Tây Ninh: Tăng tốc hạ tầng, đẩy mạnh kinh tế biên giới
Tỉnh Tây Ninh đang triển khai đồng bộ nhiều dự án, giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa khu vực biên giới trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Từ các công trình giao thông chiến lược đến hạ tầng logistics, từ phát triển kinh tế cửa khẩu đến du lịch văn hóa – lịch sử, Tây Ninh đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kết nối khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ với Campuchia và các quốc gia ASEAN.
Đẩy mạnh thương mại biên giới

Cửa khẩu Xa Mát là đầu mối giao thương với Campuchia.
Theo Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, hiện nay toàn tỉnh có đường biên giới dài 374,9 km với 4 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam và Bình Hiệp); 4 cửa khẩu quốc gia (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân, Mỹ Quý Tây) cùng 13 cửa khẩu phụ và nhiều đường truyền thống qua lại biên giới, tiếp giáp 3 tỉnh thuộc Campuchia (Svay Rieng, Pray Veng và Tboung Khmum).
Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Tây Ninh ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển mạnh mẽ. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh ước đạt 10.778 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm điện năng, dây cáp điện, giày thể thao, quần áo, gạo, trái cây. Trong khi đó, nhập khẩu chủ yếu là trái cây tươi, xoài lát sấy, gạo, đường cát và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng gia công xuất khẩu.
Trong khi đó, theo ông Trương Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2025, công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng triển khai tại các cửa khẩu ghi nhận kết quả tích cực. Riêng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài là điểm thu chính với 140.801 lượt phương tiện, số tiền thu được hơn 193,39 tỷ đồng, đạt 92,65% kế hoạch năm (208,75 tỷ đồng). Đây là cửa khẩu có lưu lượng phương tiện và kim ngạch giao thương cao nhất tỉnh, đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế cửa khẩu. Những kết quả trên cho thấy hiệu quả trong việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng và tổ chức khai thác hoạt động tại các cửa khẩu, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế khu vực biên giới và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tăng tốc hạ tầng, thúc đẩy logistics
Theo ông Nguyễn Nam Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh đang thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm trên tuyến biên giới; trong đó, có Dự án xây dựng Cửa khẩu quốc tế Tân Nam và nâng cấp tuyến đường kết nối từ Đồn Biên phòng Tân Nam đến giao lộ ĐT.788 và ĐT.783. Đây là những công trình hạ tầng có ý nghĩa chiến lược, không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực biên giới, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là nông sản, mà còn đóng vai trò quan trọng trong củng cố quốc phòng – an ninh và đối ngoại khu vực.
Trong khi đó, toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 30 chợ biên giới, đồng thời tỉnh quy hoạch và phát triển các trung tâm logistics trọng điểm như: Trung tâm logistics tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (150 ha), Xa Mát (100 ha), Trung tâm kho vận và dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (10 ha) và Mỹ Quý Tây (10 ha).
Đồng thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, UBND tỉnh Tây Ninh đang phối hợp với Tập đoàn YCH triển khai dự án logistics theo mô hình Mini SuperPort và trung tâm lưu trữ, phân phối tập trung nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Song song đó, tỉnh đang tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và thương mại tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và phụ; nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với hệ thống cửa khẩu, hạ tầng logistics. Từ năm 2024 đến nay, tỉnh đã bố trí tổng vốn đầu tư trên 475 tỷ đồng cho 4 dự án trọng điểm gồm: xây dựng đường ĐD 6A trong Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (17 tỷ đồng); các dự án khác tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (234 tỷ đồng); xây dựng cửa khẩu quốc tế Tân Nam (74 tỷ đồng); và nâng cấp tuyến đường kết nối từ Đồn Biên phòng Tân Nam đến ngã ba giao ĐT.788 và ĐT.783 (150 tỷ đồng).
Một trong những dự án trọng điểm được kỳ vọng tạo đột phá cho kinh tế biên giới Tây Ninh là tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (giai đoạn 1). Hiện nay, dự án là công trình hạ tầng trọng điểm được tỉnh Tây Ninh đặc biệt quan tâm. Đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh thuộc Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi hoàn thành, tuyến đường mở ra cơ hội lớn cho vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch và tăng cường giao thương xuyên biên giới qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hồng Thanh cho biết, trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các xã có dự án đường cao tốc đi qua, tập trung triển khai quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư để bảo đảm đúng tiến độ thi công. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Đề án về các cơ chế, chính sách áp dụng cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để trình Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ ngành sớm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ cho chủ trương.
Ngoài phát triển hạ tầng giao thông và cửa khẩu, Tây Ninh cũng chú trọng phát huy tiềm năng du lịch biên giới, đặc biệt là tại các địa danh gắn liền với lịch sử và tín ngưỡng. Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam – “địa chỉ đỏ” của cách mạng Việt Nam – tiếp tục là điểm đến quan trọng trong hành trình giáo dục truyền thống yêu nước, hun đúc tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm du lịch văn hóa – tâm linh hàng đầu khu vực phía Nam.