Nạn nhân Indonesia ở Campuchia: 'Bạn của tôi đã chết'
Vì tin lời hứa hẹn của các đối tượng lừa đảo, nhiều lao động Indonesia đã 'sập bẫy' sang Campuchia làm việc. Họ không được trả lương và phải chấp nhận liều lĩnh để tìm lại tự do.
Chia sẻ với Zing, bà Anis Hidayah, Giám đốc điều hành Migrant Care - tổ chức bảo vệ quyền lợi lao động nhập cư tại Indonesia, cho biết đại dịch Covid-19 là một trong những nhân tố khiến tình trạng lừa đảo lao động sang Campuchia làm việc bùng phát tại Indonesia.
“Nguyên nhân đầu tiên là sau đại dịch, chúng ta phải đối mặt với tình hình kinh tế khá tồi tệ, khiến nhiều lao động Indonesia ở nước ngoài mất việc. Họ quay trở lại Indonesia nhưng không có cơ hội việc làm trong nước. Do đó, họ phải tìm công việc mới”, bà nói.
Cũng giống như các lao động đến từ Trung Quốc, Malaysia, Philippines hay Việt Nam, nhiều người Indonesia mắc bẫy trước những lời hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” tại nước ngoài. Dù vậy, khi tới Campuchia, họ phải đối mặt với thực tế khác xa kỳ vọng.
“Họ bị sốc khi hiểu rằng đây là hoạt động lừa đảo tại Campuchia”, bà Anis chia sẻ.
Con mồi ngon cho đối tượng lừa đảo
Những lao động gặp khó khăn về kinh tế trở thành “con mồi” cho các “tập đoàn buôn người” tiếp cận. Bà Anis chỉ ra hầu hết nạn nhân bị lừa sang Campuchia tìm được công việc qua Facebook.
“Nếu tra cụm từ ‘việc làm tại Campuchia’ trên Google, bạn có thể tìm thấy hàng nghìn thông tin việc làm”, bà nói. “Dù vậy, thông tin trên Facebook không đề cập đến hành vi lừa đảo. Đó chỉ là công việc hành chính hay làm việc tại khách sạn, nhà hàng. Thủ tục cũng rất nhanh chóng”.
Một khi nạn nhân đã “sập bẫy”, các đối tượng từ Campuchia sẽ tiếp cận họ để đăng ký thông tin và tìm vé máy bay rời Campuchia.
“Quá trình sẽ kéo dài khoảng hai tháng”, bà Anis chia sẻ. “Họ đều làm việc mà không có thị thực lao động hay hợp đồng. Nhiều người không được trả lương, nhưng phải làm việc đến 16 tiếng mỗi ngày và bị lạm dụng”.
Rendi (tên nhân vật đã được sửa đổi) - người từng có thời gian lao động tại Trung Đông - là một trong những nạn nhân bị lừa đảo theo cách này.
Qua Facebook, anh tìm thấy thông tin về việc làm chăm sóc khách hàng tại Campuchia với mức lương lên đến 1.200 USD/tháng, theo BBC News Indonesia. Khi phỏng vấn, Rendi ban đầu ngần ngại vì chưa được ký hợp đồng. Dù vậy, người phỏng vấn cam kết rằng hợp đồng sẽ được ký ngay sau khi anh đến Campuchia.
Sau khi suy nghĩ, Rendi quyết định vẫn tới Campuchia vào tháng 5. Người phỏng vấn thậm chí mua cho anh vé máy bay và đón anh từ sân bay tới Sihanoukville. Phải đến lúc này, Rendi mới nhận ra đó là một đối tượng cò mồi, người nhận được 2.000 USD với mỗi nạn nhân có thể tuyển mộ.
Tại “công ty” ở Sihanoukville, anh được yêu cầu thiết lập tài khoản mạng xã hội để lừa đảo các nạn nhân là phụ nữ ở các nước Đông Nam Á - như Indonesia hay Việt Nam. Sau khi xây dựng "quan hệ tình cảm" với nạn nhân, anh phải lừa họ chuyển tiền cho mình. Một nhóm 6-7 người phải lừa được 35.000 USD mỗi tháng.
Dù vậy, bản thân Rendi không nhận được đồng lương nào. Anh còn bị “mua đi bán lại” giữa các công ty với lý do không hoàn thành chỉ tiêu. Để tự do, anh phải trả số “tiền phạt” 11.000 USD.
Phải đến một ngày mưa gió, Rendi mới có cơ hội trốn thoát. Anh bắt xe tới Phnom Penh, liên hệ với đại sứ quán nước này và được đưa về nước hồi đầu tháng 8.
“Tôi vẫn bị tổn thương tâm lý. Bạn của tôi có người đã chết”, Rendi nói với BBC News Indonesia.
Nỗ lực giải cứu
Phát biểu trước Quốc hội Indonesia hôm 1/9, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi cho biết số nạn nhân người Indonesia bị lừa đảo đã tăng mạnh, từ 119 người năm 2021 tới 446 người chỉ trong 8 tháng đầu năm 2022.
Dù vậy, con số thực tế có thể còn cao hơn, do một số trường hợp không thông báo với cơ quan chức năng nước này.
Bà Anis chỉ ra Bắc Sumatra và Đông Java là các tỉnh có nhiều lao động sang làm việc bất hợp pháp tại Campuchia. “Chúng tôi đang trao đổi với các khu vực này, từ thống đốc tới các quan chức trong chính quyền cấp làng xã”, bà nói.
Cơ quan Bảo vệ Người lao động Di cư Indonesia (BP2MI) hôm 23/8 cho biết 241 công dân của nước này bị nghi là nạn nhân của nạn lừa đảo lao động tại Campuchia, theo Antara. Những người này được đưa về nước theo bốn đợt từ 5-22/8.
Trong khi đó, BP2MI cũng phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn 215 công dân Indonesia xuất cảnh từ sân bay Kuala Namu ở tỉnh Bắc Sumatra. Trong số này, 5 người được xác định là nghi phạm, trong khi 210 lao động chuẩn bị xuất cảnh được trả về địa phương cư trú.
Trong cuộc hội đàm với Thống tướng Neth Savoeun, Tổng cục trưởng Tổng cục Công an quốc gia Campuchia hồi đầu tháng 8, bà Marsudi cũng trực tiếp đề nghị Phnom Penh phối hợp đối phó với tình trạng buôn người.
Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng Indonesia, nhiều tổ chức phi chính phủ - như Migrant Care - cũng đã tham gia quá trình giải cứu các lao động bị lừa sang Campuchia và tuyên truyền hướng đến chấm dứt tình trạng này.
Theo bà Anis, trong 8 tháng đầu năm 2022, Migrant Care đã nhận được tin báo từ 124 lao động Indonesia tại Campuchia. Họ liên hệ qua Facebook, WhatsApp và một số trực tiếp gọi về từ Campuchia.
“Chúng tôi cố gắng khích lệ họ quay trở lại Indonesia. Chúng tôi đã trao đổi với Bộ Ngoại giao - bao gồm bộ trưởng Ngoại giao và giám đốc phụ trách bảo hộ công dân - rất kỹ lưỡng với tần suất gần như hàng ngày”, bà cho biết. “Chúng tôi cũng cập nhật mỗi khi nhận được tin báo từ các lao động về tình trạng của họ - khi họ bị lạm dụng hay bị đối xử tệ”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bay-viec-nhe-luong-cao-hoanh-hanh-o-indonesia-post1355446.html