Nạn nhân bị quấy rối không cần lời khuyên 'Hãy mặc kín hơn'

Những lời nhắc nhở ăn mặc kín đáo, không đi khuya một mình để tránh bị quấy rối tình dục có thể vô hình trung đặt trách nhiệm lên người có nguy cơ bị hại.

Khi những vụ quấy rối tình dục với phụ nữ xảy ra, bên cạnh chỉ trích kẻ biến thái, nhiều người cũng khuyên các cô gái chú ý bảo vệ bản thân bằng cách tránh ra ngoài một mình vào buổi tối, mặc đồ kín đáo khi đi đường, hoặc đem theo thiết bị phòng vệ.

Chẳng hạn, năm 2019, một hãng xe ôm công nghệ đã đưa ra lời khuyến cáo rằng khách nữ hạn chế ăn mặc "mát mẻ" hay "quá bó sát" nhằm giúp tài xế tránh "mất tập trung", từ đó đảm bảo sự an toàn của chuyến đi.

Bài đăng trên trang mạng xã hội của hãng đã nhận nhiều chỉ trích khi gợi thông điệp rằng sự mất an toàn của chuyến xe, hay nguy cơ xảy ra quấy rối tình dục, là do trang phục của phụ nữ.

Trên thực tế, không chỉ ở những thông điệp truyền thông gây tranh cãi, nữ giới vẫn luôn được nhắc nhở phải bảo vệ bản thân trong đời sống hàng ngày. Dù có thể mang ý tốt, lời khuyên này chứa đựng mặt trái.

 Việc nhắc nhở phụ nữ bảo vệ bản thân có thể vô tình tạo gánh nặng. Ảnh: PBS.

Việc nhắc nhở phụ nữ bảo vệ bản thân có thể vô tình tạo gánh nặng. Ảnh: PBS.

Theo chị Trần Lê Quỳnh Mai, cố vấn Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam (VOGE), bất kể ý đồ đằng sau những câu nói nhắc nhở này là gì, việc đặt trách nhiệm phòng ngừa quấy rối tình dục lên nạn nhân hay những người "có khả năng" trở thành nạn nhân là một ý tưởng không triệt để và mang nhiều hệ lụy.

“Bằng cách khuyên phụ nữ hạn chế về khuya một mình, đi cùng những bạn nam, ăn mặc kín đáo, không say xỉn, chúng ta đã ép phụ nữ phải bỏ đi quyền tự chủ của mình. Quyền tự chủ ở đây bao gồm việc được tự do đi lại, lựa chọn hành động, cách trình diện của bản thân trong những bối cảnh khác nhau.

Việc yêu cầu ai đó đánh đổi quyền tự chủ để có được sự an toàn mà lẽ ra các thiết chế xã hội phải đảm bảo cho họ là một điều vô lý và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề", cố vấn nhận định.

Vấn đề với lời khuyên

Trong cuộc sống, ta có thể nhận được nhiều tri thức, hiểu biết mới qua lời khuyên từ người khác. Nhưng đôi khi, những lời khuyên được đưa ra ngay cả khi không ai hỏi.

Theo VeryWell Mind, việc khuyên nhủ như vậy thường không hữu ích, thậm chí gây căng thẳng hơn cho người đối diện. Khi nhận lời nhắc nhở rằng mình cần hành động khác đi, người nghe có thể cảm thấy bị phán xét.

Có nhiều lý do khiến một người đưa ra lời khuyên dù không được hỏi. Ở mặt tích cực, họ muốn giúp đỡ và tin rằng mình có giải pháp cho vấn đề của người khác. Nhưng trong trường hợp xấu hơn, người đưa ra lời khuyên chỉ muốn khẳng định cái tôi, thể hiện mình hiểu biết, hoặc có ý đánh giá.

Đặt vào bối cảnh các vụ quấy rối tình dục, những người khuyên rằng con gái cần tránh đi khuya, ăn mặc kín đáo có thể chỉ ngầm phán xét, miệt thị chứ không thật sự mong muốn phụ nữ được an toàn.

Mặt khác, cũng có khả năng họ mang ý tốt và tin rằng bảo vệ bản thân là giải pháp hiệu quả để giảm khả năng phụ nữ bị tấn công tình dục. Tuy nhiên, điều này vô hình trung đặt trách nhiệm phòng tránh quấy rối lên người có nguy cơ bị hại.

 Dù có ý tốt hay xấu, những lời khuyên phụ nữ bảo vệ bản thân không thực sự hữu ích. Ảnh: ThoughtCo.

Dù có ý tốt hay xấu, những lời khuyên phụ nữ bảo vệ bản thân không thực sự hữu ích. Ảnh: ThoughtCo.

