Nạn nhân xung đột Ethiopia: 'Tôi thấy thi thể cha mình trên Facebook'

Những hình ảnh bạo lực lan truyền trên Facebook do chiến tranh tại Ethiopia khiến người trong cuộc ám ảnh suốt nhiều năm.

Tháng 11/2018, Moti Dereje, sinh viên đại học tại Addis Ababa (Ethiopia) đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân. Thay vì những bài đăng thường ngày từ bạn bè và gia đình, Dereje nhìn thấy ảnh chụp thi thể cha của anh.

"Tôi gần như chết lặng vào lúc đó. Thực sự quá sốc", Dereje chia sẻ với BBC. Không chỉ sốc, Dereje còn bất ngờ bởi thông qua bức ảnh, anh mới biết cha mình đã bị giết.

Với tình trạng bất ổn chính trị tại Ethiopia, Facebook tại đây tràn ngập hình ảnh, video phản cảm, kích động bạo lực và lan truyền tin giả.

Trách nhiệm của mạng xã hội là tăng cường kiểm duyệt, gỡ nội dung độc hại. Tuy nhiên, ảnh thi thể cha của Dereje không bị gỡ xuống. Chàng sinh viên thậm chí nhìn chúng xuất hiện suốt nhiều năm.

Nỗi ám ảnh trong 4 năm

Cha của Dereje là cựu nghị sĩ, quản lý một trường học địa phương. Ông là mục tiêu ám sát chính trị tại phía tây Oromia, khu vực hỗn loạn với các vụ giết người liên tục xảy ra vào thời điểm đó.

"Dường như chúng đang ăn mừng khi giết ông ấy. Điều đó quá đau đớn", Dereje cho biết.

Khoảng 15 bài viết gồm ảnh chụp thi thể cha của Dereje được phát hiện. Dù đã báo cáo nhiều lần lên Facebook, chúng vẫn lan truyền suốt 4 năm. Rất ít ảnh được hệ thống tự động che mờ.

 Phản hồi của Facebook trong báo cáo của Dereje về ảnh chụp thi thể cha của mình. Ảnh: BBC.

Phản hồi của Facebook trong báo cáo của Dereje về ảnh chụp thi thể cha của mình. Ảnh: BBC.

Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook ghi rõ sẽ xóa video và hình ảnh "thể hiện cái chết thảm khốc của một người nếu thành viên gia đình yêu cầu gỡ bỏ".

Sau khi BBC liên hệ, đại diện Meta, công ty mẹ của Facebook thừa nhận bức ảnh không vi phạm chính sách về nội dung bạo lực hoặc ghê rợn, nhưng sẽ gỡ nếu nhận yêu cầu từ thành viên trong gia đình.

Tất cả ảnh chụp thi thể cha của Dereje đã được gỡ bỏ. Hiện tại, hệ thống báo cáo trên Facebook không có cơ chế dành cho thành viên gia đình. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết đang thử nghiệm hình thức báo cáo này.

Đội ngũ kiểm duyệt lỏng lẻo

Những bài viết với hình ảnh ghê rợn, ngôn từ bạo lực trở thành vấn đề đáng lo ngại trên mạng xã hội tại Ethiopia. Tình trạng đã xảy ra từ trước năm 2020, nhưng khi chiến tranh tại vùng phía bắc Tigray nổ ra vào tháng 11 cùng năm, mức độ bạo lực trong các bài viết đã tăng lên đáng kể.

Năm 2021, Ban Giám sát Facebook khuyến nghị công ty mở cuộc điều tra độc lập với Ethiopia để đánh giá tầm ảnh hưởng của nền tảng trong việc lan truyền ngôn từ kích động thù địch và bạo lực. Dù vậy, không có cuộc điều tra nào diễn ra.

Trả lời BBC, đại diện Meta dẫn lại phản hồi được đưa ra vào tháng 7/2022, nói rằng công ty sẽ xem xét tính khả thi của cuộc đánh giá.

