Nan giải bài toán chợ 'cóc': Cần cơ chế hút vốn cho chợ truyền thống
Thời gian qua, TP Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp nhằm từng bước xóa bỏ các chợ 'cóc', chợ tạm tồn tại trên địa bàn, góp phần đảm bảo trật tự đô thị và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để xử lý triệt để và tránh tình trạng tái phát, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, cần có cơ chế phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống.
Nhan nhản chợ tạm, chợ cóc
Hiện nay, tình trạng chợ “cóc”, chợ tạm vẫn diễn ra tại nhiều tuyến phố, khu dân cư đông đúc như phố Mai Dịch (phường Mai Dịch), khu tập thể Trung Tự (phường Kim Liên)… Tại phường Thanh Xuân, chợ Thượng Đình chỉ cách chợ “cóc” trên phố Chính Kinh vài trăm mét.
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 457 chợ, bao gồm các hạng từ 1 - 3. Hệ thống chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành; Ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ đang xuống cấp, điều này khiến người dân nhất là các khu đô thị mới không muốn đi chợ này thay vào đó là những ngôi chợ tạm, “chợ cóc” tràn lan nơi rìa đường.

Buôn bán tại chợ cóc trong khu tập thể Nam Đồng (Phường Đống Đa). Ảnh: Hoài Nam
Chị Trần Minh Trang (sinh sống tại ngõ Văn Chương, phường Văn Miếu- Quốc Tử Giám) cho biết, tình trạng họp chợ cóc, chợ tạm trong ngõ thường kéo dài từ sáng sớm đến tối mịt. Người dân thay vì vào trong chợ truyền thống mua bán thì giờ họ có thể dừng ngay tại vỉa hè để mua bó rau, cân thịt cho thuận tiện. Tương tự, chị Nguyễn Thu Hằng (phường Văn Miếu) chia sẻ, do đi làm về muộn nên tôi thường mua thực phẩm ở những chợ tạm. Nguyên nhân là bởi vào chợ truyền thống sẽ mất nhiều thời gian còn về độ an toàn của thực phẩm tôi thấy mua ở chợ “cóc” không khác nhiều so với đồ trong chợ hay ở siêu thị..
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội đang tồn tại 85 chợ “cóc”, chợ tạm. Đây là những điểm kinh doanh tự phát, vi phạm công tác quản lý Nhà nước về trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… “Theo phân cấp, trách nhiệm giải tỏa các chợ không phù hợp quy hoạch, điểm kinh doanh tự phát, đảm bảo an ninh trật tự, văn minh đô thị thuộc thẩm quyền của chính quyền cấp cơ sở”- bà Oanh nêu rõ.
Cần cơ chế để hút vốn đầu tư, nâng cấp chợ truyền thống
Nhằm cải tạo xây mới hệ thống chợ truyền thống, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 8/4/2024 về thực hiện chỉ tiêu về đầu tư, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024 - 2025. Kế hoạch đưa ra mục tiêu cải tạo xây mới 38 chợ, trong đó có 17 dự án chợ xây mới và 21 chợ cải tạo, sửa chữa. Đến nay, đã có 9 chợ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 41 chợ đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong quá trình cải tạo nâng cấp xây mới chợ cho thấy một số các chợ khu vực chợ ngoại thành họp theo phiên, quy mô nhỏ, nên doanh thu rất thấp chỉ đủ bù đắp chi phí vệ sinh môi trường và một phần chi phí quản lý…Không đủ bù đắp các khoản khấu hao, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, nên rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng xã hội hóa nguồn vốn. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư theo kêu gọi của TP.

Người dân mua thực phẩm tại chợ "cóc". Ảnh: Hoài Nam
Một số chợ không phải là tài sản công (đất do UBND phường sở hữu nhưng tài sản trên đất là do doanh nghiệp trúng thầu đầu tư) dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết thủ tục giao, cho thuê đất của các chợ sau chuyển đổi, khó áp dụng theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ Phùng Ngọc Sơn cho biết, mặc dù Nhà nước đã đồng ý sử dụng một phần vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như về giá đất, tiền thuê đất. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không dễ dàng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất… “Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội và các sở, ngành liên quan nên có mẫu quy hoạch, thiết kế cơ bản của chợ như diện tích sạp hàng, bãi giữ xe, đường giao thông… để doanh nghiệp có căn cứ pháp lý trong quá trình xây dựng chợ” - ông Sơn kiến nghị.
Nhằm gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ, Giám đốc Võ Nguyên Phong kiến nghị, Bộ Tài chính tham mưu cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, về ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ.
Qua đó đảm bảo giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ tương đương với mức thu áp dụng khi chợ đang do nhà nước quản lý đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.
TP Hà Nội xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo chợ theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra.

Chợ "cóc" tại khu tập thể Nam Đồng (phường Đống Đa). Ảnh: Hoài Nam
Bên cạnh đó các sở ngành của Hà Nội như Sở Tài chính, Chi cục Thuế khu vực I, Sở Nông nghiệp và Môi trường… tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các chợ về tiền thuê đất theo quy định tại Luật đất đai. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị hành chính cơ sở xác định giá trị tài sản trên đất, xử lý thanh toán tài sản có nguồn gốc từ vốn ngân sách trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ;Hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành hồ sơ pháp lý về đất đai.
UBND các phường, xã cần lập kế hoạch, phương án thực hiện giải tỏa, duy trì lực lượng chốt giữ sau giải tỏa không để tái phát sinh các điểm kinh doanh tự phát.
Trước những kiến nghị của cơ quan quản lý, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác chuyên môn 6 tháng đầu năm và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan của Sở Công Thương Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận huyện phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh hoạt động nâng cấp cải tạo chợ theo hướng trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa.
Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các xã trong năm 2025 kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, yêu cầu các địa phương “vào cuộc” trong việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống chợ hiện đại theo chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025