Trả lời Zing, chị Quỳnh Mai, hiện là cán bộ dự án tại tổ chức phi chính phủ BATIK International, cho biết: "Phụ nữ đã luôn được 'khuyên' phải bảo vệ bản thân, đến mức những câu nói ấy trở thành phản xạ tự nhiên khi thấy một vụ việc xảy ra. Thế nhưng, tình trạng quấy rối vẫn chưa được cải thiện, một phần do nhiều hình thức quấy rối (như bằng lời nói hay ánh mắt) không thể được phòng ngừa bằng các biện pháp nêu trên, một phần cũng do phụ nữ phải chịu nhiều dạng bất bình đẳng đan xen và giao thoa".

Chị Mai đưa ví dụ về lời khuyên "tránh đi về khuya một mình" và trường hợp những phụ nữ lao động phải bươn chải để nuôi sống gia đình. Ở đây, người nữ không có đặc quyền lựa chọn sinh hoạt, làm việc trong bối cảnh an toàn. Bởi vậy, lời khuyên trên khó mà áp dụng với họ.

Thực trạng về quấy rối tình dục

Quấy rối tình dục đã là một thực trạng nhức nhối, đặc biệt là ở Việt Nam. Ngoài quấy rối tình dục ở nơi công cộng, nhiều phụ nữ còn phải chịu những hành vi phổ biến bao gồm huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về ngoại hình, nhìn chằm chằm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, sờ mó một cách cố ý vào người đối phương.

Khảo sát cũng cho thấy phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên tìm cách để bảo vệ bản thân khỏi các hành vi tấn công tình dục. Cụ thể, họ thường hạn chế ra ngoài khi trời tối, tránh qua lại nơi vắng vẻ, không mặc áo hở cổ, vai, đồng thời tự trang bị vật dụng tự vệ.

Những số liệu này cho thấy bạo lực tình dục không chỉ ảnh hưởng phụ nữ khi họ là nạn nhân trực tiếp. Nó cản trở đời sống hàng ngày của nữ giới, từ việc di chuyển, sinh hoạt, đến sự bình yên trong tâm trí.

Phụ nữ không thực sự cần lời khuyên mới biết rằng xã hội còn nhiều bất bình đẳng và hiểm nguy cho nữ giới. Họ đã tự mình thực hiện những biện pháp để cảm thấy an toàn hơn, ngay cả khi phải đánh đổi tự do cá nhân.

 Trong một số vụ quấy rối, phụ nữ không thể phản ứng dù biết tự vệ. Ảnh: NPR.

Trong một số vụ quấy rối, phụ nữ không thể phản ứng dù biết tự vệ. Ảnh: NPR.

Theo The Guardian, việc tập trung quá nhiều vào khả năng tự vệ của phụ nữ cũng gần tương đương hành động đổ lỗi cho nạn nhân. Đồng thời, nó duy trì hiểu nhầm rằng phụ nữ luôn có khả năng đối phó, phòng vệ khi vụ quấy rối diễn ra. Nếu nạn nhân không chống trả, hoặc rơi vào những tình huống đã được cảnh báo nguy hiểm như say xỉn, đi về khuya một mình, họ rất dễ bị đổ lỗi.

Trang Under The Ropes cũng chỉ ra rằng khi bị tấn công tình dục, nạn nhân có thể rơi vào trạng thái “đóng băng” (freeze) do quá sốc hoặc sợ hãi, khiến họ không chống trả dù biết tự vệ. Bởi vậy, ngay cả những người học võ hoặc chơi thể thao nhiều năm cũng chia sẻ rằng mình đã không thể phản ứng khi bị cưỡng hiếp. Những ký ức đó khiến họ dằn vặt bản thân suốt thời gian dài.

Giải pháp

“Quấy rối tình dục không phải là một vấn đề cá nhân, cá biệt mà là hiện tượng xã hội mang tính hệ thống. Do vậy, nó cũng đòi hỏi những giải pháp mang tính hệ thống và triệt để”, chị Quỳnh Mai khẳng định.

Điều đó không có nghĩa phụ nữ không nên tự vệ. Đáng lưu ý ở đây là dẫu nữ giới vẫn phải bảo vệ bản thân hàng ngày, đó không nên là trách nhiệm của họ.

Cố vấn của Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam gợi ý một số giải pháp triệt để hơn khi tiếp cận vấn đề quấy rối tình dục.

Trước hết, chúng ta cần tập trung thay đổi thiết chế luật pháp. Điểm tích cực là những quy định về quấy rối tình dục đã có bước tiến với các định nghĩa được mở rộng và khung xử phạt hành chính cao hơn. Tuy nhiên, quy trình tố tụng, cung cấp bằng chứng, điều tra còn rất khó để áp dụng cho loạt biến thể đa dạng của hành vi quấy rối.

Bên cạnh đó, truyền thông và giáo dục cũng cần thay đổi cách nhìn, tránh bình thường hóa quấy rối hay củng cố các khuôn mẫu giới.

"Và đặc biệt, đừng đưa lời khuyên một cách phản xạ, dễ dàng và hời hợt. Hãy tạo ra những không gian an toàn để nạn nhân lên tiếng và được ủng hộ theo đuổi công lý”, chị Mai kết luận.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nan-nhan-bi-quay-roi-khong-can-loi-khuyen-hay-mac-kin-hon-post1349216.html