Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng - Bài 4: Tạo hành lang cơ chế chính sách
Kiều hối là tiền của người dân nên việc sử dụng như thế nào là quyền của dân. Tuy nhiên, dưới góc nhìn vĩ mô, việc Nhà nước có chính sách để khai thác nguồn lực này là hết sức cần thiết. Đất nước phát triển, người giữ kiều hối lại được sinh lợi và đặc biệt là tự hào vì cùng đóng góp cho nước nhà.
Đề án sẽ trình trong quý 2
Trước nguồn lực kiều hối dồi dào, tăng trưởng ổn định qua hàng chục năm, tháng 1-2023, UBND TPHCM giao Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM chủ trì xây dựng đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”. Từ đó đến nay, cơ quan này đã nhiều lần lấy ý kiến góp ý xây dựng đề án từ các sở ngành, đơn vị liên quan, các cơ quan ngoại giao tại các nước có điều kiện tương đồng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để hoàn chỉnh dự thảo.
Mới đây, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cho biết, hiện cơ quan này đang phối hợp Ngân hàng Nhà nước TPHCM tiếp thu các ý kiến theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, dự kiến trình lại đề án vào đầu quý 2-2024. Bà Mai kỳ vọng sau khi đề án được thông qua, cùng với việc triển khai Nghị quyết 98 với nhiều cơ chế mở về thu hút đầu tư, nguồn lực kiều hối sẽ hướng nhiều hơn về các dự án đầu tư, nhất là các dự án an sinh xã hội, phát triển hạ tầng, tạo tác động tích cực đến sự phát triển chung của thành phố.
Trong dự thảo đề án, đáng chú ý là việc đánh giá TPHCM hiện đóng vai trò điểm trung chuyển kiều hối. Cho nên kiều hối mới chỉ góp phần vào kinh tế TPHCM thông qua thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ. TPHCM chưa định hướng được mục tiêu cụ thể cần đạt được của việc thu hút nguồn lực kiều hối. TPHCM cũng chưa có cơ chế chính sách chuyên biệt thu hút nguồn vốn của người Việt Nam ở nước ngoài đưa vào sản xuất, kinh doanh để trực tiếp thẩm thấu vào nền kinh tế. Chưa có chính sách định hướng hình thành và phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp với các mức thu nhập khác nhau.
Với đề án này, TPHCM đặt mục tiêu tạo hành lang cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng giúp nguồn kiều hối gửi về dịch chuyển tập trung sang 2 kênh chính ngạch là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối, năm sau nhiều hơn năm trước. Đặc biệt là định hướng nguồn lực kiều hối phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc đầu tư và phát triển kinh doanh tại TPHCM, khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào các dự án phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường tại thành phố. Định hướng là vậy, nhưng để người nắm giữ kiều hối vui vẻ mở hầu bao tham gia xây dựng thành phố phát triển, cần có giải pháp thích hợp.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cơ chế chính sách của ngành ngân hàng đã luôn đồng hành, đáp ứng các hoạt động gửi nhận kiều hối. Trong đó, người thụ hưởng hiện nay không phải trả thuế thu nhập và có thể nhận đa dạng các nguồn ngoại tệ chứ không chỉ VND bằng nhiều hình thức dịch vụ ngân hàng nhanh gọn. Tuy nhiên, để thu hút mạnh nguồn lực kiều hối, TPHCM cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đây là giải pháp chiến lược và lâu dài. Đồng thời, tiếp tục gia tăng các hoạt động khơi dậy lòng yêu nước, khuyến khích kiều bào ở ngoài nước đầu tư, tích lũy về trong nước.
Bắt đầu từ đâu?
Từng sống và làm việc nhiều năm tại Hoa Kỳ, rồi hơn 20 năm giảng dạy đại học tại Việt Nam, GS Hà Tôn Vinh cho biết, trong thời gian làm việc cho Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế ở hơn 90 nước, đi đâu ông cũng gặp người Việt xa xứ. Họ luôn mong được về thăm, định cư tại quê nhà, hoặc đầu tư vào nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhiều kiều bào còn mong được đầu tư ở Việt Nam để cho họ và con cái họ sau này được về sinh sống, làm việc hay về hưu tại quê nhà. Xuất phát từ thực tế đó, nên thẳng thắn nhìn nhận lượng kiều hối chuyển về Việt Nam còn rất khiêm tốn so với số lượng hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM nên có một tổ tư vấn chuyên trách cho kiều bào có thu phí, để hỗ trợ kiều bào tìm hiểu cơ hội đầu tư, kết nối, giải quyết các vướng mắc. TPHCM cũng nên tổ chức cho kiều bào đi thăm các dự án, công trình nhân đạo, phúc lợi mà TPHCM muốn thu hút đầu tư.
