Nạn nhân vụ Kaseya gặp rắc rối sau khi nhóm tin tặc REvil biến mất
Một số nạn nhân của cuộc tấn công ransomware vào công ty Kaseya được cho là đã gặp phải rắc rối khi nhóm tin tặc REvil đột ngột biến mất mặc dù họ đã trả tiền chuộc.
Nhiều nạn nhân của cuộc tấn công ransomware vào công ty CNTT Kaseya vẫn đang trong quá trình phục hồi dữ liệu của mình. Nhưng một nạn nhân đang gặp phải vấn đề đặc biệt khó khăn khi trình giải mã của họ không hoạt động và không nhận được sự trợ giúp từ nhóm tin tặc REvil mặc dù nạn nhân này đã trả tiền chuộc.
Mike Hamilton, cựu Giám đốc an toàn thông tin (CISO) của thành phố Seattle và hiện là CISO của công ty xử lý ransomware Critical Insight nói với ZDNet rằng, một khách hàng, yêu cầu giấu tên, là một trong số ít nạn nhân của vụ tấn công vào Kaseya đã trả tiền chuộc cho nhóm REvil.
Hamilton giải thích rằng, công ty đã trả tiền chuộc và nhận các khóa giải mã từ REvil nhưng hiện chúng không hoạt động. Thông thường, sau khi nhận được tiền chuộc, REvil sẽ cung cấp chức năng hỗ trợ để giúp nạn nhân khôi phục lại dữ liệu đã bị đánh cắp.
Nhưng tình huống bất ngờ đã xảy ra khi nhóm REvil đã hoàn toàn biến mất trên mạng internet trong tuần này khiến một số nạn nhân lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan và không còn nhiều lựa chọn để giải quyết vấn đề.
Tình huống này xảy ra khiến các nạn nhân mất rất nhiều dữ liệu và cuối cùng họ sẽ phải chi rất nhiều tiền để xây dựng lại hoàn toàn mạng của mình từ đầu, ông Hamilton cho biết thêm.
ZDNet đã liên hệ với nhiều chuyên gia và công ty an ninh mạng để xem liệu các nạn nhân khác của Kaseya có gặp phải vấn đề tương tự hay không. Nhưng gần như tất cả những người được liên hệ cho biết hầu hết các nạn nhân không trả tiền chuộc và họ chưa thấy bất kỳ công ty nào khác gặp phải vấn đề tương tự như thế này.
Hamilton nói rằng do quy mô của cuộc tấn công rất lớn, ước tính khoảng 1.500 tổ chức đã bị ảnh hưởng. Trong số đó, phải có những công ty khác đã trả tiền chuộc cho nhóm tin tặc và hiện đang vật lộn để giải mã các tệp của họ mà không có sự trợ giúp của hệ thống hỗ trợ từ REvil.
Sau vụ tấn công, đã có một cuộc thảo luận trực tuyến về việc liệu một khóa giải mã có hoạt động với tất cả các nạn nhân của Kaseya hay không. Các chuyên gia cho biết REvil hoàn toàn có thể tạo ra các khóa giải mã riêng cho từng nạn nhân nhưng cuối cùng nhóm ransomware đã đưa ra đề nghị cung cấp cho Kaseya một trình giải mã đa năng với số tiền chuộc lên đến 70 triệu USD.
Allan Liska, chuyên gia về ransomware của công ty an ninh mạng Recorded Future (Mỹ) đã đưa ra giả thuyết rằng, có thể cách quản lý khóa giải mã của REvil kém nên chúng không biết phải cung cấp khóa giải mã nào cho nạn nhân nào. Chúng có thể đã giao nhầm khóa giải mã cho một số nạn nhân đã trả tiền chuộc.
Liên quan đến vấn đề này, hiện cả chính quyền Mỹ và quan chức Nga đều phủ nhận có liên quan đến sự biến mất của nhóm tin tặc REvil.
Tuy nhiên, ông Hamilton đưa ra nhận định rằng, nhiều khả năng các quan chức chính phủ Nga đã gây áp lực lên REvil do áp lực gia tăng từ chính quyền của Tổng thống Biden.
Phan Văn Hòa(theo ZDnet)