Nạn nhân chất độc da cam: Mong mỏi 'ngôi nhà thứ 2'
Những nạn nhân chất độc da cam đi qua chiến tranh và vợ của họ đều đã già yếu. Nhiều người đang đau đáu nỗi lo khi mình nằm xuống, không biết cậy nhờ ai chăm sóc các con bị phơi nhiễm chất độc da cam...
Căn nhà cấp bốn cũ rêu mốc tại tổ 7, phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên), là nơi 3 nạn nhân da cam trong gia đình bác Nguyễn Văn Tạo cùng sinh sống. Bác Tạo là thương binh hạng ¾, nhiễm chất độc da cam tại chiến trường. Năm nay 72 tuổi, bên cạnh nỗi khổ vì bệnh tật mỗi khi trái gió trở trời, bác còn trĩu nặng nỗi lo vì sợ hai người con trai cũng là nạn nhân da cam không ai chăm sóc khi mình nằm xuống.
Anh Nguyễn Văn Luân, con trai đầu của bác, trông bề ngoài mạnh khỏe nhưng lại không biết làm công việc gì, thường xuyên nghĩ mình là cán bộ Văn phòng Chính phủ, thỉnh thoảng lại ngơ ngẩn, đi lang thang. Con trai thứ 2 của bác là anh Nguyễn Văn Tuân, năm nay đã 45 tuổi nhưng chỉ cao khoảng 80cm, người quắt queo, chân tay co quắp, bị não úng thủy, nằm liệt giường từ khi mới sinh ra.
Trước kia, vợ bác là trụ cột chăm lo cho 3 bố con bệnh tật. Nhưng từ năm ngoái, bác gái mất, bác Tạo phải gồng mình để chăm lo cho các con. Bác cho biết: Sức khỏe ngày càng yếu, nhưng tôi tự "ra lệnh" cho mình không được phép ốm, bởi tôi ốm hai con sẽ nhịn ăn. Còn được thấy các con là tôi còn hạnh phúc...
Cách đó không xa, ở tổ 8, phường Đồng Quang, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhuần, bà Lê Thanh Thực tuổi đều đã trên 80 vẫn đang hằng ngày chăm sóc con gái 40 tuổi bị não úng thủy do di chứng chất độc da cam. Ông Nhuần là nạn nhân chất độc da cam trực tiếp, thương binh hạng ¾, không có sức lao động, ông bị suy tim, u não và suy đa khớp, nhiều năm nay không đi lại được.
Con gái duy nhất của ông là chị Nguyễn Thị Thùy Nhung, năm nay 40 tuổi, bị bệnh não úng thủy do di chứng chất độc da cam. Trải qua 6 lần phẫu thuật não nhưng bệnh của chị không thuyên giảm, hiện nay chị bị hỏng một mắt, đi lại khó khăn. Ông Nhuần và vợ vẫn canh cánh nỗi lo khi hai vợ chồng tuổi ngày càng cao, không đủ sức khỏe để chăm lo cho con gái.
Tương tự, ở xóm Vườn Thông, xã Động Đạt (Phú Lương), bà Hoàng Thị Hằng, 75 tuổi, canh cánh lo cho 3 người con bị di chứng da cam không ai chăm sóc khi mình nằm xuống. Ba người con của bà là: Bế Văn Cường, 50 tuổi; Bế Thị Hồng (46 tuổi); Bế Thị Duyên (40 tuổi) bị điếc bẩm sinh, câm hoặc ngọng, thần kinh, không lao động được, đang hưởng chế độ da cam mức độ 1 và 2. Nhìn 3 đứa con ngây dại, bà Hằng xót xa: Năm nay 75 tuổi, tôi vẫn là lao động chính trong nhà. Chỉ lo sau này tôi mất, không ai nấu cơm cho các con ăn...
Theo số liệu của các cơ quan chức năng và qua điều tra, khảo sát của các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam, tỉnh Thái Nguyên có gần 14.000 nạn nhân da cam. Trong đó, gần 9.400 trường hợp đang được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, bao gồm hơn 8.100 nạn nhân trực tiếp, gần 1.300 nạn nhân gián tiếp.
Những nạn nhân gián tiếp đa số không có khả năng lao động, đời sống vật chất, tinh thần khó khăn, thiếu thốn. Nhiều người bị di chứng nặng, mắc các bệnh hiểm nghèo, có người phải nằm liệt giường. Trong khi đó, các thế hệ từng tham gia kháng chiến trước đây hiện nay đang chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng nhiễm chất độc da dam đều đã già yếu, nhiều người quanh năm phải lo chăm sóc, chạy chữa cho con, cháu nên cuộc sống, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khó khăn, khánh kiệt.
Đau đáu nỗi lo khi mình nằm xuống không ai chăm sóc các con, họ mong muốn tỉnh quan tâm xây dựng Trung tâm Nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam, để có nơi chăm sóc cho các con, cháu họ sau này.
Nhiều năm đồng hành, thấu hiểu nỗi khổ của các gia đình nạn nhân chất độc da cam, ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chia sẻ: Việc thành lập các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam hiện nay đã rất cần kíp. Chúng tôi mong muốn Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, UBND tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng một trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Như vậy, tỉnh sẽ dần tiến tới hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi nạn nhân da cam; thể hiện sự quan tâm sâu sắc với những cống hiến, hy sinh của người có công, trong đó có nạn nhân da cam.