Năm ngoái, có thông tin cho rằng 2 công dân Ethiopia đã kiện Meta, cáo buộc thuật toán của Facebook giúp lan truyền tư tưởng thù địch.

 Người dân tại vùng Tigray được hỗ trợ thiết bị để liên lạc với gia đình. Ảnh: ICRC.

Người dân tại vùng Tigray được hỗ trợ thiết bị để liên lạc với gia đình. Ảnh: ICRC.

Phản hồi thông tin này, Meta khẳng định đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ và đội ngũ kiểm duyệt. Tuy nhiên, Rehobot Ayalew, người kiểm tra tính xác thực thông tin tại Addis Ababa, thắc mắc về hành động thực tế của Facebook.

"Tôi không nghĩ các nền tảng đang để mắt đến Ethiopia. Facebook nói rằng họ có ban kiệm duyệt dành cho Ethiopia, những người nói tiếng Amharic và Tigrinya, nhưng chúng tôi không biết số lượng bao nhiêu. Họ thậm chí không làm việc từ Ethiopia mà tại Kenya", Ayalew cho biết.

Theo bà Ayalew, quy trình kiểm duyệt lỏng lẻo khiến nội dung bạo lực tồn tại trên Facebook quá lâu. Phải mất thời gian dài trước khi chúng bị gỡ.

Sự thù ghét gia tăng

Trong cuộc phỏng vấn, Ayalew đề cập video được lan truyền vào tháng 3/2022, quay cảnh người đàn ông phiến quân Tigray bị thiêu sống.

"Lẽ ra trí tuệ nhân tạo phải loại bỏ nó từ đầu. Tuy nhiên, ngay cả khi bị báo cáo, đoạn video vẫn tồn tại trong vài giờ thay vì bị gỡ nhanh chóng", Ayalew cho biết.

"Chúng tôi có quy tắc nghiêm ngặt, nêu rõ những gì được và không thể xuất hiện trên Facebook hay Instagram. Lời nói thù ghét và kích động bạo lực đều trái với quy tắc. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào đội ngũ kiểm duyệt và công nghệ để xóa các nội dung này", phát ngôn viên của Meta cho biết.

Những nội dung bạo lực không chỉ khơi dậy sự căm thù, chúng còn khiến hàng triệu người Ethiopia cảm thấy đau đớn.

 Năm nay 23 tuổi, Dereje theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh gia và làm phim tự do. Ảnh: BBC.

Năm nay 23 tuổi, Dereje theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh gia và làm phim tự do. Ảnh: BBC.

Tháng 11/2022, thỏa thuận hòa bình được ký kết nhằm chấm dứt chiến tranh tại Tigray. Dù vậy, tình trạng hỗn loạn vẫn diễn ra ở Oromia. Các nhà hoạt động lo ngại việc hòa giải sẽ bị cản trở bởi nội dung bạo lực trên mạng xã hội.

"Mọi người có xu hướng tin vào các bài đăng và làm theo chúng. Do đó, những hình ảnh bạo lực và phá hoại chắc chắn làm chậm quá trình hòa giải", bà Ayalew cho biết.

Dereje vẫn tiếp tục cuộc sống ở tuổi 23, theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh gia và làm phim tự do. Anh thậm chí làm phim tài liệu về cuộc đời của mình.

"Tôi nghĩ đã đến lúc kể câu chuyện của mình và nếu thành công, nó có thể mang đến sự thay đổi", Dereje cho biết. Dù vậy, anh vẫn lo lắng nội dung bạo lực sẽ mang đến rắc rối cho bản thân.

"Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một xác chết được đăng trực tuyến hoặc trên Facebook do chiến tranh ở Ethiopia, tôi thực sự cảm thấy buồn. Có lẽ ai đó sẽ cảm nhận những gì tôi đã trải qua", Dereje chia sẻ.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-thay-thi-the-cha-minh-tren-facebook-post1401126.html