“Việc chuyển tiền về Việt Nam đầu tư hay bỏ vào các quỹ tiết kiệm luôn nằm trong tính toán của họ. Trong khi đó, thời gian về Việt Nam có hạn, khoảng cách xa xôi và vì kinh nghiệm ít ỏi, nên họ cần một cầu nối, một tổ chức tư vấn hỗ trợ cho các nhu cầu nói trên. Họ có rất ít thông tin về những dự án phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính, hay địa phương của họ. Điều này làm giảm mong muốn và cơ hội đem kiều hối về quê nhà, đặc biệt là tại TPHCM”, GS Hà Tôn Vinh cho biết.
Trong khi đó, các chuyên gia từ Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, các vấn đề với kiều hối hiện nay là chi phí chuyển tiền cao. Các chuyên gia đề xuất, TPHCM thực hiện chính sách giảm chi phí giao dịch; phát hành trái phiếu kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư.
Phát hành trái phiếu kiều hối/kiều bào cũng là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình. TS Võ Hồng Đức, Trường Đại học Mở TPHCM, cho rằng, để khuyến khích đầu tư từ kiều bào, việc phát hành trái phiếu kiều bào là rất quan trọng. Cụ thể, TPHCM có thể phát hành trái phiếu đô thị (còn gọi là trái phiếu kiều bào), để cung cấp nguồn vốn cho việc xây dựng các công trình lớn. Với cơ chế minh bạch, xuất phát điểm là khuyến khích kiều bào mua trái phiếu để đầu tư vào dự án, sẽ được hưởng lãi suất ổn định, được miễn thuế trên tiền lãi và được bảo đảm mang lại số tiền đầu tư về lại nước ngoài sau thời gian đầu tư.
Với sáng kiến này, TPHCM trước tiên sẽ phát hành trái phiếu để kêu gọi nguồn vốn từ kiều bào ở nước ngoài, phần chi phí còn lại TPHCM mới giao cho các nhà thầu tại Việt Nam, thay vì TPHCM giao toàn bộ dự án cho các nhà đầu tư. Với tâm lý “hướng về nguồn cội”, nhiều kiều bào sẵn sàng đầu tư trong khả năng của mình để xây dựng một TPHCM và một Việt Nam giàu mạnh. Các dự án phục vụ cộng đồng, hướng đến đối tượng dễ bị tổn thương, yếu thế trong xã hội Việt Nam, nên kêu gọi kiều bào đầu tư với suất sinh lợi thấp.
TS HOÀNG XUÂN BÌNH, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp Việt kiều châu Âu: Không bị mất, sinh lời và thanh khoản cao
Điều đầu tiên kiều bào quan tâm khi muốn đầu tư về Việt Nam là đảm bảo nguồn tài chính không bị mất, có khả năng sinh lời, có khả năng thanh khoản hay thừa kế. Đối với TPHCM, khi kiều bào về đầu tư theo yêu cầu của thành phố thì phải được hỗ trợ pháp lý, như xin quốc tịch cho bản thân và thân nhân, hay chính sách cư trú dài hạn cho kiều bào và gia đình...
Ông Peter Hồng, Việt kiều Australia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài: Nên phát hành trái phiếu công trình
TPHCM nên tiếp tục phát hành trái phiếu chính quyền thành phố, cụ thể là trái phiếu công trình, dự án trọng điểm nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phát hành trái phiếu đầu tư vào các dự án có khả năng hoàn vốn tại thành phố, trong đó mở rộng đối tượng mua trái phiếu là kiều bào đang sinh sống tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài. Trái phiếu chính quyền thành phố có nhiều ưu điểm, là mức độ rủi ro thấp, được niêm yết công khai, cập nhật liên tục, nhà đầu tư không phải chịu thuế thu nhập cá nhân từ khoản lợi nhuận thu được từ trái phiếu, có thể thực hiện cầm cố trái phiếu, chuyển nhượng qua các sàn giao dịch, các tổ chức tài chính, ngân hàng...