Nạn ném đá lên tàu hỏa Bắc - Nam: Cần quyết liệt ngăn chặn
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại nhiều địa phương trong cả nước (Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên - Huế...) xảy ra loạt trường hợp ném đất, đá, chất bẩn lên các đoàn tàu Bắc - Nam. Đáng lo, có nhiều đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm này là học sinh, thanh thiếu niên.
Báo động nạn ném đất, đá lên tàu đường sắt
Theo thống kê của ngành Đường sắt Việt Nam, chỉ tính trong tháng 4/2024, toàn ngành Đường sắt đã xảy ra gần 20 vụ ném đá, làm vỡ hơn 20 tấm kính cửa toa xe. Riêng trên phạm vi Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình quản lý (từ TP. Đà Nẵng đến tỉnh Bình Định), từ đầu năm đến nay đã xảy ra 10 vụ ném đất, đá, làm vỡ 11 tấm kính cửa toa xe.
Điển hình như, tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay xảy ra 3 vụ ném đất, đá, chất bẩn lên tàu. Cụ thể, vào lúc 9 giờ 25 phút ngày 29/1/2024, đoàn tàu SE4 chạy hướng TP. Hồ Chí Minh - TP. Hà Nội đến Km950+500 khu gian Thạch Trụ - Mộ Đức thuộc địa bàn xã Đức Tân (huyện Mộ Đức) bị ném đá vỡ kính cửa sổ toa xe 31585, vị trí bên trái theo hướng tàu chạy. Tiếp đó, vào lúc 22 giờ 49 phút ngày 9/2/2024, đoàn tàu 7403 chạy hướng TP. Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đến Km943+500 khu gian Hòa Vinh Tây - Mộ Đức thuộc địa bàn xã Đức Hiệp (huyện Mộ Đức) bị ném đá vỡ kính cửa sổ toa xe 11808 vị trí bên trái theo hướng tàu chạy.
Tương tự, vào lúc 21 giờ 57 phút ngày 14/2/2024, đoàn tàu SE8 chạy hướng TP. Hồ Chí Minh - TP. Hà Nội đến Km908+200 khu gian Bình Sơn - Trì Bình thuộc địa bàn thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn) bị ném đá vỡ kính cửa sổ toa xe 21575 vị trí bên phải theo hướng tàu chạy.
Tại địa bàn tỉnh Bình Định, ngày 30/12/2023, ga Khánh Phước phối hợp với Công an xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) theo dõi, điều tra xác minh được 2 đối tượng thường trú tại thôn Mỹ Hóa (xã Cát Hanh), gồm P.H.H (học sinh lớp 2) và P.V.Tr (học sinh lớp 5) cùng là học sinh của Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) có hành vi ném đá lên tàu.
Tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 3/7 - 10/7, Công an huyện Đức Thọ tiếp nhận trình báo của các trường tàu thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc xảy ra 3 vụ ném đá lên tàu khi đi qua địa bàn huyện Đức Thọ. Sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, Công an huyện Đức Thọ phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh và công an các xã tập trung lực lượng khẩn trương xác minh, điều tra. Qua quá trình điều tra, rà soát, xác định nhóm học sinh trên địa bàn xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, gồm: Tạ Quốc Đ (sinh năm 2009), Lại Anh Q (sinh năm 2011), Lại Phan Bảo N (sinh năm 2008), đều trú tại xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, là học sinh, cùng thực hiện hành vi ném đá lên đoàn tàu. Tại cơ quan điều tra, cả 3 học sinh trên thừa nhận, từ đầu tháng 7/2024 đến nay đã nhiều lần tụ tập, ném đất, đá vào các chuyến tàu đi qua địa bàn để đùa nghịch.
Tại tỉnh Quảng Trị, ngày 23/7/2024, sau khi nhận được thông tin về vụ ném đất, đá lên đoàn tàu qua địa bàn xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng), Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an) yêu cầu Xí nghiệp Đầu máy trích xuất camera hành trình để xác nhận nhóm đối tượng và phối hợp với Công an huyện Hải Lăng tiến hành truy xét, xác minh. Vào cuộc xác minh, đến nay, lực lượng chức năng địa phương đã xác minh được các đối tượng là 6 học sinh có độ tuổi từ 9 - 14 cùng trú ở địa phương thực hiện hành vi ném đất, đá lên đoàn tàu với mục đích vui chơi, nô đùa.
Hay như vụ mới xảy ra gần đây nhất là vào lúc 9 giờ 25 phút ngày 5/8/2024, tàu SE3 khi đến Km721+700 khu gian Truồi - Cầu Hai thuộc địa phận xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị các đối tượng ném đá lên toa xe số 11455 (toa thứ 9 đoàn tàu) làm vỡ 1 cửa kính. Hiện đơn vị quản lý đường sắt đang đề nghị lực lượng chức năng địa phương vào cuộc xác minh, điều tra xử lý.
Trước thực trạng nạn ném đá lên tàu diễn ra trong thời gian gần đây, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình cho rằng, tình trạng ném đất, đá lên các đoàn tàu ngày càng diễn biến rất phức tạp. Mặc dù các vụ ném đất, đá chưa gây thương vong về người nhưng rất nguy hiểm đến tính mạng hành khách đi tàu và các nhân viên đường sắt làm việc trên tàu.
