Nạn phá rừng tại Gia Lai lại 'nóng'
Cục Lâm nghiệp đề nghị tỉnh Gia Lai chỉ đạo điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm và xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua.
Liên tiếp phát hiện phá rừng
Giữa tháng 2/2023, qua tuần tra kiểm soát, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Hde phát hiện hơn 100 cây gỗ bị khai thác trái phép nên báo cáo với Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai để phối hợp điều tra, xác minh.
Tiếp cận, kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng xác định tại lô 7, khoảnh 7; lô 1, khoảnh 10, tiểu khu 792 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kông Hde quản lý, địa giới hành chính xã Sró (huyện Kông Chro) có 125 cây gỗ gồm các chủng loại: Bằng lăng, căm xe, xương cá bị cưa hạ trái phép. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 30,234m3. Phần lớn thân cây đã bị lấy đi, hiện trường chỉ còn lại bìa gỗ, cành nhánh và mùn cưa; dấu vết cưa hạ bằng máy cưa. Khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường có khả năng thu giữ là 4,005m3.
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kông Chro đề nghị Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục mở rộng tìm kiếm. Cơ quan chức năng phát hiện thêm 24 cây gỗ bị cưa hạ trái phép. Tổng số cây gỗ bị cưa hạ trái phép trong vụ việc là 149 cây gỗ, tổng khối lượng gỗ thiệt hại là hơn 32m3.
Cũng trên địa bàn huyện Kông Chro, vào ngày 17/2, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro phối hợp với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia Pa và UBND xã Chơ Glong kiểm tra tại khu vực Thủy điện Đak Pi Hao II (giáp ranh huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) và phát hiện 1 xe độ chế đang vận chuyển 21 lóng gỗ tròn, chủng loại Căm xe, Lim xẹt, Chò chai và Sộp thuộc loài thông thường, khối lượng 1,315m3 và máy cưa. Khi thấy lực lượng chức năng, lái xe đã bỏ lại toàn bộ tang vật, phương tiện và bỏ trốn khỏi hiện trường.
Lần theo dấu vết xe độ chế, lực lượng chức năng phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 780 lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý, địa giới hành chính xã Chơ Glong, huyện Kông Chro có 7 cây rừng thuộc chủng loại Căm xe, Lim xẹt, Chò chai và Sộp bị khai thác trái phép. Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã xác lập hồ sơ, tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm để xác minh, xử lý.
Tại huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) vào cuối tháng 2/2023, lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tại tiểu khu 114, lâm phần do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai quản lý, địa giới hành chính xã Sơ Pai, huyện Kbang có 16 cây rừng tự nhiên bị cưa hạ, các cây gỗ có đường kính từ 40-90cm. Một số cây gỗ đã bị lâm tặc “xẻ thịt” mang ra ngoài tiêu thụ; số gỗ bỏ lại hiện trường bị rỗng ruột, hư hỏng hoặc giá trị thấp, tổng khối lượng khoảng 11,463m3.
Còn tại huyện Krông Pa, Hạt Kiểm lâm huyện cũng vừa phối hợp với UBND xã Ia Mlah (huyện Krông Pa) tiến hành kiểm tra, phát hiện tại khoảnh 2, tiểu khu 1361, địa giới hành chính xã Ia Mlah có 1.100m2 rừng phòng hộ bị phá trái phép, làm nương rẫy. Đây là diện tích rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và tiến hành điều tra, xử lý.
Sẽ xử lý nghiêm các vụ phá rừng
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết: Huyện đã chỉ đạo Công an huyện huy động toàn bộ lực lượng để điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng tại tiểu khu 114. Đồng thời, cơ quan chức năng đã có danh sách các đối tượng nghi vấn và đang khẩn trương truy xét, làm rõ.
Cũng theo ông Dũng, quá trình thu hồi đất rừng bị lấn chiếm ở địa phương để trồng rừng từng xảy ra xung đột giữa đơn vị chủ rừng là công ty lâm nghiệp và các hộ dân; có tình trạng chủ rừng thực hiện trồng rừng thì cây bị nhổ bỏ. Do đó, địa phương không loại trừ khả năng phá rừng để trả thù đơn vị chủ rừng.
“Quan điểm của huyện là sẽ làm rõ, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan. Công ty buông lỏng quản lý thì chịu trách nhiệm, cá nhân vi phạm phải bị xử lý theo quy định pháp luật”, ông Dũng nói thêm.
Liên quan đến vụ phá rừng tại tiểu khu 792, Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro đã quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan CSĐT Công an huyện để tiếp tục điều tra, làm rõ. Cơ quan chức năng đã xác định được 2 đối tượng có liên quan đến vụ việc đồng thời đã kiểm tra, phát hiện gỗ tang vật được cất giấu tại nhà sàn, chòi rẫy của các hộ dân và tiến hành thu hồi, vận chuyển về bảo quản tại Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro. Số gỗ này được cắt xẻ theo quy cách làm nhà, nhiều khả năng được dùng để làm nhà sàn.
Ông Võ Nguyên Nam - Chủ tịch UBND huyện Kông Chro thông tin: Ngày 13/3, cơ quan CSĐT Công an huyện đang tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ phá rừng và lấy lời khai những người liên quan để củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định. Huyện sẽ xử lý nghiêm và làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan vụ việc phá rừng. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn là nâng cao mức sống, tạo sinh kế để người dân không còn phụ thuộc vào rừng, tiến tới làm giàu nhờ rừng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nan-pha-rung-tai-gia-lai-lai-nong-i686541/