Nan giải vật liệu nền đường cao tốc

Việc xây dựng các tuyến cao tốc tại ĐBSCL là không thể chậm trễ. Nếu bây giờ mới nghiên cứu vật liệu làm nền đường thay thế cát sẽ không kịp vì chủ đầu tư đã chuẩn bị mặt bằng

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), từ nay đến năm 2025, nhu cầu cát để thi công đắp nền 4 tuyến cao tốc tại ĐBSCL là khoảng 39 triệu m3. Tuy nhiên, các mỏ cát sông trong vùng chỉ đáp ứng được khoảng 20 triệu m3. Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển hay cát nhiễm mặn làm nền đường đang được tính đến.

"Tự ăn thịt mình"

Bộ GTVT đã gửi văn bản đến 6 địa phương ở ĐBSCL, gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng đề nghị hỗ trợ điều tra, khảo sát nguồn vật liệu đắp nền phục vụ các dự án đường cao tốc trong khu vực.

Bộ GTVT đề nghị cho phép khai thác khoảng 5.000 m3 cát biển tại 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng để thi công thí điểm. Qua đó, nghiên cứu, đánh giá khả năng sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Nguồn cát sông ở ĐBSCL ngày càng cạn kiệt.Ảnh: NGỌC TRINH

Nguồn cát sông ở ĐBSCL ngày càng cạn kiệt.Ảnh: NGỌC TRINH

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, nguồn cát khu vực này là từ sông Mê Kông mang đến trong mùa lũ. Quá trình kiến tạo nên ĐBSCL bắt nguồn từ việc nước lũ đem theo cát xuống hằng năm. Hàng ngàn năm qua, ĐBSCL tiến về phía biển trung bình 16 m/năm và về mũi Cà Mau là 26 m/năm.

"Trong quá trình này, bao giờ cát cũng đi trước lót nền, sau đó tới phù sa - tức cát chính là nền tảng của ĐBSCL. Vì vậy, lấy cát là lấy đi nền tảng đã kiến tạo nên ĐBSCL. Bây giờ chúng ta lấy cát biển đi thì giống như "tự ăn thịt mình", ngăn chặn quá trình kiến tạo đồng bằng" - ông Thiện lo ngại.

Chuyên gia này cho biết các mỏ cát được cấp phép khai thác chỉ đáp ứng được 14% thị trường, 86% còn lại là từ nguồn không có phép. Theo ông, việc đem phương tiện sang Campuchia mua cát về cũng là "tự ăn thịt mình", bởi đây cũng là nguồn từ sông Mê Kông mang đến.

TS Dương Văn Ni, Trường ĐH Cần Thơ, giải thích người dân ĐBSCL thường gọi "con sông" mà không gọi "dòng sông" vì họ cho rằng "con" là sinh vật sống, cũng cần "có chân" để đi. Cát dọc theo bờ biển là "đôi chân" của những con sông và của cả ĐBSCL. Đồng bằng có "đi" ra được biển, có lớn hơn hay không là nhờ "đôi chân" ấy.

"Do đó, mong các nhà quản lý đừng đề xuất khai thác cát biển vì không chỉ "tự chặt đôi chân" của mình mà khi ĐBSCL lớn mạnh thì cũng không còn chân mà đi. Vì vậy, cần phải kiếm nguồn vật liệu khác thay thế" - ông Ni mong mỏi.

Lấy cát từ cồn?

Ông Hà Huy Anh, chuyên gia từ Dự án Quản lý cát bền vững thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam, cho rằng việc quá nhiều đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn đã dẫn đến lượng trầm tích đổ về ĐBSCL giảm theo thời gian. Đến năm 2045, dự báo chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích về ĐBSCL, trong đó cát chỉ còn 450.000-670.000 tấn so với 143,2 triệu tấn năm 2007.

Sự thiếu hụt trầm tích là nguyên nhân chính làm lòng sông ngày càng xói sâu, bờ sông và bờ biển sạt lở, xâm nhập mặn ở đồng bằng ngày càng nghiêm trọng. Ông Hà Huy Anh cảnh báo: "Chúng ta đang chi tiêu "ngân hàng cát" âm ít nhất 26,5 - 39,5 triệu tấn/năm. Có thể con cháu chúng ta sẽ không còn thấy 40% diện tích của đồng bằng sau khoảng 80 năm nữa".

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, cát về ĐBSCL hiện nay rất ít là do nó "khởi hành" từ thượng nguồn xuống rất lâu. Với tình trạng hàng chục đập ở thượng nguồn chắn ngang dòng sông như hiện nay thì trong tương lai, cát sẽ không còn về được ĐBSCL.

Ông Thiện đề xuất các địa phương ĐBSCL nên xem lại quy hoạch những đô thị mới, đầu tiên là liên kết vùng. Bởi lẽ, sông Mê Kông và Cửu Long là một hệ, nếu lấy cát ở bên trên thì bên dưới "đói" cát. Do đó, cần quản lý cát trên bình diện cả khu vực ĐBSCL.

Trong khi đó, việc xây dựng các tuyến cao tốc tại ĐBSCL là không thể chậm trễ. Điều nan giải là nếu bây giờ mới nghiên cứu vật liệu làm nền đường thay thế cát thì sẽ không còn kịp vì chủ đầu tư đã chuẩn bị mặt bằng.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, TS Dương Văn Ni đề xuất Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam và các nhà khoa học nên khảo sát các cồn ở ĐBSCL. Những cồn này cũng do cát bồi qua năm tháng mới hình thành nên.

"Các cồn ở ĐBSCL là nguồn cung cấp cát tốt nhất cho những công trình cấp bách. Cồn nào có dân sinh sống thì chúng ta có chính sách di dời, hỗ trợ họ. Nếu khai thác cát trên sông thì đáy sông bị kéo xuống, gây ra sạt lở khắp nơi, người dân mất tài sản. Trong khi đó, nếu không lấy cát từ cồn thì cồn cũng sẽ biến mất trong tương lai vì thiếu cát bồi đắp" - ông Ni phân tích.

Đáy sông nhiều nơi đã rỗng từ lâu

Theo TS Dương Văn Ni, người dân sống ở cù lao, cồn, mé sông tại ĐBSCL luôn đang đối mặt nguy cơ sạt lở. Vì vậy, nếu có điều kiện, người dân nên xây dựng nhà cửa trên đất liền, cách xa những khu vực này.

Mới đây, vụ sạt lở với diện tích hơn 4 ha đất tại cù lao Minh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long - cách cầu Mỹ Thuận không xa - hôm 5-12 đã gây thiệt hại khoảng 35 tỉ đồng. ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vụ sạt lở này không hề có dấu hiệu cảnh báo trước, chứng tỏ đáy sông nhiều nơi đã rỗng từ lâu.

CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/nan-giai-vat-lieu-nen-duong-cao-toc-20221225202723002.htm