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, thế giới dường như đang “bỏ quên” quốc gia đang chìm trong cuộc nội chiến tranh giành quyền lực suốt hơn 1 năm qua. Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) vừa công bố số liệu cho thấy, hơn 10 triệu người Sudan, tương đương 20% dân số nước này, đã buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi tháng 4 năm ngoái, giữa quân đội và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự. Theo IOM, đây là cuộc di tản lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định, nạn đói đã trở thành nguyên nhân lớn nhất dẫn đến làn sóng di tản khỏi Darfur, một phần vì gặp khó khăn trong việc nhận viện trợ.
Tiến sĩ Shible Sahbani, Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới của Liên hợp quốc (WHO) tại Sudan cho biết: “Lý do chính khiến người dân rời Sudan bây giờ là nạn đói. Đây là lý do chính khiến họ rời đi, mà không phải vì mất an ninh, không phải vì thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Ở đó, người dân không có gì để ăn. Tôi thực sự bị sốc khi nghe một người phụ nữ nói về việc lương thực ở địa phương bị các tay súng trong xung đột lấy đi. Người Sudan đang không có lựa chọn nào khác là phải rời đi”.
Tiến sĩ Sahbani kêu gọi thế giới dành sự chú ý nhiều hơn đến Sudan - nơi đang chứng kiến “một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên thế giới”.
Theo một số báo cáo khác, khoảng 1/3 số người nhập viện tại Sudan vì thương tích liên quan đến giao tranh là phụ nữ hoặc trẻ em dưới 10 tuổi. Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và khoảng 25 triệu người dân nước này đối mặt với nạn đói và cần viện trợ nhân đạo. Ước tính đã có 2,2 triệu người Sudan chạy trốn ra nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, triển vọng đàm phán giữa các bên xung đột vẫn chưa rõ ràng. Thế giới chưa dành nhiều sự quan tâm để giúp các bên trong xung đột Sudan hòa giải. Liên Hợp Quốc vẫn là bên trung gian chính ở thời điểm hiện tại.
Theo các nguồn tin, các cuộc đàm phán giữa Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại Sudan, Ramtane Lamamra và các phái đoàn của hai bên tham chiến ở Sudan đã diễn ra vào cuối tuần qua, song chưa có kết quả cụ thể dù bước đầu được nhận định là không khí đối thoại khá gần gũi. Dự kiến, các cuộc tiếp xúc như vậy sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai (18/7) ở Geneva (Thụy Sĩ). Nội dung thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề viện trợ nhân đạo và bảo vệ dân thường. Đáng chú ý, ông Lamamra sẽ chỉ được gặp riêng rẽ với từng phái đoàn Sudan, do các bên xung đột không có kế hoạch gặp nhau trực tiếp.