Cần kịp thời ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn vận tải đường sắt
Quy định pháp luật xử lý hành vi ném đất, đá lên tàu thế nào?
Luật sư Nguyễn Thủy - Công ty Luật hợp danh FDVN thông tin, theo khoản 3, Điều 73 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì pháp luật quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc các vật thể khác vào tàu.
Ngoài ra, nếu hành vi đó vô ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng theo điểm d, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. Trong trường hợp cố ý ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo điểm a, khoản 8 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp việc ném đá mà gây thiệt hại về tài sản từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
Trường hợp ném đất đá mà cố ý gây gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật hình sự, mức hình phạt cao nhất đối với tội này có thể lên tới 20 năm từ hoặc tù chung thân.
Theo Luật sư Nguyễn Thủy, khi xử lý vi phạm hành chính đối với thanh thiếu niên vi phạm, hiện nay tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định rằng, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Đồng thời, căn cứ khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 68 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Người chưa thành niên vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Điều 136 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng.
Theo công an các địa phương, việc xử lý các hành vi ném đất, đá lên các đoàn tàu chỉ mới dừng lại ở hình thức gọi lên để răn đe, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Thông thường, sau khi vào cuộc xác minh được đối tượng thực hiện hành vi ném đất, đá lên tàu, thì thực hiện mời các cháu cùng bố mẹ đến trụ sở công an làm việc. Kết hợp với công tác tuyên truyền, làm rõ hành vi vi phạm, lực lượng chức năng còn có hình thức răn đe phù hợp và đề nghị gia đình, người thân nhắc nhở, giáo dục, quản lý các cháu và ký cam kết không để các cháu tái phạm.
Trên cơ sở tình hình thực tế, lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch, phối hợp với các trường học thực hiện tuyên truyền pháp luật về TTATGT, thông tin về tình hình trật tự, vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trên địa bàn, đặc biệt là hành vi vi phạm về trật tự ATGT đường sắt, hành vi nguy hiểm ném đá, chất bẩn lên các đoàn tàu.
Luật sư Nguyễn Thủy, Công ty Luật hợp danh FDVN cho rằng, để ngăn chặn hành vi nguy hiểm này cần phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết đối với các em học sinh. Lồng ghép nhiều hoạt động thực tiễn, dễ hiểu, sâu sát trong phạm vi trường học để các em nhận thức được hậu quả nguy hiểm của hành vi, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Gia đình và nhà trường cần đồng hành sát sao hơn nữa bên cạnh con em mình, đồng thời công an các địa phương cần khẩn trương xác minh điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trung tá Nguyễn Đức Hùng, Đội trưởng Đội Kiểm tra, kiểm soát trật tự ATGT Đường sắt số 3 (Phòng 6, Cục CSGT, Bộ Công an) nhìn nhận, từ một số kết quả xác minh, xử lý các vụ ném đất, đá lên các đoàn tàu của lực lượng công an địa phương cho thấy, đối tượng thực hiện hành vi này đều nhỏ tuổi, là các em học sinh chưa có nhận thức đầy đủ về hành vi của mình và xem đó là sự đùa nghịch. Ngoài ra, có thể có trường hợp hy hữu người dân bức xúc khi xảy ra tai nạn đường sắt làm chết gia súc, hay mất mát người thân nên xảy ra hành vi "bột phát" ném đất, đá, chất bẩn lên tàu khi thấy đoàn tàu chạy qua.
"Từ đó có thể thấy rằng, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nói chung, TTATGT đường sắt nói riêng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của thanh thiếu niên, học sinh, người dân là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và hết sức quan trọng. Một khi có nhận thức cao, ý thức tốt thì người dân sẽ có ứng xử văn minh, hạn chế được các hành vi tiêu cực, khi đó hành vi ném đất, đá lên tàu sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất", Trung tá Hùng nói.
Trước thực trạng trên, ngành Đường sắt Việt Nam nói chung và Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình nói riêng đã phối hợp với cơ quan, lực lượng chức năng địa phương thực hiện nhiều biện pháp, phối hợp tuyên truyền các tầng lớp nhân dân, học sinh các trường học dọc hai bên tuyến đường sắt về pháp luật ATGT đường sắt, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động của ngành Đường sắt.
Ông Bùi Quang Hòa, Phó Giám đốc Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho hay, nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm này, đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, an toàn tính mạng hành khách đi tàu, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Nghĩa Bình đã liên tục có văn bản đề nghị Ban ATGT tỉnh/thành có tuyến đường sắt đi qua yêu cầu các ban ATGT cấp huyện/xã có đường sắt đi qua phối hợp tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn hành vi ném đất, đá lên tàu.
Theo ông Hòa, một trong những giải pháp có tính chất căn cơ là phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đường sắt đi qua nắm rõ tình hình hành vi ném đất, đá lên tàu; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, công tác đảm bảo ATGT đường sắt. Đồng thời phối hợp với Công an các tỉnh/thành chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với ngành Đường sắt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, công tác đảm bảo ATGT tại các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt, nhất là hành vi ném đất, đá lên tàu. Khi nhận được thông tin thông báo về hành vi ném đất, đá lên tàu, công an các địa phương cần khẩn trương, kịp thời phối hợp với đơn vị đường sắt vào cuộc xác minh, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi vi phạm, gây nguy hiểm đến tính mạng hành khách đi tàu và nhân viên làm việc trên tàu.