Nan giải chống hàng giả trên mạng
Đại diện cơ quan quản lý Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp từ chế tài mạnh hàng giả đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp.
Cuộc chiến chống hàng giả trên không gian mạng ngày càng cam go. Tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 10-7, các nhà quản lý đã đưa ra hai hướng tiếp cận: Vừa siết chặt quản lý vừa khuyến khích doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Quy trách nhiệm nền tảng, chế tài phải đủ sức răn đe
Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương), không gian mạng đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước thực trạng này, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã vào cuộc quyết liệt.
Báo cáo trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng QLTT đã xử lý 9.919 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính lên đến 266 tỉ đồng, đồng thời chuyển 76 vụ có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra.

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương). Ảnh: THUẬN VĂN
Dù vậy, ông Nam thẳng thắn nhìn nhận cuộc chiến này còn nhiều gian nan. Các rào cản lớn nhất hiện nay là chế tài xử phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ hàng giả; pháp luật chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và việc xác định trách nhiệm của các nền tảng trung gian còn nhiều khoảng trống pháp lý. Thêm vào đó, quy trình giám định hàng giả mất nhiều thời gian, chi phí cao, làm chậm tiến độ xử lý.
Từ thực tiễn này, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước kiến nghị hàng loạt giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng tăng nặng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Đặc biệt, cần quy định trách nhiệm pháp lý rõ ràng cho các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát, ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung vi phạm.
Cần thiết lập một cơ chế giám định nhanh và tăng cường phối hợp quốc tế với các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok để xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM điều hành buổi tọa đàm. Ảnh: THUẬN VĂN
Tick xanh trách nhiệm
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, mô tả cuộc chiến chống hàng giả như một cuộc "đuổi bắt" vô cùng tốn thời gian và công sức.
Ông cho biết, việc xử lý hàng hóa sau khi bắt giữ thậm chí còn khó hơn cả việc đi bắt hàng giả. Hơn nữa, quy định pháp luật hiện hành đã lạc hậu, chưa theo kịp các hành vi lách luật tinh vi của đối tượng kinh doanh, đặc biệt là đối tượng ẩn danh trên mạng xã hội.
Trước thực tế đó, thay vì chỉ chạy theo xử phạt hay lập "danh sách đen" vốn có thể gây tranh cãi pháp lý, Sở Công Thương chọn một hướng đi khác.
"Thay vì dìm họ thì nên nâng họ lên. Cụ thể là triển khai chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, kêu gọi các nhà sản xuất tham gia để được cấp chứng nhận chất lượng cho sản phẩm.
Điểm mấu chốt của chương trình là mức chế tài rất nặng: Chỉ cần một sản phẩm của doanh nghiệp được gắn "tick xanh" bị phát hiện vi phạm, tất cả các siêu thị tham gia chương trình sẽ đồng loạt ngừng nhập hàng hóa của doanh nghiệp đó" - ông Phương nói.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN
Ông Phương cho biết ban đầu doanh nghiệp rất hào hứng nhưng khi nghe đến chế tài nghiêm khắc thì nhiều đơn vị lại chùn bước. Kết quả là sau hơn một năm, sở chỉ nhận được vài trăm hồ sơ đăng ký.
Tuy nhiên, ông Phương khẳng định về đường dài, việc khuyến khích và tìm cách đưa doanh nghiệp vào một khuôn khổ chuẩn chỉnh như vậy sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm một cách bền vững, bảo vệ người tiêu dùng từ gốc.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nan-giai-chong-hang-gia-tren-mang-post859626.html